Toạ đàm do PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật ĐHQGHN chủ trì. Toạ đàm có sự tham gia của đại diện Chương trình Aus4Innovation và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Vụ Pháp chế, Viện Chiến lược và chính sách y tế), Bộ Khoa học và Công nghệ (Vụ Công nghệ cao), đại diện các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế. Tại tọa đàm, Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh đã chỉ ra 8 rủi ro, thách thức từ góc độ đạo đức, xã hội của việc ứng dụng TTNT trong lĩnh vực y tế như sự phân biệt đối xử, thiên vị một cách chủ ý hoặc vô ý, phân công trách nhiệm không rõ ràng, vi phạm nguyên tắc bảo mật dữ liệu, v.v. Trên cơ sở nhận diện các rủi ro đó, tham luận đề xuất bên cạnh các nguyên tắc đạo đức y sinh học đã được hình thành từ lâu đời trong lĩnh vực y tế, cần sớm thảo luận và hướng tới ưu tiên phát triển TTNT theo những nguyên tắc đạo đức công nghệ cốt lõi sau: (1) bảo vệ quyền tự chủ của con người; (2) đảm bảo phúc lợi và an toàn cho người dân và bảo vệ lợi ích công cộng, không gây hại cho con người; (3) đảm bảo tính minh bạch, dễ giải thích và dễ hiểu; (4) đảm bảo trách nhiệm và trách nhiệm giải trình; (5) đảm bảo sự toàn diện và công bằng; (6) thúc đẩy việc áp dụng TTNT có khả năng đáp ứng nhanh và bền vững. ThS. Trần Văn Tuyên - Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết bức tranh toàn cảnh về thực trạng phát triển và ứng dụng TTNT trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Ông Tuyên đã chỉ rõ TTNT đã và đang ứng dụng tương đối rộng rãi trong các lĩnh vực nổi bật như: phẫu thuật với sự hỗ trợ từ robot có công nghệ AI, trợ lý ảo trong y tế với AI, AI trong hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng, AI trong phân tích, hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh y tế, AI trong hỗ trợ giám bớt khối lượng, quản trị y tế. Trong khi đó TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Trường Đại học Luật, ĐHQGHN đã phân tích kinh nghiệm quốc tế về phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực y tế. Thông qua phân tích các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hướng dẫn của các quốc gia về đạo đức và quản trị TTNT trong y tế (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, Singapore, Châu Âu..), tham luận nhận diện xu hướng phát triển và nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc đạo đức cốt lõi khi phát triển TTNT có trách nhiệm trong y tế. Ở phần thảo luận, các đại biểu đã trao đổi, nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn về đạo đức TTNT trong lĩnh vực y tế. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Y Dược (ĐHQGHN), Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, TTNT không thể thay thế cho bác sĩ, và khi ứng dụng TTNT trong y tế, điều quan trọng đầu tiên là đảm bảo tính an toàn (không gây hại), sau đó mới đến lợi ích do ứng dụng đó mang lại. Đồng quan điểm này, TS. Khương Anh Tuấn (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế) cũng khẳng định TTNT không thể thay thế con người, kết quả điều trị phụ thuộc vào sự tương tác thường xuyên giữa bác sĩ và bệnh nhân. Để thúc đẩy TTNT có trách nhiệm, trước mắt cần nâng cao nhận thức cho tất cả các bên liên quan về vấn đề này, từ các nhà quản lý, hoạch định chính sách, lãnh đạo cơ sở y tế, đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân và người dân nói chung. Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các chuyên gia về y tế, pháp luật, công nghệ thông tin. Các đại biểu thống nhất rằng để thúc đẩy TTNT có trách nhiệm ở Việt Nam, việc điều chỉnh bằng pháp luật là chưa đủ và khó theo kịp sự phát triển nhanh chóng của TTNT; do vậy, cần xây dựng các bộ nguyên tắc đạo đức TTNT và hướng dẫn thực hiện, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. >>> Tin tức liên quan: - Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục |