TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 09:37:20 Ngày 06/12/2023 GMT+7
Nhiều giải phát phát triển bền vững nền kinh tế biển Việt Nam
Đây là chủ đề hội thảo khoa học do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 5/12/2023 tại Hà Nội.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhấn mạnh: Bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển được Đảng ta quan tâm trong suốt quá trình lãnh đạo đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045: “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương”.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 36, kinh tế biển đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương và cho cả nước. Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” được tổ chức với mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 36, khẳng định ý nghĩa của phát triển bền vững kinh tế biển; kiến nghị, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển trong tình hình mới, đồng thời, định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền biển, đảo trên toàn quốc năm 2024 và những năm tiếp theo.

Qua đó, thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh các công trình khoa học nghiên cứu về biển, đảo; đồng thời, góp phần phản bác hoạt động, luận điệu của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề liên quan đến biển, đảo làm tổn hại đến đất nước ta.

Phát biểu tại hội thảo, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn nêu rõ Việt Nam là quốc gia biển, biển đảo có vị trí chiến lược trọng yếu trên các phương diện quốc phòng, kinh tế, hợp tác quốc tế. Do vậy phát triển kinh tế biển Việt Nam phải hài hòa, phù hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng. Trên cơ sở đó, đóng góp của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, phát triển kinh tế biển ngày càng được coi trọng. Đại học Quốc gia Hà Nội, với ưu thế vượt trội về các nghiên cứu liên ngành, đã cung cấp nhiều nghiên cứu về biển đảo liên quan đến lịch sử phát triển, các ưu thế về tự nhiên, các nguồn tài nguyên, cũng như các mô hình phát triển kinh tế biển…

Còn Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Nguyễn Trúc Lê khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển. Mặc dù đã đạt được những thành tựu, tuy nhiên một số mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển chưa đạt được; chưa phát huy tốt lợi thế, tiềm năng của biển.

“Liên kết giữa các vùng ven biển; giữa vùng, địa phương ven biển với vùng, địa phương trong đất liền; giữa các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả; các vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái có nguy cơ gia tăng bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, các nghiên cứu để đề xuất các mô hình phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững là vấn đề cấp thiết”, ông Nguyễn Trúc Lê nói.

Tại hội thảo các ý kiến tham luận đã đề cập một số giải pháp nhằm phát triển bền vững kinh tế biển.

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển. Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật; giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, cần có các chính sách riêng cho từng ngành và địa phương phát triển kinh tế biển. Trong đó, chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của doanh nghiệp và địa phương; kết hợp chặt chẽ kinh tế biển với an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, cần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế biển. Trong đó, tập trung nguồn lực cho công tác thông tin đối ngoại; tích cực tham gia các hiệp định thương mại quốc tế về kinh tế biển, nhất quán đường lối duy trì hòa bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải tại Biển Đông.

Thứ tư, tăng cường khả năng quốc phòng, an ninh cho các vùng biển chiến lược. Xây dựng lực lượng hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng vững mạnh làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của biển đảo với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt hướng tới chuyển đổi số đối với các hình thức truyền thông.

 

 Công Lưu - VMU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ