Là người có nhiều kinh nghiệm và thành tích trong nghiên cứu khoa học, với 21 bài báo được công bố tạp chí quốc tế uy tín, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, đã chia sẻ một số kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, từ đó, truyền cảm hứng, tiếp thêm ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học đến các bạn sinh viên. Theo PGS, việc nghiên cứu có giúp ích gì cho sinh viên cũng như lợi ích từ việc có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong làm việc thực tế? Nghiên cứu khoa học mang lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên. Nghiên cứu khoa học thực ra là một khía cạnh thực hành trong nhà trường. Trên thực tế, giảng dạy hiện nay vẫn đặt nặng việc học lý thuyết hơn thực hành. Về bản chất, nó giải quyết một vấn đề thực tiễn, giúp chúng ta rèn giũa được nhiều kỹ năng. Trước hết, nghiên cứu khoa học giúp cho sinh viên biết cách giải quyết vấn đề. Một vấn đề được đặt ra dựa trên lý thuyết nhưng sinh viên có thể giải quyết rất nhanh thông qua việc tổng hợp tài liệu, phân tích số liệu, đặc biệt là thông qua khả năng thuyết trình kết quả nghiên cứu. Tiếp đó là khả năng thích ứng được với yêu cầu của xã hội. Bởi nghiên cứu khoa học là hoạt động có tổ chức. Có nghĩa là người nghiên cứu phải gắn kết với các bên liên quan bao gồm: giảng viên hướng dẫn, nhà trường, kể cả những người mà chúng ta đi phỏng vấn, hội đồng,… Chính vì vậy, nghiên cứu khoa học đem đến cho sinh viên khả năng ứng phó và thích nghi với từng hoàn cảnh. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng. Kiến thức nếu không được sử dụng thường xuyên sẽ bị mai một đi. Nhưng việc nghiên cứu là quá trình lặp đi lặp lại, việc đọc và thực hành thường xuyên trong khoảng thời gian nhất định sẽ tạo thành kỹ năng cho con người và không thể quên được. Nghiên cứu khoa học giúp trang bị cho sinh viên kỹ năng phân tích, viết báo cáo, tổng hợp, tư duy, kỹ năng đọc, ngoại ngữ hơn nữa được làm quen sớm với các môn học trên trường. Hiện nay còn có nhiều sinh viên vẫn có tâm lý ngại và sợ nghiên cứu, PGS có quan điểm như nào? Nghiên cứu khoa học không phải là một giải pháp đem lại lợi ích toàn vẹn nhưng nó mang lại rất nhiều lợi thế cho sinh viên. Để tạo được cảm giác thoải mái và sẵn sàng nghiên cứu, sinh viên cần chú trọng: Một là, thay đổi hành vi. Sinh viên có thể tuyên truyền để mọi người nhận thức được lợi ích của việc làm nghiên cứu. Hai là, sinh viên phải hiểu được việc thực hiện nghiên cứu khoa học chính là thực hành những kỹ năng cần thiết để áp dụng vào công việc sau này. Ba là, nghiên cứu khoa học thể hiện khả năng tổ chức của người làm nghiên cứu. Cuối cùng, nghiên cứu khoa học nên tập hợp thành nhóm nghiên cứu và cố gắng đạt được giải thưởng, chứng chỉ. Đây là tiền đề rất thuận lợi khi ra trường xin việc, đi thực tập tập tại các công ty lớn. Trong thời gian dịch bệnh covid-19 như hiện nay, sinh viên sẽ có những thuận lợi và hạn chế gì trong hoạt động nghiên cứu khoa học, thưa PGS? Trong giai đoạn dịch Covid-19 như hiện nay, các sinh viên nghiên cứu sẽ có những lợi thế nhất định. Nghiên cứu khoa học không phải là quá trình diễn ra trong chốc lát mà là một quá trình, cần có thời gian đọc, suy nghĩ, phân tích. Chính vì vậy, việc ở nhà sẽ có thêm quỹ thời gian để có thể tập trung làm nghiên cứu. Ngược lại, công nghệ thông tin phát triển, sinh viên hoàn toàn có thể chủ động việc nghiên cứu thông qua kết nối internet. Bên cạnh đó cũng có những hạn chế nhất định như không thể thực hiện khảo sát, điều tra ngoài thực địa. Tuy nhiên,lsinh viên hoàn toàn có thể khắc phục bằng nghiên cứu dựa trên số liệu thứ cấp, tăng cường nghiên cứu dựa trên tài liệu nước ngoài, phân tích định lượng… Xin cảm ơn PGS! |