TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 19:02:43 Ngày 13/01/2022 GMT+7
VSL-TALK 16: Cần tổng công trình sư cho các chương trình khoa học công nghệ
Sáng ngày 12/01/2021, sự kiện VSL-TALK 16 với chủ đề “Cơ chế phối hợp thực hiện các đề án chiến lược quốc gia” đã được diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đây là hoạt động sinh hoạt khoa học thường kỳ do Câu lạc bộ nhà khoa học (VSL) tổ chức.

 

Tại sự kiện, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, dẫn thông tin minh chứng, Việt Nam coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực cho phát triển kinh tế xã hội. Các chương trình khoa học công nghệ quốc gia đang được Bộ Khoa học và Công nghệ tái cơ cấu lại theo hướng thu hút nguồn lực xã hội hóa, giảm dùng tiền ngân sách. Trong bối cảnh này "cơ chế phối hợp thực hiện đối với các chương trình, đề án khoa học công nghệ quốc gia có ý nghĩa quan trọng", Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn nói.

 

 

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn

Làm thế nào để có cơ chế phối hợp, triển khai các nhiệm vụ có hiệu quả? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN cùng các nhà khoa học Câu lạc bộ Ái Việt (do TS. Nguyễn Thành Nam làm Chủ tịch) đã xây dựng kế hoạch Ba Đình. Kế hoạch này có nội dung hướng tới chiến lược khoa học công nghệ năm 2045 cho Việt Nam với 5 chương, trong đó có nội dung cơ chế phối hợp để thực hiện chiến lược là chủ đạo.
Cơ chế phối hợp ở đây được các nhà khoa học đề cập tới sự hợp tác doanh nghiệp-trường-viện, kết hợp dân sự-quốc phòng; phối hợp nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Các nguồn đầu tư tài chính thông qua việc xác lập sở hữu trí tuệ minh bạch cũng được xác định là quan trọng trong bản kế hoạch.
"Nếu các cơ chế như vậy được thông qua, Việt Nam không thiếu nguồn tài chính cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ", ông Việt nói và cho rằng hiện nhiều trường - viện - doanh nghiệp có mối liên hệ nhưng vẫn chỉ là hình thức, chưa đi vào thực chất.
PGS.TS Nguyễn Ái Việt - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN
Chia sẻ tại sự kiện, diễn giả Nguyễn Ái Việt cho rằng: để phối hợp tốt, cần có người đứng đầu đủ tầm, là người tập hợp, phát huy sức mạnh của đội ngũ những người làm khoa học. Theo ông, cơ chế phối hợp trong khoa học công nghệ có thể hiểu:
1. Trong bóng đá chúng ta hay nói "phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi". Trong phát triển KHCN, chúng ta có thể nói "tài chính là nhất thời, phối hợp là mãi mãi".
2. Chúng ta có tiền để làm KHCN không? Trước hết, không có cũng phải có, bởi chúng ta không còn cửa nào khác, tất cả các cơ hội lừng khừng về KHCN đều đã bị Covid cuốn trôi. Chúng ta thiếu tiền vì chúng ta vô cùng lãng phí. Chúng ta thiếu tiền vì chúng ta chưa nghĩ đến chuyện làm gì đã nghĩ đến tiền.
3. Sắm một chiếc xe ô tô thiếu 4 bánh không thể chạy được sẽ là lãng phí. Không ai bảo đó là hành động tiết kiệm được đầu tư vào 4 bánh xe. Thực tế chúng ta đang làm chuyện đó, mọi nơi mọi chỗ.
4. Rất nhiều đầu tư thiết bị đắt tiền đang đắp chăn, không được khai thác chỉ vì không có phụ kiện thay thế, nhân viên kỹ thuật vận hành, tiền điện để chạy. Tôi đã tận mắt trông thấy các dây chuyền máy móc tự động đắp chăn nhiều năm do không có tài liệu sử dụng.
5. Có 3 cơ chế phối hợp chủ thể trước hết cần phải có ngay hành lang pháp lý bắt buộc: 
- Phối hợp viện- trường - doanh nghiệp
- Phối hợp quân sự - dân sự
- Chia sẻ tài nguyên và nguồn lực
Nếu nói chính sách thì đều có cả, nhưng thực tế chỉ ở mức khẩu hiệu. Quan trọng nhất là cơ chế và phải bắt buộc. 
6. Phối hợp chủ thể vẫn chưa đủ, phải có cơ chế phối hợp cho các dự án, chương trình. Tôi không tin ở các chương trình, chiến lược theo lĩnh vực như vật lý, toán học, hóa học, thậm chí AI, vi mạch. Ngày nay không có sản phẩm nào thuần túy của một ngành cả. Nếu chúng ta xây dựng các sản phẩm bằng cách tích hợp các kết quả từ các đề tài, ngành riêng rẽ, chi phí, giá trị nỗ lực sẽ vượt quá việc mua chính sản phẩm đó. Các chương trình chiến lược, dự án phải đủ lớn và có mục tiêu cũng như danh mục sát với các bài toán kinh tế xã hội. Còn XYZ sẽ cung cấp giải pháp gì cho bài toán ABC thì phải do các nhà khoa học đề xuất và hậu kiểm.
7. Vì thế chiến lược AI, chương trình vi mạch, không có nghĩa lý gì cả. AI, vi mạch bán cho ai, nhân lực ở đâu ra. Ngược lại, AI, vi mạch có giải quyết được bụi mịn ở Hà Nội, ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, năng suất lao động thấp, công nghiệp phụ trợ không hình thành được, vệ sinh thực phẩm, giải cứu nông phẩm,... hay không? Chắc chắn là có thể. Muốn vậy, phải có các chương trình lớn như:
- Khoa học công nghệ phát triển cộng đồng
- Khoa học công nghệ dẫn đầu công nghiệp
- Khoa học công nghệ an ninh quốc phòng
Tại sự kiện, TS. Nguyễn Quân-nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: các chương trình quốc gia cần có tổng công trình sư là người uy tín cao để tập hợp các nhà khoa học giải bài toán thực tiễn. Ông cho biết, khi còn làm quản lý, ông cũng trăn trở rất nhiều về vấn đề này. Ông minh họa, cơ chế phối hợp trong các chương trình, dự án giống như đồng hồ có nhiều bánh răng, cơ cấu để đưa ra kết quả thông báo giờ. Đồng hồ nào cũng rất chính xác, nhờ sự phối hợp tốt của hệ thống chuyển động. Nhưng nó có thể bị vô hiệu hóa chỉ bởi một hạt bụi.
"Cơ chế phối hợp hiện có quá nhiều hạt bụi li ti. Một nhân viên kế toán, một chuyên viên... có thể làm cho cỗ máy dừng hoặc hoạt động không hiệu quả. Cần làm sao để hạt bụi đừng rơi vào bộ máy, làm hỏng quy trình", ông Quân nói và cho rằng, cần có chức danh tổng công trình sư tập hợp các nhà khoa học uy tín để làm ra các sản phẩm theo yêu cầu của nhà nước, xã hội.
Theo ông Quân, ở các nước có nền khoa học phát triển, chức danh tổng công trình sư được vận dụng tạo ra hiệu quả khá cao. Nếu không có tổng công trình sư để thu hút, tập hợp sức mạnh của đội ngũ các nhà khoa học thì không có sản phẩm tầm cỡ quốc gia. "Tổng công trình sư phải là nhà khoa học có trình độ, uy tín để thực hiện các dự án lớn" - ông Quân nói.
Hiện Việt Nam đang có các chương trình phát triển công nghệ cao, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ... TS. Quân cho biết, các chương trình đều có ban chỉ đạo, nhưng không có tổng công trình sư. "Việc triển khai thực hiện nếu chỉ làm theo quy định hành chính thì rất khó tạo ra những thành tựu đột phá", ông Quân nhận định.
Phần thảo luận tại sự kiện diễn ra rất sôi nổi và còn có sự tham gia của GS.TSKH.Trung tướng Phạm Thế Long, nguyên Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT, PGS.TS Nguyễn Trần Thuật, Phó Trưởng ban Điều hành CLB Nhà Khoa học ĐHQGHN
>>> Các tin bài liên quan:
- VNU – VSL: Tọa đàm số 3 về chủ đề “Thúc đẩy quyền năng phụ nữ trong khoa học”
 Hải Ngân Hà (tổng hợp) - VNUMedia
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ