TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 15:34:14 Ngày 23/08/2021 GMT+7
VNU - CTE: Khai giảng khóa tập huấn về phương pháp và giáo dục công nghệ mới tại ĐHQGHN
Sáng ngày 23/8/2021, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy thuộc Viện Đảm bảo Chất lương, ĐHQGHN tổ chức khai giảng Chương trình tập huấn “Phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho giảng viên ĐHQGHN” cho gần 600 giảng viên, giáo viên tại ĐHQGHN.

Tham dự lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu Nhà điều hành ĐHQGHN có Giám đốc Lê Quân, Phó Giám đốc Bảo Sơn cùng lãnh đạo Văn phòng và các Ban chức năng.

Chương trình này được thiết kế nhằm góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cho giảng viên và giáo viên tại các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN, thực hiện triết lý cá thể hóa trong hoạt động dạy học – triết lý giáo dục cốt lõi và nền tảng được ĐHQGHN xác định nhằm đổi mới toàn diện hoạt động dạy học trong giai đoạn 2019 – 2025.

Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng ĐHQGHN Nghiêm Xuân Huy cho biết: Khóa tập huấn này nhằm cung cấp cho giảng viên, giáo viên các kiến thức và kỹ năng nền tảng về dạy học trực tuyến (Online Learning) và dạy học kết hợp (Blended Learning), nhờ đó nâng cao năng lực giảng dạy và sẵn sàng cho các hoạt động đổi mới giảng dạy.

Khóa học có sự hướng dẫn, cố vấn của nhiều chuyên gia, giảng viên có chuyên môn cao, có kinh nghiệm về phương pháp và công nghệ giáo dục, tổ chức và qản lý các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ người học qua hệ thống quản lý học tập trực tuyến của ĐHQGHN (tại địa chỉ lms.vnu.edu.vn).

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người học có thể làm việc hiệu quả và thích nghi với bối cảnh đổi mới giảng dạy tại ĐHQGHN; Áp dụng được các lý thuyết về mô hình đào tạo kết hợp (Blended Learning) và mô hình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra (Outcome-Based Education) để đổi mới nội dung học phần và tổ chức giảng dạy học phần; Làm chủ được hoạt động dạy học trực tuyến trong các bối cảnh khác nhau; Phát triển, đa dạng hóa được nội dung giảng dạy của học phần phù hợp với tiếp cận giáo dục kết hợp; Tích hợp các chiến lược, phương pháp dạy - học tích cực và phù hợp trong các bối cảnh đào tạo trực tuyến hoặc đào tạo kết hợp; Áp dụng được các thực hành tốt (best practices) để tổ chức giảng dạy theo tiếp cận dạy học kết hợp và cá thể hóa; Xây dựng và phát triển được 01 học phần dạy học trực tuyến hoặc theo tiếp cận giáo dục kết hợp, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu về đổi mới hoạt động dạy học của giảng viên, giáo viên tại đơn vị - Viện trưởng Nghiêm Xuân Huy khẳng định thêm.

Phát biểu tại buổi khai giảng khóa học, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh: việc tổ chức dạy học trực tuyến nói riêng và chuyển đổi số nói chung chính là công cụ hữu hiệu để đảm bảo chất lượng giáo dục và giải quyết những thách thức nảy sinh trong bối cảnh đại dịch và cũng là xu thế tất yếu của giáo dục trong tương lai.

Giám đốc Lê Quân cho biết thêm, trước mắt ra mắt Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy cần tập trung hỗ trợ giảng viên trẻ, bên cạnh đó cần quan tâm hơn đến các giảng viên cơ hữu nhiều tuổi, ít có cơ hội tiếp cận công nghệ mới để các thầy cô có trải nghiệm và thích ứng nhanh về phương thức dạy học trực tuyến; Trong tương lai gần, ĐHQGHN phải hướng tới hỗ trợ giảng viên, sinh viên trong toàn quốc; Đồng thời ĐHQGHN cũng sẽ  tăng cường phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp để triển khai hợp tác các hoạt động đào tạo lại các đối tượng lao động nghề nghiệp, giúp họ cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ, tay nghề.

Giám đốc Lê Quân hy vọng, khi tham gia khóa học này, các thầy cô không chỉ lĩnh hội được kiến thức, kỹ năng mới, mà còn được trải nghiệm những khía cạnh tích cực, tiên tiến của dạy học trực tuyến, được tiếp cận những phương pháp tổ chức lớp học, xây dựng bài giảng, triển khai hoạt động kiểm tra đánh giá, tạo lập nguồn học liệu hỗ trợ học tập trên nền tảng trực tuyến.

Phát biểu tại buổi lễ, nhiều giảng viên tham gia khóa học lần này cũng như nhiều khóa học trước đó do ĐHQGHN tổ chức bày tỏ cảm ơn sự quan tâm kịp thời của Lãnh đạo ĐHQGHN nói chung và Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, nói riêng trong công tác hỗ trợ dạy học.

Thông qua khóa học sẽ giúp các giảng viên có những trải nghiệm tốt, tiệm cận với công nghệ số, bổ trợ cho công tác dạy học trực tuyến được chất lượng hơn. Nhiều giảng viên ghi nhận với hình thức khóa học bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến như này, các giảng viên có thể khai thác được thời gian hiệu quả, và bắt buộc người học sẽ thực hiện hết được quỹ thời gian. Các giảng viên trẻ có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, nắm bắt được công nghệ mới, công nghệ mô phỏng, 3D, … sẽ giúp cho người dạy học phù hợp với thực tiễn hơn. Đồng thời, qua lớp học các giảng viên cũng sẽ cùng nhau chia sẻ những khó khăn đang gặp phải cùng nhau gỡ rối.

Khóa học sẽ giúp đội ngũ giảng viên có cái nhìn tổng thể về bức tranh dạy học trực tuyến, sự cấp thiết của kỹ thuật đưa lại tiện ích lớn, kết nối đồng bộ, tổng thể, về khía cạnh nhân văn là cơ hội cho mọi người tham gia, kết nối cao về không gian, thời gian, khả năng làm việc nhóm cao, học trực tuyến thì học viên làm việc rất nhiều, học viên, giảng viên được trải nghiệm không gian nhiều chiều, giảng dạy trực tuyến đã đưa không gian thực vào không gian ảo.

Chương trình tập huấn “Phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho giảng viên ĐHQGHN” được tổ chức theo hình thức học trực tuyến với 8 mô-đun tương ứng 8 chủ đề cốt lõi liên quan đến dạy học trực tuyến/ kết hợp. Trong đó, Mô đun M1 có trọng tâm cung cấp các chiến lược và phương pháp giảng dạy trực tuyến, các mô-đun M2, M3, M4, M5, M6, M7, M8 hướng tới các hoạt động thực hành, ứng dụng công nghệ để thực hiện các hoạt động dạy học trực tuyến hoặc dạy học kết hợp (blended learning) cụ thể.

+ Mô-đun 1: Phương pháp dạy học trực tuyến

+ Mô-đun 2: Thiết kế học phần và triển khai giảng dạy theo mô hình dạy học kết hợp (Blended Learning).

+ Mô-đun 3: Ứng dụng công nghệ phục vụ khảo sát người học và thiết kế công cụ nghiên cứu trực tuyến.

+ Mô-đun 4: Ứng dụng hệ thống quản lý học tập (LMS) để tổ chức các hoạt động dạy – học theo tiếp cận dạy học kết hợp (Blended Learning).

+ Mô-đun 5: Xây dựng bài giảng và học liệu điện tử.

+ Mô-đun 6: Tổ chức các hoạt động dạy - học tương tác bằng công cụ trực tuyến.

+ Mô-đun 7: Thiết kế các hoạt động kiểm tra – đánh giá theo tiếp cận phát triển năng lực người học.

+ Mô-đun 8: Dự án thiết kế học phần theo tiếp cận dạy học kết hợp.

Hệ thống bài đọc cốt lõi; Video bài giảng; Video nghiên cứu trường hợp; Học liệu/bài đọc trực tuyến; Hoạt động tự đánh giá; Bài tập đa dạng; bài giảng Video; Bài giảng và case study dưới dạng video; videos thảo luận, ôn tập….

Trong năm 2021, chương trình tập huấn được chia thành 03 đợt theo hình thức trực tuyến hoàn toàn, cấu trúc chương trình linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên, giáo viên tham gia học tập hiệu quả:

- Đợt 1: Từ 23/8/2021 đến 29/10/2021

- Đợt 2: Từ 13/9/2021 đến 19/11/2021

- Đợt 3: Từ 04/10/2021 đến 10/12/2021

Giảng viên tham gia cần đáp ứng được tất cả các yêu cầu của khóa học để có thể nhận chứng chỉ.

 

 Ngọc Linh
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ