Hội nghị do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh và Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng phối hợp tổ chức. Tham dự hội nghị có đ/c Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; đ/c Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; đ/c Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội; Thiếu tướng Hoàng Hồng Hà - Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam; lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các đơn vị phối hợp tổ chức. Chủ quyền quốc gia, lãnh thổ là những giá trị thiêng liêng của mọi đất nước, mọi cộng đồng dân tộc trong các thời đại kể từ khi nhà nước xuất hiện. Đối với dân tộc Việt Nam, độc lập, tự do và chủ quyền quốc gia lãnh thổ đã là niềm khao khát và là mục tiêu có sức động viên mạnh mẽ sự cố kết toàn dân tộc để đạt được những mục tiêu cao cả ấy. Trong hàng ngàn năm xây dựng và phát triển, lập trường bất biến của mỗi người dân Việt Nam là coi việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, sự toàn vẹn của đất nước là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho biết, tháng 4/2014, GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phát động giới Sử học cả nước đẩy mạnh nghiên cứu về Chủ quyền quốc gia lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Trong 10 năm qua, chủ đề này đã được giới sử học cả nước tập trung nghiên cứu và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức nhằm tổng kết thành tựu 10 năm nghiên cứu về chủ quyền lãnh thổ quốc gia theo phương pháp tiếp cận toàn bộ, toàn diện của lịch sử Việt Nam, góp phần phục vụ các chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh mới. GS. Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, việc tổ chức hội nghị sẽ mở ra thông lệ để định kỳ luân phiên tổ chức với các chủ đề khác nhau, tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu sử học trong cả nước, đáp ứng yêu cầu của khoa học và thực tiễn xã hội Việt Nam. Ban tổ chức Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất đã nhận được 164 báo cáo tham luận của các nhà sử học đến từ mọi miền đất nước. Hội nghị là diễn đàn học thuật về những kết quả nghiên cứu trong thời gian qua, chia sẻ các nguồn tư liệu mới, thảo luận các vấn đề nhận thức mới… Từ đó, các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học trong cả nước sẽ đưa ra được những kiến nghị để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chủ quyền quốc gia lãnh thổ một cách rộng rãi cả trong và ngoài nước. Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, Hà Nội là vùng đất gốc hình thành nên người Việt cổ và nền văn minh sông Hồng, trung tâm ra đời và phát triển của những nhà nước sơ khai với kinh đô đầu tiên của đất nước. Đây cũng là nơi hội tụ mạnh nhất và lan tỏa rộng nhất các giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Trong các chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, các giá trị lịch sử văn hóa luôn luôn được xác định là nguồn lực quan trọng hàng đầu, nhiều nhà Sử học đã trở thành các nhà lãnh đạo chủ chốt và tài ba của Thủ đô; nhiều thế hệ các nhà Sử học đã dành toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cho nghiên cứu và đào tạo về lịch sử, văn hóa Hà Nội, về Hà Nội học… Nhiều đề tài, công trình khoa học của các nhà Sử học đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng cao quý khác về những giá trị khoa học và giá trị phục vụ cuộc sống thực tiễn trên địa bàn Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội bày tỏ mong muốn được đồng hành, đẩy mạnh hơn nữa các chương trình, kế hoạch hợp tác với các tập thể và cá nhân các nhà Sử học ở Hà Nội và trên mọi miền đất nước nhằm tập trung nghiên cứu về lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội, di sản văn hóa, công nghiệp văn hóa, về Hà Nội học phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển văn hóa Thủ đô, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và bền vững Thủ đô Hà Nội. PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trong tâm thức của mỗi người dân nước Việt còn đọng lại biết bao lời tuyên bố hung hồn về chủ quyền quốc gia, đã trở thành lời thề non nước từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong vài thập kỷ gần đây, trước sự phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã thể hiện quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Chúng ta khẳng định chủ trương đúng đắn của Việt Nam là hết sức coi trọng việc giữ gìn hòa bình, ổn định cho đất nước và khu vực, kiên trì sử dụng các giải pháp ngoại giao, chính trị để giải quyết các bất đồng giữa các quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền của mỗi nước, trong đó có Việt Nam. Chúng ta khẳng định chủ quyền quốc gia là quyền làm chủ đối với quốc gia, là thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời, điều từng được khẳng định trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, được thông qua vào năm 1946, được phát triển trong bản Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Trong những năm gần đây, tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, bao gồm cả vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tiềm ẩn nguy cơ xung đột và mất ổn định. Vì vậy, việc tích cực nghiên cứu để đưa ra các luận cứ khoa học vững chắc và đề xuất các giải pháp thiết thực càng có ý nghĩa như là một biện pháp quan trọng nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia lãnh thổ. Cùng với giới nghiên cứu khoa học xã hội trong cả nước, các nhà sử học đã luôn quán triệt nhiệm vụ chuyên môn của mình là góp phần nghiên cứu làm sáng rõ các vấn đề cơ bản về Lịch sử Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích, những di sản lịch sử cần kế thừa góp phần vào việc hoạch định các chính sách phát triển của đất nước trong hiện tại và xây dựng các dự án cho tương lai. Tại Hội nghị, các nhà nghiên cứu, học giả và chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử đã lắng nghe các tham luận, đưa ra những kiến nghị và các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ Việt Nam cũng như các biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy di sản lịch sử, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, nâng cao ý thức tự hào dân tộc trong mọi tầng lớp nhân dân. Trình bày tham luận "Lãnh thổ quốc gia và biên giới quốc gia: Một số vấn đề về lý thuyết và thực tiễn", nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, TS Trần Công Trục cho biết: "Lãnh thổ Việt Nam trong Biển Đông, bao gồm các vùng biển và thềm lục địa và các thực thể địa lý (Quần đảo, Đảo, Đá, Bãi cạn...) đã được xác lập và bảo vệ không chỉ bằng những nguyên tắc pháp lý hiện hành mà còn bằng cả máu, xương, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Mục tiêu của Việt Nam không phải chỉ có trách nhiệm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong biển Đông mà còn có nghĩa vụ góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh quốc tế hiện nay". Với chủ đề “Khôi phục nỏ thần An Dương Vương góp phần nhận diện giá trị đích thực của thời đại dựng nước đầu tiên”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và kỹ sư Vũ Đình Thanh - Tập đoàn hàng không vũ trụ Nga Almaz Antey đã khẳng định sự tồn tại của vũ khí nỏ thần An Dương Vương. Loại nỏ bắn bằng ống cùng lúc được cả 1 vạn mũi tên đồng Cổ Loa xa đến 1000 m do kỹ sư Vũ Đình Thanh sáng chế đã được đăng ký độc quyền sáng chế toàn thế giới. Đây cũng là hình thức chính thức toàn thế giới công nhận nỏ thần của Việt Nam. Tham luận về sự ra đời của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng, trong lúc phân hóa xã hội Đông Sơn đang phát triển, nhân tố thủy lợi đòi hỏi có một tổ chức tập hợp đông đảo sức mạnh của cả cộng đồng để thực hiện. Từ phía Bắc, các thế lực bành trướng thời Xuân Thu - Chiến Quốc bắt đầu tổ chức bình định Bách Việt, trong đó có Lạc Việt và Âu Việt. Những yếu tố này đã tác động mạnh đến quá trình hình thành nhà nước đầu tiên - Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Bàn về lãnh thổ quốc gia thời Hùng Vương nhìn từ huyền thoại Mai An Tiêm, TS. Phạm Hoàng Mạnh Hà - Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho rằng, ngày nay, ngấn nước biển năm xưa vẫn còn in trên vách đá song hòn đảo nơi Mai An Tiêm và gia đình sinh sống thuở trước đã “trôi” vào "đất liền quê mẹ" thuộc xã Nga An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. “Theo lời truyền văn, đền thờ Mai An Tiêm được tạo dựng từ rất lâu đời và đã được tu sửa nhiều lần. Ngôi đền hiện tại là mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một số di vật như đồ gốm, công cụ sản xuất có niên đại tương đương với thời đại Hùng Vương. Những di vật này là cơ sở cho mối liên hệ giữa huyền thoại Mai An Tiêm và lịch sử Việt Nam thời dựng nước”, tham luận cho biết. Ngoài phiên toàn thể, hội nghị bao gồm 03 tiểu ban thảo luận về các nội dung: (1) Một số vấn đề chung về chủ quyền lãnh thổ và biên giới đất liền; (2) Biển Đông: Không gian sinh tồn của các cộng đồng cư dân sống trên lãnh thổ Việt Nam; (3) Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa giữa biển Đông. >>> Các tin tức liên quan: - Biển Đông – Trường Sa trong lịch sử, văn hoá Việt Nam - Hoàng Sa, Trường Sa: Những trang sử được viết bằng máu - Chủ quyền Hoàng Sa trong Châu bản triều Nguyễn |