TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 13:25:11 Ngày 11/12/2021 GMT+7
Khai thác và sử dụng nguồn tư liệu địa phương trong Biên soạn Quốc chí
Ngày 10/12/2021, ĐHQGHN tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Khai thác và sử dụng nguồn tư liệu địa phương trong Biên soạn Quốc chí. Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại trực tuyến với sự tham gia của các nhà khoa học trên khắp cả nước.

 

Phó Giám đốc ĐHQGHN, Chủ nhiệm Nhiệm vụ Quốc chí, PGS. TS Nguyễn Hoàng Hải chủ trì hội thảo. Tham dự buổi Hội thảo có gần 180 chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức chủ trì, chủ nhiệm Nhiệm vụ thành phần và các thành viên tham gia biên soạn của các Nhiệm vụ thành phần.

Địa chí quốc gia là nhiệm vụ khoa học quan trọng, có ý nghĩa rất to lớn cả trên phương diện nhận thức lẫn thực tiễn. Điều đó đòi hỏi các nội dung biên soạn phải thật chất lượng về nội dung và chuẩn chỉnh về thể thức. Tài liệu là “đầu vào” tạo cơ sở nền tảng của mọi nghiên cứu, do vậy, hiệu quả khai thác tài liệu có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nghiên cứu và chất lượng nội dung địa chí quốc gia.

Hội thảo khoa học “Khai thác và sử dụng tài liệu địa phương trong biên soạn Quốc chí: vấn đề và giải pháp” cũng là dịp để Ban Chủ nhiệm Nhiệm vụ Quốc chí, Văn phòng và Ban thư ký Nhiệm vụ và các nhà khoa học tham gia nhiệm vụ cùng giao lưu, trao đổi, giải đáp để kịp thời đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện thêm các quy định trong Bộ Quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia, góp phần hỗ trợ công tác tiển khai biên soạn và hiệu duyệt nội dung Mục chí của các Nhiệm vụ thành phần.

Phó Giám đốc ĐHQGHN, Chủ nhiệm Nhiệm vụ, PGS. TS Nguyễn Hoàng Hải cho biết, những thành công mà Nhiệm vụ Quốc Chí đã thực hiện trong 4 năm qua rất xứng đáng được ghi nhận, Nhiệm vụ đã tích cực triển khai biên soạn phần Thông chí với 14 hợp đồng biên soạn các Tập thành phần đã được kí.

Để tiếp nối chuỗi hội thảo về công tác tư liệu của Nhiệm vụ Quốc chí, Hội thảo này sẽ tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các Tập về công tác khai thác các tài liệu thu thập được tại các địa phương. Khác với nguồn tài liệu thứ cấp đã công bố chính thức, tài liệu sơ cấp sưu tầm được tại các địa phương sẽ bao gồm cả tài liệu đã công bố chính thức và tài liệu chưa công bố. Do tính chất phức tạp và đa dạng của các loại tài liệu thu thập được ở các địa phương, việc khai thác và sử dụng như thế nào cho hợp lý và tận dụng được tối đa nguồn tài liệu cho công tác biên soạn Thông chí là một nội dung khoa học cần phải được trao đổi, thảo luận để đi đến những giải pháp thống nhất, đáp ứng được nhu cầu chung của các Nhiệm vụ thành phần – Chủ nhiệm Nhiệm vụ, PGS. TS Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

Các Chủ nhiệm Nhiệm vụ thành phần đã trình bày các tham luận vừa mang tính khái quát các vấn đề chung của Nhiệm vụ vừa phản ánh những đặc thù riêng của từng Tập, chẳng hạn như: Sử dụng tư liệu địa phương - yêu cầu bắt buộc trong trong biên soạn chí của GS.TSKH Vũ Minh Giang; Sưu tầm và sử dụng tài liệu về ngôn ngữ tộc người – những khó khăn và phương pháp giải quyết của GS.TS Vũ Đức Nghiệu; Khảo sát, kiểm chứng thông tin từ thực địa trong biên soạn Mục thuộc Tập Địa lý của PGS.TS. Đặng Văn Bào; Khai thác tài liệu địa phương chí Hán Nôm trong biên soạn Quốc chí của PGS. TS Nguyễn Tuấn Cường; Việc khai thác tài liệu địa phương phục vụ biên soạn Mục chí Tôn giáo: khó khăn và phương pháp giải quyết của Tập Tôn giáo, tín ngưỡng của PGS. TS Lại Quốc Khánh.

Những tham luận trình bày tại Hội thảo đã đề cập, phân tích đến những khía cạnh và những vấn đề khác nhau trong công tác khai thác và sử dụng tư liệu địa phương, từ những chia sẻ về khó khăn trong công tác thu thập tư liệu, tổ chức điền dã theo đặc thù từng Tập đến các giải pháp để khắc phục và sử dụng có hiệu quả các nội dung trên.

Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học đưa ra các vấn đề về cách thu thập tư liệu tại địa phương, học tập kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai. Cần làm rõ hơn từng nội hàm của từng khái niệm, đặc biệt các diễn giả nêu lên những khó khăn gặp phải.  

 

GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh: tài liệu địa phương là yêu cầu bắt buộc đối với công trình biên soạn Quốc chí. Vấn đề đặt ra mỗi nhà khoa học tham gia Nhiệm vụ cần được thảo luận và nắm được quy trình tìm kiếm, sử dụng và khai thác nguồn tài liệu dưới hình thức nào cho hiệu quả nhất. Đồng thời GS. TSKH Vũ Minh Giang đưa ra các giải pháp thiết thực để thu thập và tổng hợp tư liệu từ địa phương.

Nhiệm vụ Quốc chí được phê duyệt theo Quyết định số 2079/QD-TTg ngày 22/12/2017, của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ĐHQGHN là cơ quan chủ trì và Giám đốc ĐHQGHN đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Nhiệm vụ.

Nhiệm vụ Quốc chí có mục tiêu: Xây dựng và cung cấp tri thức cơ bản, tổng hợp về điều kiện tự nhiên, con người và văn hoá, xã hội góp phần phát triển khoa học, giáo dục và nâng cao dân trí, phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh thông qua hình thành cơ sở dữ liệu ở dạng sách số (digital book) và bộ sách in Địa chí Quốc gia Việt Nam.

Qua gần 4 năm Nhiệm vụ chính thức triển khai, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích cực triển khai biên soạn phần Thông chí với 14 hợp đồng biên soạn các Tập thành phần đã được kí. Qua các kỳ báo cáo định kỳ, Ban Chủ nhiệm Nhiệm vụ Quốc chí hiểu rõ và ghi nhận nỗ lực của các Nhiệm vụ thành phần đã tích cực triển khai các nội dung chuyên môn của Tập mình, kết nối với các Bộ Ban ngành và các chuyên gia trên phạm vi cả nước để cùng triển khai Nhiệm vụ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều trở ngại cho công tác khảo sát, điền dã để thu thập tư liệu dùng cho biên soạn của các Tập.

 

>>> Tin bài liên quan:

Sử dụng nguồn tài liệu đã công bố và vấn đề bản quyền trong biên soạn Quốc chí

 Lam Phương
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ