Đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu hiện nay. Đổi mới sáng tạo đã luôn được Đảng và Nhà nước đặt ra trong nhiều chủ trương, đường lối, chính sách kể từ năm 1986 và ngày càng được nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn. Khái niệm “Đổi mới sáng tạo” đã chính thức được sử dụng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và luôn được đề cao với nội hàm chủ yếu là việc phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo quan điểm của Đảng, khoa học và công nghệ phải được xem là quốc sách hàng đầu. Đổi mới sáng tạo là con đường kép để tạo ra, phát triển và tiếp nhận công nghệ. Chuyển giao công nghệ là sự thu nhận các bí quyết qua hình thức mua bán trên thị trường và bao gồm các hình thức phi thương mại khác. Quyền sở hữu trí tuệ là một khái niệm rộng, bao gồm các quyền hợp pháp bắt nguồn từ hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật. Các ý tưởng sáng tạo và bí quyết thương mại được coi là tài sản trí tuệ. Việc mua bán hay chuyển giao quyền sử dụng các tài sản trí tuệ này được coi là hoạt động chuyển giao công nghệ. Đổi mới sáng tạo là kết quả thành công trong việc áp dụng sản phẩm mới, quy trình mới hay cách thức tổ chức mới, ... đặc biệt là việc chuyển giao, thương mại hóa thành công các sáng chế trên thị trường. Do vậy, quyền sở hữu trí tuệ là cốt lõi của hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Không có quyền sở hữu trí tuệ thì các nhà sáng tạo sẽ không có công cụ để bảo vệ thành quả sáng tạo của mình cũng như không có hành lang pháp lý để đảm bảo hoạt động chuyển giao công nghệ thông suốt, thành công trong việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ của mình. |