Chương trình Tây Bắc chuyển giao nhiều kết quả vào thực tiễn. Đây là một chương trình có tính hướng đích và ứng dụng cao. Những kết quả của Chương trình đã giúp nhận diện vùng Tây Bắc một cách đầy đủ, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển toàn diện, hiệu quả, góp phần làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của đồng bào. Kết quả cụ thể: Chương trình đã điều phối, thu hút 40 tổ chức và tổng số 600 nhà khoa học đăng ký tham gia chủ trì thực hiện đề tài đến từ nhiều tổ chức khoa học công nghệ trong cả nước. Có 200 tổ chức khoa học lớn tham gia phối hợp thực hiện, trong đó có 12 sở ngành thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc. Toàn bộ 58 đề tài, dự án thuộc chương trình được tiến hành dựa trên cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao, các phương pháp nghiên cứu, triển khai, cách tiếp cận phong phú, đa dạng, hiện đại, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ. 100% các nhiệm vụ triển khai trong Chương trình Tây Bắc đã và đang được chuyển giao/bàn giao cho các ban, bộ, ngành và địa phương; 100% đề tài có kết quả được công bố trên tạp chí khoa học công nghệ có uy tín của quốc gia hoặc quốc tế, trong đó 34/58 các nhiệm vụ có công bố quốc tế (đạt 58%); 54/58 nhiệm vụ có sản phẩm đào tạo hoặc góp phần đào tạo ít nhất là 01 tiến sĩ và 1-2 thạc sĩ; 20% số đề tài có kết quả được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký quyền tác giả; 60% các kiến nghị, khuyến nghị, giải pháp, được các cấp có thẩm quyền chấp nhận; 20% mô hình đề xuất được thực hiện và nhân rộng… Ngoài ra, ĐHQGHN cũng đã kịp thời tổng hợp, chọn lọc các kết quả đạt được từ Chương trình Tây Bắc để: Góp ý các dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ của một số tỉnh vùng Tây Bắc nhiệm kỳ 2020-2025; Báo cáo tư vấn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 cho các tỉnh vùng Tây Bắc; Đặc biệt đã đề xuất với Ban Kinh tế Trung ương về Quan điểm và Giải pháp về Phát triển bền vững vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. |