Tọa đàm được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu chính được giới thiệu, buổi tọa đàm đã tạo nền tảng cho các thảo luận sâu hơn về các vấn đề liên quan. PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) phát biểu tại tọa đàm. Đây là số thứ 5 trong chuỗi Báo cáo Quốc gia Việt Nam được thực hiện bởi sự hợp tác thành công giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), Đại học Justus-Liebig Universität Gießen (CHLB Đức) và Tổ chức Hanns Seidel (CHLB Đức). Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cho biết: Mục tiêu của báo cáo lần này là giới thiệu một bức tranh toàn cảnh về phụ nữ ở Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, dân tộc, xu hướng tính dục, nghề nghiệp hay địa vị xã hội. Từ đó, báo cáo sẽ đóng góp vào các cuộc thảo luận chính trị và học thuật đang diễn ra về bình đẳng giới ở Việt Nam, đồng thời cung cấp cho độc giả quốc tế những hiểu biết thú vị về vấn đề này ở Việt Nam. Tiếp theo, TS. Detlef Briesen - Đồng chủ biên của Báo cáo đã trình bày những kết quả nổi bật trong các nghiên cứu được tập hợp trong ấn phẩm bao gồm 4 phần. Phần đầu tiên, báo cáo phân tích sự thay đổi trong quan điểm và mô hình vai trò diễn ra ở Việt Nam thông qua ba nghiên cứu trong nửa sau của thế kỷ 20. Thứ hai, báo cáo trình bày mục tiêu của chính sách bình đẳng giới của nhà nước cùng với những thành tựu đã đạt được: vấn đề trao quyền và thúc đẩy phụ nữ, vấn đề giáo dục, khuyến khích nữ sinh và sự bất cân xứng trong lựa chọn nghề của giới trẻ; vấn đề thúc đẩy nghề nghiệp và nâng cao năng lực cho phụ nữ, đặc biệt là trong kinh doanh; và vấn đề hoàn cảnh đặc biệt của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và nỗ lực vận động phụ nữ ở các vùng đó phát triển bền vững. Trong phần thứ ba, báo cáo bàn luận về những thách thức cụ thể đối với phụ nữ trong xã hội Việt Nam như: nhóm nữ lãnh đạo đang phát triển, những vấn đề cụ thể của thị trường lao động phi chính thức, hay vấn đề bạo lực gia đình, và tình trạng thiểu số tính dục trong nước. Các đại biểu tham dự tọa đàm. Cuối cùng, Báo cáo được kết thúc bởi một nghiên cứu tổng quan về các khuôn khổ pháp lý, quy định và các chương trình liên quan đến vấn đề phụ nữ ở Việt Nam. Trong khuôn khổ buổi tọa đàm còn có phiên thảo luận với sự tham gia của các nhà khoa học và đại diện các cơ quan, tổ chức ở trong và ngoài nước. Tọa đàm kết thúc với những tổng kết từ đại diện Nhóm biên tập Báo cáo và một số thông tin về Báo cáo số tiếp theo với chủ đề “Thị trường lao động Việt Nam”. Nguồn: GIÁO DỤC THỦ ĐÔ |