TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 09:39:44 Ngày 07/09/2022 GMT+7
Kỷ niệm ''Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận''
Sáng 6/9/2022, gần 100 đại biểu, cựu chiến binh nguyên là cán bộ giảng dạy, sinh viên thuộc 33 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp toàn miền Bắc đã “tựu trường” tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN để kỷ niệm nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận.

 

Dâng hoa tại Đài kỷ niệm, tưởng niệm những cựu chiến binh - sinh viên chiến sĩ 6971 trong khuôn viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên.

Chương trình “Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận” do Hội Sinh viên chiến sĩ 6971 tổ chức. Chương trình nhằm hội ngộ, tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã hy sinh, chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc của những cựu chiến binh - sinh viên sau 50 năm lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Sáng 6/9/1971, nhiều trường đại học trên miền Bắc đồng loạt vang lên tiếng trống trường. Khác với mùa thu các năm trước, tiếng trống năm 1971 không phải trống khai trường mở đầu năm học mới, mà là trống lệnh ra quân cho 4.000 cán bộ giảng dạy và sinh viên của 33 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên toàn miền Bắc nhập ngũ, lên đường ra trận trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày “xếp bút nghiên lên đường ra trận” theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhớ lại những năm tháng gian khổ mà hào hùng, nhà báo Phùng Huy Thịnh - Chủ tịch Hội Sinh viên chiến sĩ 6971, nhận định: Có thể nói, với lòng tự trọng sâu sắc, tinh thần “mình vì mọi người” được thấm nhuần từ nhỏ và với tri thức khoa học có từ trường đại học, những người lính sinh viên quả cảm ấy sau ít tháng huấn luyện cấp tốc đã được điều về các quân binh chủng hiện đại, đặc biệt là về sư đoàn bộ binh 325 tham gia giữ Thành cổ Quảng Trị trong mùa hè khốc liệt năm 1972. Với tinh thần can trường, họ đã trải qua những ngày tháng chiến đấu gian lao trên nhiều chiến trường, không ít người đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước… Và cùng với ngày chiến thắng 30-4-1975, những người lính sinh viên năm nào đã hoàn thành nhiệm vụ, hầu hết được về trường học lại, một số về các trường sĩ quan tiếp tục học tập, công tác. Nhiều người trong số họ đã trở thành các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và nhiều tỉnh thành, các tướng lĩnh quân đội, công an, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động xã hội có tên tuổi.

 

Hàng trăm cựu chiến binh nguyên là cán bộ giảng dạy, sinh viên thuộc 33 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp toàn miền Bắc đã tới dự lễ kỷ niệm “Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận”.

Thời gian đã lùi xa, nhưng những cựu chiến binh - sinh viên năm xưa vẫn luôn nhớ về những đồng đội đã “mãi mãi tuổi hai mươi” trên các chiến trường. Hội Sinh viên chiến sĩ 6971 (được thành lập theo sáng kiến của các cựu chiến binh là những sinh viên - chiến sĩ chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị) đã cùng Ban giám hiệu của 9 trường đại học xây dựng 9 đài kỷ niệm sinh viên và cán bộ giảng dạy “xếp bút nghiên ra trận”.

Gần đây nhất, năm 2021, các cựu chiến binh - Sinh viên chiến sĩ 6971 Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) đã cùng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN xây dựng Đài kỷ niệm, tưởng niệm những cựu chiến binh - sinh viên chiến sĩ 6971 trong khuôn viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Đầu năm 1979, trước hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của đất nước, hơn 300 cán bộ, sinh viên của Trường lại lên đường nhập ngũ; hơn 1.000 cán bộ, sinh viên tham gia xây dựng Phòng tuyến Sông Cầu bảo vệ Thủ đô với phiên hiệu Trung đoàn 10 - Đoàn Nguyễn Huệ. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, từ giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có 1.333 cán bộ và sinh viên “xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”. Họ đã dũng cảm chiến đấu vì Tổ quốc; nhiều người đã ngã xuống trên chiến hào, làm nên một “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Kim Giao,... Tên tuổi của họ mãi mãi ghi vào truyền thống lịch sử của Nhà trường, như một Thiên Anh hùng ca của những năm tháng kháng chiến mà mọi thế hệ sinh viên tiếp theo không thể quên.

Đài chứng tích liệt sĩ sinh viên 1972 Thành cổ Quảng Trị được xây dựng từ năm 2002 đến nay vẫn là điểm đến tri ân của nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có nhiều cựu chiến binh - sinh viên chiến sĩ các thời kỳ…

>>> Nguồn Báo Hà Nội mới

 Song Nhật
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ