1. Họ và tên: Nguyễn Thành Luân 2. Giới tính: Nam 3. Ngày sinh: 26/10/1991 4. Nơi sinh: Tỉnh Lào Cai 5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 3686/QĐ-ĐHKT 6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Không 7. Tên đề tài luận án: Quản lý vốn vay nước ngoài cho phát triển sinh kế hộ gia đình dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai 8. Chuyên ngành: Quản lý kinh tế 9. Mã số: 9340410.01 10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Vũ Thanh Sơn 11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án: Luận án đã tiến hành đánh giá thực trạng phát triển sinh kế hộ gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai dựa trên, thực trạng các nguồn lực sinh kế, nghiên cứu mối quan hệ của các nguồn lực sinh kế, đặc biệt là vai trò của nguồn vốn trong đó có vốn ODA đến phát triển sinh kế hộ gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai dựa trên kết quả khảo sát 243 đáp viên là (1) Đại diện Hội nông dân; (2) Đại diện Hội phụ nữ; (3) Đại diện Đoàn thanh niên; (4) Trưởng thôn (hoặc tương đương); (5) Bí thư chi bộ thôn (hoặc tương đương) tại 27 xã thuộc 9 huyện/thị/thành phố của tỉnh Lào Cai là Thành phố Lào Cai, và các huyện/thị là Sa Pa, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Thắng và Bảo Yên. Đồng thời, để có cái nhìn khách quan hơn, tác giả đã tiến hành đánh giá thực trạng phát triển sinh kế hộ gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai dựa trên việc khảo sát 168 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 27 địa phương trong mẫu nghiên cứu. Kết quả cho thấy có sự tương đồng rất cao trong đánh giá của các hộ dân với đánh giá của các cán bộ quản lý tại địa phương. Kết quả cho thấy, tất cả các khái niệm và thang đo sử dụng trong nghiên cứu đều có độ tin cậy cao (hệ số Cronbach’s Alpha của các thang đo đều lớn hơn 0,7); các biến nghiên cứu hội tụ về đúng các thang đo phù hợp với mô hình lý thuyết; kết quả phân tích hồi quy cho thấy, nguồn vốn tài nguyên không có quan hệ tác động đến “phát triển sinh kế hộ gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai” do giá trị P_value đạt 0,764, và nguồn vốn xã hội có tác động ngược chiều với “phát triển sinh kế hộ gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai” với giá trị Beta chuẩn hóa đạt 0,09 và với giá trị P_value đạt 0,092. Còn lại các nguồn vốn khác đều có tác động thuận chiều tới “phát triển sinh kế hộ gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai” và được xếp theo thứ tự giảm dần từ cao nhất là “Vốn kinh tế” với giá trị Beta chuẩn hóa đạt 0,41; thứ hai là “Vốn thể chế” với giá trị Beta chuẩn hóa đạt 0,201; và thứ ba là “Vốn con người” với giá trị Beta chuẩn hóa đạt 0,141 và cùng ở mức ý nghĩa trên 95% khi P_value nhỏ hơn 0,05. Bên cạnh đó, ý kiến của người dân cũng đánh giá cao các hoạt động quản lý nguồn vốn ODA cho phát triển sinh kế hộ gia đình của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Các kết quả nghiên cứu này chính là những căn cứ thực tiễn hết sức quan trọng, cùng với thực tiễn quản lý vốn ODA ở chương 3 sẽ là tiền đề quan trọng để nghiên cứu sinh đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vốn vay nước ngoài (ODA) cho phát triển sinh kế hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai ở chương 5. 12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn: Luận án với đề tài “Quản lý vốn vay nước ngoài cho phát triển sinh kế hộ gia đình dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai” có một số đóng góp mới có ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn, đưa ra các đề xuất nhằm hoàn thiện hoạt động quản lý nhà nước đối với ODA. Nếu hoạt động quản lý nhà nước này đạt được tính hiệu lực và hiệu quả thực thi các chương trình, dự án tại các vùng DTTS tỉnh Lào Cai, sinh kế các hộ dân tộc thiểu số được cải thiện, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống. Đóng góp cụ thể của luận án là: Phân tích và chỉ ra kinh nghiệm của tỉnh Lào Cai trong việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân ODA, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước vốn ODA phù hợp từ đó phát huy hiệu quả vốn ODA đến phát triển kinh tế địa phương nói chung và cải thiện sinh kế hộ gia đình dân tộc thiểu số nói riêng. Thông qua mô hình kinh tế lượng, luận án đo lường mức độ ảnh hưởng của các nguồn lực đến phát triển sinh kế hộ gia đình dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng vốn tài nguyên không có tác động đến thay đổi sinh kế hộ gia đình dân tộc thiểu số; vốn xã hội có tác động âm đến phát triển sinh kế hộ gia đình; cuối cùng, vốn kinh tế là nguồn lực tác động lớn nhất đến sự cải thiện sinh kế hộ gia đình dân tộc thiểu số hộ gia đình dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai. 13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo: Thứ nhất, về quản lý vốn ODA, các nghiên cứu tiếp theo có thể tập trung vào định hướng thu hút vốn ODA trong bối cảnh mới là Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, các điều khoản ưu đãi vay vốn giảm và dịch chuyển dần sang các điều kiện cho vay thương mại. Đối với điều kiện cụ thể của tỉnh Lào Cai, cần có thêm các nghiên cứu về tổ chức bộ máy quản lý cũng như hoạt động kiểm tra giám sát vốn ODA sao cho nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA trong điều kiện chi phí sử dụng vốn tăng cao so với giai đoạn trước đây. Thứ hai, để có một bức tranh bao quát hơn, các nghiên cứu sau có thể lựa chọn phân tích về tác động của các nguồn lực đến phát triển sinh kế hộ gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai. 14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án: Nguyễn Thành Luân, Trần Nhật Tân, Hà Văn Thắng, Đỗ Trường Sơn, 2018. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế hộ gia đình: Bằng chứng từ điều tra hộ gia đình tại tỉnh Lào Cai. Tạp chí Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên, số 7, trang 36-40. Trần Minh Hằng, Nguyễn Thành Luân, 2020. Dòng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam. Tạp chí Dân tộc học, số 2, trang 13-24. Nguyễn Thành Luân, 2020. Hiệu quả của các chương trình dự án quốc tế đến phát triển kinh tế ở một số tỉnh miền núi Việt Nam. Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, số 576, trang 62-63. Nguyễn Thành Luân, 2020. Tác động của các chương trình dự án quốc tế đến giáo dục ở khu vực miền núi Việt Nam. Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, số 579, trang 94-96. Luan Thanh Nguyen, Tuyen Quang Tran and Hang Minh Tran, 2020. The impact of foreign aid on household income among ethnic minority groups in Vietnam. Economic Horizons Journal, 3(22). |