Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAUD) tài trợ theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại và giao cho Đại học Indiana, Hoa Kỳ làm đơn vị thực hiện dự án. Xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hóa đã và đang đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức nhưng cũng đem tới nhiều cơ hội đưa hệ thống giáo dục đại học trở thành nền tảng cho sự thay đổi chất lượng lực lượng lao động và năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh đó, Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học được đề xuất nhằm kịp thời hỗ trợ ba đại học của Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM, Đại học Đà Nẵng hiện thực hoá bốn mục tiêu quan trọng bao gồm: Đổi mới quản trị đại học; Nâng cao chất lượng giảng dạy; Tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; và Thúc đẩy liên kết đại học - doanh nghiệp, góp phần tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ cho đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong những năm tới. Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể này, các hoạt động của dự án cũng được tổ chức thành 4 hợp phần với tên gọi tương ứng. Cụ thể PHER sẽ giới thiệu, cập nhật những phương pháp dạy và học mới hiện đại, toàn diện và có tính thực tiễn cao để ba đại học triển khai một số phương pháp đào tạo giúp cho sinh viên chú trọng phát triển kỹ năng mềm và cách áp dụng kiến thức trên lớp vào cuộc sống. Ngoài ra, Dự án sẽ cùng ba đại học hoàn thiện các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, cũng như hình thành các chương trình hợp tác đào tạo và liên kết giữa Đại học - Doanh nghiệp giúp sinh viên sẵn sàng gia nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp. PHER sẽ tăng cường khả năng kết nối mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam với quốc tế thông qua việc hình thành và vận hành các nhóm nghiên cứu mạnh trong một số lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp và khu vực tư nhân bằng cách hỗ trợ các đại học chủ động tìm kiếm, kết nối và chứng minh khả năng tạo ra giá trị cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng và xã hội. Cuối cùng, PHER hỗ trợ các đại học trên phương diện quản trị, thông qua giới thiệu, hỗ trợ xây dựng, triển khai các phương thức, mô hình, công cụ quản trị hiện đại, hiệu quả; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho các cấp lãnh đạo và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm quản trị với những lãnh đạo đại học trên thế giới. Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực của PHER được kỳ vọng sẽ bổ trợ và song hành với các hoạt động nâng cấp, cải thiện cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, cũng như các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật khác của dự án “Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam” do Chính phủ phê duyệt năm 2020. Để chuẩn bị cho sự kiện công bố chính thức triển khai sắp tới, nhiều hoạt động bên lề đã được tiến hành như Hội thảo tham vấn các bên liên quan, đặc biệt là ba cơ sở giáo dục đại học tham gia dự án về khung tiếp cận và giải pháp kỹ thuật chung, nhằm đảm bảo những đề xuất sau này phản ánh đúng nhu cầu của các đại học tham gia dự án (SAVE Workshop) được tổ chức tháng 6/2021; Các buổi toạ đàm và gặp gỡ các đại học tham gia dự án để tìm hiểu nhu cầu nâng cao năng lực trong các hợp phần của dự án do Đại học Indiana tiến hành (Tháng 6/2021); Chuỗi hội thảo đồng thiết kế dự án (5 hội thảo) tập trung vào các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu, kết nối doanh nghiệp - đại học để chi tiết hoá các giải pháp kỹ thuật và ghi nhận ý kiến đóng góp, ý tưởng của các đại học tham gia dự án, với sự tham dự đông đảo của các lãnh đạo, nhà quản lý, giảng viên, và các đối tác khác của ba đại học (Tháng 9, 10/2021)… >>> Các tin liên quan: - USAID: Nâng cao năng lực quản trị nhằm hiện đại hóa các đại học hàng đầu Việt Nam - Chuẩn bị khởi động Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER) với Hoa Kỳ |