Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải chủ trì hội nghị, cùng tham gia chủ trì có Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục Nghiêm Xuân Huy, Phó Viện trưởng Bùi Vũ Anh. Tham dự có lãnh đạo Ban chức năng, lãnh đạo các đơn vị và đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác đảm bảo chất lượng tại các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN. Trong bối cảnh vận động không ngừng của đất nước và dưới tác động của quá trình hội nhập quốc tế, giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học, cũng phải có những đổi mới liên tục để kịp thời đáp ứng các yêu cầu kinh tế - xã hội ngày càng cao của đất nước. Điều đó đòi hỏi công tác quản lý và đảm bảo chất lượng trong ĐHQGHN nói riêng và cả nước nói chung cũng phải đổi mới không ngừng để phù hợp với những phát triển về nhận thức và các đổi mới trong hoạt động giáo dục. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh: hội nghị cần dành thời gian để thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch kiểm định chất lượng (nhận diện và giải pháp); phân tích kết quả cải tiến chất lượng các chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA và Bộ Giáo dục và Đào tạo; đánh giá đại học nghiên cứu; nhận diện vị trí của ĐHQGHN trong hệ thống các trường đại học trên thế giới và thảo luận các giải pháp để nâng cao thứ hạng của ĐHQGHN. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần hướng tới thực hiện thành công Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục Nghiêm Xuân Huy cho biết: hiện nay, ĐHQGHN đang đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục để khẳng định chất lượng đào tạo và hướng tới chuẩn khu vực và quốc tế. ĐHQGHN hiện nay có hơn 500 chương trình đào tạo đại học và sau đại học, trong đó đã có 65 chương trình đào tạo được kiểm định (44 chương trình được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của AUN, 21 chương trình được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT). Mục tiêu của ĐHQGHN đến năm 2030 là 100% các chương trình đào tạo bậc đại học đủ điều kiện được kiểm định chất lượng. Với số lượng và tốc độ kiểm định chất lượng như hiện nay, chúng ta có thể hoàn thành được các mục tiêu về kiểm định chất lượng đến năm 2030. Tuy nhiên, với số lượng chương trình đào tạo được kiểm định tăng nhanh ở một vài đơn vị trong năm 2022 và 2023, chúng ta cần xây dựng những giải pháp phù hợp, hữu hiệu cho việc đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài.
Tại hội nghị các đại biểu cũng nghe tham luận chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN – đơn vị tiên phong trong công tác kiểm định trong và ngoài nước. Đồng thời, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến về các vướng mắc trong công tác kiểm định mà đơn vị gặp phải để cùng tháo gỡ nhằm góp phần thúc đẩy công tác kiểm định của ĐHQGHN được đẩy nhanh và thực chất hơn trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Viện ĐBCLGD, của các Trung tâm/Bộ phận ĐBCL trong ĐHQGHN trong thời gian qua. Trong năm 2023, Viện ĐBCLGD chú trọng triển khai và vận hành hiệu quả Cổng thông tin ĐBCL; thúc đẩy văn hoá chất lượng tại ĐHQGHN; tập huấn nâng cao năng lực quản trị chất lượng cho cán bộ lãnh đạo và quản lý trong ĐHQGHN; tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng của các đơn vị; tiếp tục gia tăng số lượng các CTĐT được kiểm định chất lượng; bố trí đầy đủ ngân sách, thời gian, con người để thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng; triển khai đề án gắn kết với học giả và nhà tuyển dụng trong toàn ĐHQGHN; thúc đẩy xếp hạng theo lĩnh vực của ĐHQGHN và đẩy mạnh kết nối đối tác với hoạt động của ĐHQGHN; vận hành và quản trị hệ thống LMS (xây dựng văn bản phân cấp quản lý, vận hành VNU LMS; Nâng cấp phần mềm VNU LMS). Một số kết quả đạt được trong năm 2022. Kiểm định chất lượng 3 cơ sở giáo dục chu kỳ 2 (chỉ tiêu năm 2021); 12 chương trình đào tạo thực hiện KĐCL theo tiêu chuẩn của AUN-QA, trong đó: 4 CTĐT đã hoàn thành (chỉ tiêu 2021) và đang chuẩn bị đánh giá ngoài 8 CTĐT. 25 CTĐT thực hiện KĐCL theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, trong đó: 12 CTĐT đã hoàn thành KĐCL, 11 CTĐT chuẩn bị đánh giá ngoài, 2 CTĐT chuyển sang năm 2023. Xếp hạng thế giới: Top 801-1000 trong bảng xếp hạng QS WUR 2023; Top 800 bảng xếp hạng Webometrics (vị trí 758 vào tháng 8/2022); Xếp hạng theo lĩnh vực: QS WUR: 6/51 lĩnh vực và 3/5 nhóm lĩnh vực được xếp hạng; THE WUR: 5/11 lĩnh vực được xếp hạng; Top 800 trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2022; Xây dựng và vận hành Cổng thông tin Đảm bảo chất lượng; Tổ chức 32 lớp/khóa tập huấn/ tọa đàm (theo hình thức trực tuyến, trực tiếp và kết hợp) với các nội dung hỗ trợ giảng dạy cho giảng viên của toàn ĐHQGHN. | >>> Tin bài liên quan: - Triển khai, vận hành Cổng thông tin Đảm bảo chất lượng và Xếp hạng đại học - ĐHQGHN trong nhóm 251-300 của Bảng xếp hạng đại học Times Higher Education 2021 Châu Á - 5 ngành đào tạo của ĐHQGHN được QS thế giới 2021 xếp hạng - QS World University Rankings by Subject 2021 - Webometrics 2021: ĐHQGHN đứng vị trí 17 Đông Nam Á và trong nhóm 1000 thế giới - ĐHQGHN giữ vững vị trí số 1 Việt Nam trong nhiều lĩnh vực của bảng xếp hạng THE WUR by Subject 2021 - ĐHQGHN tiếp tục đứng trong nhóm 801-1000 bảng xếp hạng đại học thế giới 2021 của Times Higher Education - Đại học Quốc gia Hà Nội ở vị trí 160 trong bảng xếp hạng QS Châu Á 2021 - QS Top 50 Under 50 2021: Lần đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội có mặt trong nhóm 101-150 đại học hàng đầu thế giới - Xếp hạng QS World University Rankings 2021: ĐHQGHN lần thứ 3 liên tiếp đứng trong nhóm 1000 thế giới |