TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 15:06:06 Ngày 22/12/2022 GMT+7
Xây dựng niềm tin vào sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta
Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) cho học sinh, sinh viên có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp người học có nhận thức sâu sắc về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân với Tổ quốc. Hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện, Trung tâm GDQP&AN, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn học GDQP&AN.

Trưởng thành qua từng bài học

Những ngày cuối năm, tại các giảng đường, thao trường và sân tập của Trung tâm GDQP&AN (Trung tâm), thầy và trò vẫn miệt mài với những bài giảng, giờ thực hành luyện tập theo kế hoạch đào tạo đã đề ra.

Kết quả này có được không phải dễ, bởi để giúp người học vượt qua những rào cản ban đầu là sự nỗ lực không nhỏ của tập thể các thầy cô ở Trung tâm. Nhớ lại những ngày đầu vào học tập tại Trung tâm, sinh viên năm thứ nhất Nguyễn Thị Chúc Quyên, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, cho hay: “Nhiều bạn lúc đó chưa hiểu, nghĩ sống trong môi trường Quân đội nghiêm khắc, kỷ luật nên sợ, đếm từng ngày, từng giờ, mong kết thúc khóa học. Nhưng giờ đây không ai muốn về. Trung tâm như một gia đình lớn, mọi người quan tâm, chăm lo, yêu thương nhau. Chúng em thấy mình trưởng thành lên qua từng bài học. Những bài giảng trên lớp cũng như ngoài thao trường giúp người học không chỉ hiểu hơn về nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta, mà còn cảm thấy tự hào và yêu đất nước mình hơn”.

Đối với Trung tá Dương Văn Tạo, giảng viên Khoa Quân sự, những ngày đầu mỗi khóa học còn vất vả rèn luyện, duy trì thực hiện các chế độ, nền nếp cho người học, thì nay khi nhắc đến giờ phút chia tay cũng không khỏi xúc động. Anh cho biết: “Khó khăn lớn nhất là làm sao để người học có động lực, quyết tâm và tự giác học tập, rèn luyện, chứ không chỉ vì nghĩa vụ học hoàn thiện chứng chỉ ra trường. Người học mới đến, quy định, nền nếp chưa nắm được, nhiều thứ cảm thấy gò bó. Cái khó của người thầy là không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn phải giúp sinh viên hòa hợp với nhau, hiểu được ý nghĩa của việc nghiêm chỉnh chấp hành 11 chế độ trong ngày, cũng như kỷ luật Quân đội. Chúng tôi kiên trì giải thích về tính khoa học của việc tuân thủ chế độ để người quân nhân phát triển toàn diện từ sức khỏe, tinh thần đến thể chất. Chỉ khi kỷ luật được rèn từ những thứ nhỏ nhất thì người quân nhân mới hình thành ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, tuân thủ và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Hiểu ý nghĩa đó, sinh viên đã từng bước chuyển biến nhận thức, có trách nhiệm hơn trong học tập và rèn luyện".

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ

Môn GDQP&AN không đơn thuần là học các nội dung quân sự. Ở đó, người học được giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào và trân trọng truyền thống hào hùng của dân tộc; đồng thời được trang bị những kiến thức về QP&AN, những nội dung quân sự cần thiết và rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, nếp sống chính quy trong môi trường Quân đội. Mục tiêu của môn học này nhằm góp phần giáo dục thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước có đạo đức trong sáng, ý chí kiên cường, có trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, cùng với đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, Trung tâm đã đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, đặc biệt là sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo môn học GDQP&AN.

Sinh viên huấn luyện Điều lệnh đội ngũ tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại tá Dương Văn Chiến, Phó giám đốc Trung tâm khẳng định: “Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận khoảng 20 khóa học với lưu lượng từ 25.000 đến 30.000 người học. Với thời lượng theo chương trình hiện hành, thông qua các giờ học lý luận, người học có nhận thức đầy đủ hơn về quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của Đảng; nhận thức rõ hơn về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Những giờ học thực hành trang bị cho các em hiểu biết về các  kỹ năng quân sự cơ bản như đội hình đội ngũ, chiến thuật cũng như một số loại vũ khí, khí tài cơ bản”.

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy ở Trung tâm, Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm bộ môn Công tác QP&AN cho rằng, để người học hứng thú với môn học, cùng với những nội dung bám theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giảng viên luôn cập nhật, tăng tính thực tiễn, làm mới bài giảng. “Người thầy phải truyền lửa cho thế hệ sinh ra trong hòa bình thấy được ý nghĩa từ những thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc ta; nếu không chú trọng bảo vệ thì những thành quả đó sẽ mất, đặc biệt trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù hiện nay. Vì vậy, học sinh rất say sưa với những bài giảng về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, về nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta”, Đại tá Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, đồng thời mong muốn thời gian tới môn học sẽ có thêm chủ đề riêng về đấu tranh trên không gian mạng. Đây là những nội dung rất thiết thực với sinh viên.

Đại tá Dương Văn Chiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành bộ giáo trình, tài liệu chính thống cho môn học theo nội dung chương trình GDQP&AN hiện hành để quá trình triển khai được thống nhất và đạt hiệu quả cao. Cùng với đó là hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác huấn luyện sát thực tế hơn.

Qua những trải nghiệm khi học môn GDQP&AN, người học đã hình thành tình đoàn kết, tính kỷ luật; hiểu và chia sẻ với những vất vả, khó khăn của những người lính khi huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và công tác ngay cả trong thời bình. Môn học góp phần định hướng đúng đắn, xây dựng được niềm tin cho thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Không những vậy, các em được củng cố niềm tin vào khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi của Quân đội ta.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân 

 Thu Hà - Báo Quân đội nhân dân
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ