Tọa đàm cũng đón nhận sự tham gia của hơn 150 học giả, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham dự online trên nền tảng Zoom. Tọa đàm nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Dự án hợp tác “Hướng tới sự chuyển dịch khung mẫu mới trong phát triển nông nghiệp thông qua tiếp cận Chuyển đổi sinh thái - xã hội (SET) trong khoa học và quá trình hoạch định chính sách (Nghiên cứu trường hợp tại Việt Nam)” giữa Viện Chính sách và Quản lý (IPAM) và Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á. Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởngTrường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, Đào Thanh Trường chia sẻ, dự án hợp tác giữa Nhà trường và Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á có mục tiêu tạo dựng mạng lưới giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan khác quan tâm đến hoạt động và quản lý sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói riêng và vấn đề áp dung SET trong nghiên cứu và hoạch định chính sách trong thực tế. Đây là một trong những kết quả của sự hợp tác lâu dài hơn 20 năm với Quỹ Rosa Luxemburg của Viện Chính sách và Quản lý của Nhà trường, nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chính sách, về phát triển và chuyển đổi kinh tế - xã hội ở Việt Nam nói riêng và ở khu vực Đông Nam Á nói chung trong các bối cảnh khác nhau. Phó Hiệu trưởng Nhà trường hy vọng tại tọa đàm, các cử tọa, các chuyên gia có cơ hội trao đổi các kết quả nghiên cứu về những cơ hội, thách thức và các hàm ý chính sách trong sản xuất nông nghiệp và hệ thống lương thực của Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Đại dịch Covid-19. Qua đó xây dựng những mô hình phát triển có khả năng thích ứng với những biến đổi xã hội mới. Giám đốc Khu vực, Quỹ Rosa Luxembourg Đông Nam Á-Văn phòng Hà Nội, ông Phillips Degenhardt nhấn mạnh, thế giới đang trải qua giai đoạn đấu tranh với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cũng như biến đổi khí hậu với nông nghiệp và lương thực. Ở cả các nước phát triển và đang phát triển, các nhà sản xuất và người nông dân gặp phải nhiều sức ép về giống cây trồng, chuỗi cung ứng do tình trạng suy thoái đất đai, khan hiếm nguồn nước. Quyền lực vượt trội của các tập đoàn càng làm tình hình trở nên khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi có những chính sách, giải pháp mới trong nông nghiệp nhằm hạn chế tình trạng độc quyền của các tập đoàn, khắc phục những hạn chế tài chính của hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu, qua đó tạo ra lợi ích cho người lao động và nông dân. Với ý nghĩa đó, tọa đàm lần này được kỳ vọng sẽ đóng góp các ý kiến, trao đổi thiết thực để xây dựng các đề xuất chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững ở Việt Nam. Tọa đàm cũng như Dự án là một trong những hoạt động mà Quỹ Rosa Luxembourg đang thực hiện với các đối tác trong lĩnh vực tư vấn chính sách, phục vụ mục tiêu chuyển đổi sinh thái xã hội tại Việt Nam và Đông Nam Á. Sau phiên khai mạc, tọa đàm mở đầu với báo cáo đề dẫn của PGS.TS Trương Quang Học (Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐHQGHN) “Giải pháp dựa vào tự nhiên cho nền nông nghiệp chuyển đổi trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”. Báo cáo trình bày những mặt trái của phương pháp nông nghiệp thâm canh hiện đại sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Phương pháp này gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đất, đe dọa sức khỏe con người, gây suy giảm đa dạng sinh học. Tác giả đề xuất một hướng tiếp cận nông nghiệp mới dựa vào nguyên tắc của hệ sinh thái tự nhiên (thuận thiên), trong đó hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất, thúc đẩy sử dụng phân hữu cơ để thâm canh nông nghiệp. Tọa đàm đã tiếp nhận nhiều ý kiến trao đổi và thảo luận giữa các nhà khoa học, các chuyên gia xoay quanh vấn đề sản xuất nông nghiệp từ tiếp cận chuyển đổi sinh thái xã hội, hệ thống thực phẩm và các vấn đề an ninh lương thực, chủ quyền lương thực từ lý thuyết đến chính sách và thực tiễn.
|