Hai câu hỏi tiền đề Trước đó, ngày 08/02/2022, ĐHQGHN ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030. Chiến lược gắn chặt và “cộng hưởng” với chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN bao gồm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật công nghệ phải hoà vào dòng chảy của văn minh nhân loại, gắn liền với tạo dựng môi trường văn hoá mang tính đổi mới sáng tạo; tôn trọng sự khác biệt và đa dạng; xây dựng hệ sinh thái đồng bộ từ nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, sản xuất thử nghiệm đến thương mại hoá; lấy kết quả đóng góp cho sự phát triển của đất nước và sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thế giới làm thước đo. Chiến lược nêu rõ, đến năm 2030, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò nòng cột, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển ĐHQGHN thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới, tham gia giải quyết một số thách thức và vấn đề cấp bách của quốc gia và thế giới. Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN Vũ Minh Giang đưa ra hai câu hỏi mà Ban Giám đốc ĐHQGHN cùng Hội đồng mong muốn các nhà khoa học cùng tham gia đóng góp ý kiến: thứ nhất, làm thế nào để gia tăng các sản phẩm khoa học và công nghệ của ĐHQGHN cả về chất lượng và số lượng?; thứ hai, làm sao để ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống. Con người – nguồn lực – cơ chế chính sách Con người, nguồn lực và cơ chế chính sách là ba nhóm vấn đề trọng tâm được nêu ra tại cuộc họp và Ban Giám đốc ĐHQGHN đã thẳng thắn trao đổi với các nhà khoa học. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải cho rằng giải pháp quan trọng là cần xây dựng nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN để tham gia được vào cùng các nhóm nghiên cứu mạnh trên thế giới, tận dụng mạng lưới đối tác hợp tác quốc tế sâu rộng mà ĐHQGHN đã thiết lập với các Viện, trường, cơ quan nghiên cứu trên thế giới. Cùng chung quan điểm về việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức, cũng là nhà khoa học hàng đầu Việt Nam nằm trong top 10.000 nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới, nhấn mạnh chính các nhóm nghiên cứu mạnh sẽ là môi trường lý tưởng để ươm tạo những nhà nghiên cứu tài năng, phục vụ nhu cầu công bố quốc tế và đòi hỏi thực tiễn của xã hội. Bên cạnh việc nuôi dưỡng những nhân tài mới, Hiệu trường Trường Đại học Y Dược Lê Ngọc Thành cho rằng không thể bỏ qua việc thu hút những nhân lực đã có tên tuổi trong các lĩnh vực về làm việc tại ĐHQGHN. Dù chỉ mới thành lập, với tiền thân là Khoa Y Dược, Trường Đại học Y Dược đã thành công trong việc quy tụ những giáo sư, bác sĩ hàng đầu tại các bệnh viện tuyến Trung ương về đảm nhiệm công tác chuyên môn, giảng dạy tại Trường. Thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nhân lực, nhân tài cũng là cách mà Trường Quốc tế, ĐHQGHN lựa chọn để phát triển khoa học công nghệ. Thời gian qua, Trường Quốc tế đã đẩy mạnh công tác truyền thông giới thiệu về Trường Quốc tế nói chung và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói riêng tại Trường. Hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh ngay từ trong sinh viên thông qua việc hình thành các quỹ học bổng, các mô hình phát triển tài năng trẻ nghiên cứu khoa học. Về nguồn lực, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục Nguyễn Quý Thanh cho rằng thay vì triển khai nhiều sản phẩm nhỏ lẻ, ĐHQGHN nên tìm kiếm các dự án lớn hơn và chấp nhận đầu tư lâu dài hơn. Để làm được điều này thì cần thay đổi cấu trúc đầu tư tài chính một cách khoa học để đảm bảo sự bền vững của hoạt động nghiên cứu khoa học. Về cơ chế chính sách, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Nguyễn Thị Anh Thu cho rằng tuy khoa học xã hội không có nhiều công bố quốc tế như khoa học tự nhiên nhưng mức độ đóng góp của khoa học xã hội còn là khả năng tư vấn, phản biện chính sách, đóng góp xây dựng kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Do đó, cần có chính sách để thúc đẩy các nhà khoa học xã hội nhân văn tham gia vào công tác này. GS. Bạch Thành Công, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thì cho rằng sự bão hòa trong các đề tài, công trình nghiên cứu hiện nay là do nhân lực của ĐHQGHN đã dần cũ đi, cần có chính sách về tiền lương, môi trường làm việc, giải thưởng khoa học công nghệ để thu hút nhân tài. GS. Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng, ĐHQGHN cho rằng với nhiều giải pháp về thể chế, chính sách và cơ chế như vậy thì ĐHQGHN nên xây dựng một ngân hàng ý tưởng về khoa học công nghệ để hội tụ các sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa ra thị trường, đây cũng là cách quản lý có hệ thống nhằm thúc đẩy công bố trong nước và quốc tế của ĐHQGHN Chất lượng là yếu tố tiên quyết Tổng kết hội nghị, GS. Vũ Minh Giang cho biết các giải pháp được nêu trong cuộc họp tập trung vào 8 nhóm chính, đó là: tiếp tục khuynh hướng liên ngành để các ngành khoa học cùng tham gia giải quyết các vấn đề của khoa học và của xã hội; nghiên cứu ứng dụng cần phát triển trên nền nghiên cứu cơ bản thật sâu sắc; hội nhập, quốc tế hóa nhưng cần giữ vững đặc thù, thế mạnh của từng ngành; xây dựng cơ chế chính sách linh hoạt, thuận lợi; vận dụng cơ chế theo hướng phù hợp với từng ngành; thu hút nguồn nhân lực; tổ chức nhóm nghiên cứu mạnh; xây dựng các đề tài nghiên cứu lớn, liên ngành, liên lĩnh vực; xây dựng ngân hàng ý tưởng hội tụ sản phẩm có thể thương mại hóa. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh, công bố quốc tế chỉ là một phần trong tổng thế chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của ĐHQGHN. ĐHQGHN tránh không rơi vào tình trạng duy công bố quốc tế, mà chú trọng vào chất lượng của từng sản phẩm. ĐHQGHN luôn sẵn sàng lắng nghe và đầu tư cho các nhà khoa học, miễn là có sản phẩm hiệu quả. Bên cạnh đó, ĐHQGHN ưu tiên dành nguồn lực cho nghiên cứu khoa học thông qua việc xây dựng Khu các Viện và Trung tâm nghiên cứu liên ngành tại Hòa Lạc rộng 22,9 ha. >>> Các tin liên quan: Đổi mới sáng tạo các sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
|