Hường sẽ nhận bằng cử nhân xuất sắc hôm 7/7/2024, là thủ khoa đầu ra Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, với điểm trung bình học tập (GPA) 3.85/4. "Kết quả bất ngờ và có ý nghĩa lớn bởi nó chứng minh cho quyết tâm đi học của mình", nữ sinh nói. Phạm Thị Thu Hường. Ảnh: Nhân vật cung cấp Hường là cựu học sinh lớp chuyên Địa, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc. Từ năm lớp 10, Hường tham gia nhiều cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực Duyên hải đồng bằng Bắc bộ, Trại hè Hùng Vương và đều giành giải nhất hoặc huy chương vàng. Một năm sau khi thi vượt cấp và giành giải ba, năm lớp 12, Hường đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia, được tuyển thẳng đại học. Hường cho hay muốn học thêm về ngôn ngữ nên chọn tiếng Trung. Thấy ngành Đông phương học "hot", lại có chuyên ngành Trung Quốc học nên Hường đăng ký. Giữa lúc đó, biến cố gia đình khiến mọi dự định của nữ sinh tưởng chừng phải gác lại. Bố mất, gánh nặng kinh tế dồn lên vai mẹ. Chị Nguyễn Thị Lợi, mẹ nữ sinh, cho biết Hường là con thứ hai trong nhà; con gái cả khi đó vừa ra trường, còn em út đang đi học. Mừng vì các con học hành đỗ đạt nhưng với thu nhập từ làm ruộng và làm thuê nhỏ lẻ, chị lo không cáng đáng nổi. "Tôi bảo Hường ở nhà làm công nhân nhưng con thuyết phục, xin đi học", chị Lợi nhớ lại. "Tôi thấy con ham học nên đồng ý". Chị cho hay mỗi lần đạt giải thưởng, Hường đều để dành. Em cũng được học bổng "Tiếp sức đến trường" khi vào đại học, nên có thể trang trải trong thời gian đầu về Hà Nội. Ở nhà, để có thêm thu nhập, chị Lợi làm 2-3 chỗ, từ sáng đến tối. Mỗi tháng, chị gửi cho Hường khoảng 1-2 triệu đồng để sinh hoạt. Thương mẹ, Hường không ca thán mà nỗ lực học tập. Năm đầu tiên, Hường là sinh viên xuất sắc nhất ngành Đông phương học và giành học bổng khuyến khích học tập của trường. Từ đó, nữ sinh có thêm động lực để duy trì điểm số học tập suốt bốn năm. Hường cho biết không có chiến lược đặc biệt, chỉ xác định mục tiêu và cố gắng hết sức. Nữ sinh không phân biệt môn học mà cố gắng làm tốt nhất yêu cầu của thầy cô. Bài tập, tiểu luận thường được cô hoàn thành trước hạn nộp 1-2 ngày để có thời gian kiểm tra lại. Chọn chuyên ngành Trung Quốc học, Hường phải học tiếng Trung từ đầu. Trên lớp, nữ sinh chú ý bài giảng, về nhà tiếp tục học. Mỗi mùa hè, Hường tìm việc liên quan để vừa học tiếng, vừa có thêm tiền giúp mẹ. Trước khi ra trường, Hường tập trung ôn thi chứng chỉ tiếng Trung quốc tế (HSK) để thuận lợi cho công việc sau này. Em dán giấy nhớ khắp phòng trọ, để màn hình điện thoại với lời nhắc nhở "học đi" và ôn theo lịch thi HSK. Buổi sáng, em luyện Nghe, Đọc, Viết, phấn đấu mỗi ngày làm một đề. Buổi tối là thời gian để Hường xem lại các lỗi sai và học từ vựng. Sau hơn hai tháng ôn, Hường đạt HSK 6 (cấp cao nhất) và HSKK 65/100 điểm. "Em không phải người học giỏi nhất lớp mà chỉ chăm chỉ và kỷ luật", Hường nói. "Hoàn cảnh gia đình như vậy nên em tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng". TS Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Trưởng bộ môn Trung Quốc học, Khoa Đông phương học, dạy Hường một số môn chuyên ngành vào năm thứ ba. Cô nói học trò có phương pháp học tập hiệu quả, thái độ học tập nghiêm túc và cầu thị. "Tôi tin sau khi tốt nghiệp, Hường sẽ tiếp tục phát huy và trở thành tấm gương cho các thế hệ đàn em", cô Hoa chia sẻ. Hường hiện cân nhắc ứng tuyển học bổng chính phủ Trung Quốc để học lên cao hoặc đi làm. Em nói dù quyết định thế nào, mẹ và chị gái sẽ luôn ủng hộ. Chị Lợi mấy hôm nay phấn khởi khi con gái báo tin là thủ khoa tốt nghiệp. Chị cũng muốn lên Hà Nội và đang xin nghỉ làm để tới động viên con. Nguồn: Vnexpress |