Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 4/10/2013), ảnh chụp năm 2002 (Ảnh: Bùi Tuấn) Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng lỗi lạc, đã chỉ huy đánh thắng những đạo quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới, được thế giới thừa nhận là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại. Đã có rất nhiều tác phẩm trong và ngoài nước ca ngợi về tài cầm quân, về nghệ thuật chỉ huy và về nhân cách phi phàm của Đại tướng. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến một vài khía cạnh rất nhỏ, phần nhiều gắn với những kỷ niệm riêng của bản thân. Năm 1972 khi Mỹ dùng máy bay B52 ném bom Hải Phòng và thủ đô Hà Nội, tôi đang đóng quân ở Quảng Bình, có một chuyện mà tôi không bao giờ quên. Một hôm, trong khi làm nhiệm vụ thu thập tin tức từ các đài phương Tây, có một tin làm tôi choáng váng, toàn thân gần như tê liệt. Tôi không tin vào tai mình nữa. Rồi không phải một đài mà các hãng thông tấn thay nhau truyền đi tin dữ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tử nạn vì bom B52 trong một chuyến đi thị sát trận địa tên lửa… Không ai trong chúng tôi tin điều này (hay nói đúng hơn là không muốn tin), nhưng không hiểu sao tất cả đều bật khóc, khóc nức nở như mất người thân thiết nhất của chính mình. Chắc Trung ương biết điều này nên chỉ ngay ngày hôm sau trên Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục phát đi tin Đại tướng đi kiểm tra các đơn vị… Niềm vui đến với chúng tôi thật khôn xiết, thậm chí niềm vui còn biến thành tinh thần lạc quan như ta sắp giải phóng Miền Nam đến nơi rồi. Thế mới biết Đại tướng có vị trí như thế nào trong lòng những người lính. Đúng mười năm sau tại Mascova tôi có vinh dự được gặp Đại tướng trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Khi ấy tôi được cử sang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Lomonoxov. Không hiểu sao, sau buổi gặp chung với đại diện NCS và thực tập sinh cao cấp, Đại tướng bảo tôi ở lại gặp riêng. Và thật hạnh phúc, trong buổi gặp vô cùng quý giá ấy tôi đã được Đại tướng chỉ bảo, dặn dò và cũng là một cơ may, trong lần gặp mà với tôi là một sự kiện lớn trong đời, tôi đã được tiếp xúc với GS. Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng. Điều tôi nhớ đến tận bây giờ là khi kể cho hai vợ chồng Đại tướng về chuyện đơn vị tôi đã khóc như mưa vì tin Đại tướng trúng bom, tôi nghĩ Đại tướng sẽ cười như một chuyện hài hước, nhưng không, Đại tướng thể hiện sự xúc động khiến tôi rất ngỡ ngàng. Đại tướng đã thực sự cảm động về một câu chuyện rất thật về tình cảm của người lính dành cho Ông. Cả thế giới biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Tôi cũng đã thuộc nằm lòng nhiều chi tiết về sự kiện lịch sử vĩ đại này, trong đó rất tâm đắc với tư tưởng chắc thắng và quyết định lấy phương châm “đánh chắc, tiến chắc” thay cho “đánh nhanh, thắng nhanh”. Nhưng nếu không có một lần được trực tiếp nghe Đại tướng kể lại vì sao có quyết định này thì tôi chỉ hiểu đây là một quyết định sáng suốt đạt tới mức nghệ thuật của một thiên tài quân sự. Hóa ra, điều khiến Đại tướng phải nhiều đêm thức trắng để đi tới quyết định này không chỉ ở hai chữ “chắc thắng” mà lại bởi Ông xót máu xương của chiến sĩ. Hiếm có vị danh tướng nào lại có tấm lòng nhân ái, thương lính như thế, bởi “nhất tướng công thành vạn cốt khô” (để một ông tướng thành danh có sự sinh của hàng vạn người) là triết lý được chấp nhận, là quy luật của chiến tranh. Có lẽ từ cái tâm của Đại tướng như vậy, lòng nhân ái của Đại tướng như vậy nên sau khi chiến tranh kết thúc ông suy nghĩ nhiều đến văn hóa. Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất (1998), Đại tướng Võ Nguyên Giáp thứ 4 từ trái sang (ảnh: Bùi Tuấn) Năm 1998 tôi có may mắn được giúp GS. Phan Huy Lê tổ chức Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất. Rất vinh dự cho Hội thảo được Đại tướng nhận lời tham gia và đọc tham luận trong phiên toàn thể. Cũng nhờ đó mà tôi lại có cơ hội tới 30 Hoàng Diệu để nghe ý kiến chỉ đạo của Đại tướng. Trong một lần như thế, tôi đã học được một tư tưởng lớn của Ông: “Nghệ thuật quân sự Việt Nam là lĩnh vực thuộc phạm trù văn hóa”. Thoạt nghe tôi chưa thật hiểu, nhưng Đại tướng đã ôn tồn giải thích, đại ý: Văn hóa là tất cả sáng tạo của con người vì mục đích tồn tại và phát triển của cộng đồng. Trong lịch sử Việt Nam, dựng nước luôn đi đôi với giữ nước, liên tục từ đời này sang đời khác chúng ta phải đứng lên cầm vũ khí, đem hết tài năng và trí tuệ ra để bảo vệ độc lập dân tộc. Tất cả những sáng tạo trong lĩnh vực quân sự là vì sự tồn vong của dân tộc, của đất nước, nếu không phải là văn hóa thì là cái gì? Tôi đã kể điều này với nhiều người và ai cũng đều có chung một suy nghĩ: Đại tướng không chỉ là một danh tướng mà còn là một nhà tư tưởng, một nhà văn hóa lớn. Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, chúng tôi còn được Đại tướng giảng giải những điều mà theo Ông, là giới Việt Nam học trong nước và quốc tế vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng, thậm chí Ông còn nói là “chưa thể lý giải”. Trước hết đó là hiện tượng dân tộc Việt Nam bị mất độc lập, sau đó bị đặt dưới ách cai trị của các triều đại phong kiến mạnh về quân sự, giàu về tiềm lực, cao về trình độ văn minh… trong một thời gian dài hàng nghìn năm mà vẫn không bị đồng hóa. Đó là điều mà theo Đại tướng, có một không hai trong lịch sử nhân loại, cần phải đặt ra để tiếp tục nghiên cứu để lý giải. Đại tướng, phu nhân và GS. Vũ Minh Giang (ảnh: Bùi Tuấn) Thứ hai, đó là sức mạnh kỳ diệu của dân tộc Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Hầu như tất cả những đạo quân đến xâm lược nước ta trong lịch sử đều rất hùng mạnh và hung hãn, trong đó có những đạo quân được coi là có khả năng làm khuynh đảo thế giới. Ở thế kỷ XIII là đội quân Nguyên – Mông, một đội quân đã chinh phục khắp lục địa Á - Âu tạo ra một đế chế có lãnh thổ liền nhau lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Đội quân ấy đã thất bại ba lần trước nhân dân Việt Nam. Đại tướng nói, không thể lý giải một cách đơn giản hiện tượng này. Có hiểu thật sâu sắc lịch sử mới có thể lý giải được vì sao ta thắng Mỹ, một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, một thế lực mà trước khi bị thất bại trong chiến tranh Việt Nam, bất kỳ một quốc gia nào, kể cả những nước được coi là cường quốc cũng phải ngần ngại, né tránh. Những lời chỉ bảo của Đại tướng cho tôi cảm giác được thụ giảng với một nhà sử học uyên bác và bất giác trong tôi trào lên niềm tự hào khó tả. Tất cả những gì Đại tướng có ngoài tư chất thiên bẩm, còn là sự tích lũy kiến thức, được đào tạo, học hành tử tế. Ông từng là sinh viên của Đại học Đông Dương, tiền thân của ĐHQGHN, cái nôi dung dưỡng và đào tạo nhân tài. Niềm tự hào còn ở chỗ, Đại tướng yêu sử và chọn lịch sử làm nghề. Ông thường nói, nếu không có chiến tranh mình làm nghề dạy sử! Có lẽ vì vậy mà Ông đã nhận lời làm Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Giới sử học cả nước coi đây là một niềm vinh dự lớn lao. Chất trí thức, chất nhân văn của Đại tướng có lẽ một phần cũng có căn cốt từ đây. Vẫn biết sinh tử là lẽ tự nhiên, nhưng khi nghe tin Đại tướng từ trần, tôi thấy tim mình như nghẹn lại. Tôi chợt nhớ một câu không biết đã được đúc kết từ bao giờ, nhưng cứ truyền từ đời này sang đời khác: Sinh vi danh tướng, tử vi thần (có nghĩa là sống là danh tướng đánh giặc cứu nước, chết sẽ hóa thần). Trong lịch sử đã có những anh hùng dân tộc đã hóa thần trong lòng dân như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung… Trong tận tâm khảm của mình, tôi nghĩ Đại tướng Võ Nguyễn Giáp sẽ sống mãi và trở thành hình tượng thần thánh trong lòng dân. >>> Tin bài liên quan: - Võ Nguyên Giáp, cựu sinh viên Trường Luật - Đại học Đông Dương - Một số hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cán bộ sinh viên ĐHQGHN - Võ Đại tướng - Nhà trí thức cách mạng tiêu biểu - Thăm vị Đại tướng "Dĩ công vi thượng" - Sinh viên ĐHQGHN phục vụ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim sinh viên tình nguyện ĐHQGHN (*) Bài viết đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN năm 2013, sau ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |