TIN TỨC & SỰ KIỆN
Kiên định với mục tiêu, sáng tạo trong tư duy hành động
Tiến tới ĐH Đảng bộ Trường ĐHKHXH&NV lần thứ XXVII, Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ V, Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN xin giới thiệu bài viết về vai trò của Đảng bộ trong quá trình phát triển của Nhà trường.

Nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của đảng bộ trường đại học khoa học xã hội và nhân văn để đưa nhà trường sớm trở thành một đại học nghiên cứu đạt chuẩn khu vực, trong đó phát triển một số ngành / chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển đất nước. Với sự kiên định và quyết tâm cao, phát huy sức mạnh truyền thống và tư duy sáng tạo, năng động, đảng bộ nhà trường đã lãnh đạo nhà trường thực hiện thành công mục tiêu trên.

Đột phá trong công tác xây dựng đội ngũ đạt chuẩn

Từ năm 2010 đến nay, Nhà trường đã không ngừng hoàn thiện cơ cấu tổ chức thông qua việc phát triển thêm một số bộ môn thuộc khoa, thành lập thêm các khoa trực thuộc, tái cơ cấu các trung tâm nghiên cứu để nâng cao hiệu quả hoạt động. Sự kiện toàn này đặt nền tảng cho việc tiên phong ra đời nhiều ngành và chuyên ngành đào tạo mới như Khoa học Chính trị, Nhân học, Quản trị truyền thông, Quản trị khách sạn... Các trung tâm theo hướng nghiên cứu và ứng dụng nhiều lĩnh vực khoa học lần lượt ra đời như Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Văn hoá - Nghệ thuật, Trung tâm Nghiên cứu giới, Dân số, Môi trường và các vấn đề xã hôi, Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương và các vấn đề quốc tế... Viện Chính sách và Quản lý được thành lập là mô hình tiêu biểu của viện nghiên cứu hoạt động trong một trường đại học.

Xác định nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao là yếu tố then chốt, là chiến lược quyết định sự phát triển của một trường đại học, Đảng uỷ nhà trường đã ra kết luận quan trọng về Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hướng tới đạt chuẩn quốc tế. Kết luận này là kim chỉ nam cho việc thực thi nhiều chính sách tích cực, tập trung và thể hiện sự đầu tư mạnh cho hoạt động phát triển đội ngũ. Mỗi năm có gần 200 lượt cán bộ ra nước ngoài giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế cho cán bộ giảng dạy và hành chính được tổ chức đều đặn trở thành truyền thống trong hoạt động chung. Trong khuôn khổ các chương trình đào tạo đạt đẳng cấp quốc tế, mỗi năm Nhà trường tạo điều kiện cho các giảng viên đi nâng cao trình độ ngoại ngữ và năng lực chuyên môn, quản lý tại nước ngoài. Nhà trường cũng hỗ trợ kinh phí cho cán bộ trong hoạt động học tập nâng cao trình độ, thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thưởng cho những thành tích trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các công bố trên các tạp chí quốc tế. Các chủ trương này nhằm trực tiếp đến đối tượng cán bộ trẻ sẽ là lực lượng chủ chốt cho tương lai của Nhà trường.

Đội ngũ giảng viên của Trường hiện nay là 358 cán bộ, số giảng viên đạt trình độ sau đại học chiếm 95,5%, trong đó có 185 tiến sỹ (chiếm 54,1% số giảng viên có trình độ sau đại học), có 96 giáo sư và phó giáo sư (chiếm 26,8% tổng số giảng viên), có 103 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh và 16 giảng viên là học viên cao học. Với kết quả phát triển đội ngũ trên, tỷ lệ cán bộ có trình độ SĐH và chức danh khoa học đã vượt chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ trường lần thứ XXVI đề ra, đồng thời là tỷ lệ ấn tượng đối với một trường đại học. Kết quả này cũng là nền tảng cơ bản để Nhà trường gặt hái nhiều thành tích trên các mảng hoạt động khác.

Tiên phong đổi mới trong hoạt động đào tạo

Hoàn thành chuyển đổi phương thức đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ ở các cấp học là thành công đáng chú ý nhất trong những năm qua. Người học được khẳng định vai trò trung tâm trong quá trình đào tạo, hoạt động quản lý đào tạo trở nên linh hoạt hơn, tính liên thông giữa các bậc học được thúc đẩy mạnh mẽ. Với phương thức mới, khả năng tiếp cận các chuẩn mực đào tạo của quốc tế được đẩy mạnh. Trải qua những khó khăn, phức tạp ban đầu của quá trình chuyển đổi, đặt những bước đi đầu của phương thức đào tạo mới tại Việt Nam, cho đến nay, đào tạo tín chỉ đã thực sự phát triển theo chiều sâu và phát huy hết những ưu điểm của phương thức tiên tiến này trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Trong 4 khoá đầu của đào tạo tín chỉ (từ 2007 đến 2010), có 400 sinh viên tốt nghiệp sớm từ 1 học kỳ đến 1 năm học, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn đạt trên 85%, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên đạt trên 90%.

Bên cạnh việc tiếp tục mở thêm những ngành đào tạo mới theo nhu cầu xã hội, Đảng bộ Nhà trường cũng chủ trương phát triển thêm các CTĐT chất lượng cao, theo hướng đạt trình độ quốc tế, mở rộng các chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Các CTĐT bằng kép được xây dựng, trên cơ sở kết hợp giữa các CTĐT hiện có trong Trường hoặc kết hợp giữa các CTĐT của các đại học thành viên trong ĐHQGHN. Hiện nay, Trường có 21 ngành đào tạo bậc đại học, 06 CTĐT chất lượng cao, 129 CTĐT bằng kép. Năm 2014, Nhà trường hoàn thành Đề án quy hoạch ngành/chuyên ngành đến năm 2020, tạo căn cứ khoa học cho việc tiếp tục phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo trong 5 năm tới.

Giai đoạn 2010-2015, công tác đào tạo SĐH có bước phát triển mạnh mẽ về cả quy mô và chất lượng, nhất là quy mô đào tạo tiến sỹ và học viên nước ngoài. Mỗi năm Trường đào tạo khoảng 140 NCS, trong đó có khoảng 20 học viên nước ngoài. Tỷ trọng quy mô đào tạo SĐH trên tổng quy mô đào tạo chính quy vào khoảng 37%. Tỷ lệ này đang tiếp cận dần chuẩn của một đại học nghiên cứu. Số học viên sau đại học người nước ngoài tăng lên cùng với sự mở rộng của nhiều chuyên  ngành đào tạo mới. Trong 05 năm qua, Trường đã triển khai thêm 11 CTĐT SĐH, đưa số CTĐT SĐH của trường lên 61. Dự kiến đến  năm 2020, Trường sẽ có 69 CTĐT SĐH.

Kiểm định chất lượng đào tạo cũng là một lĩnh vực mà Nhà trường đi tiên phong và sớm phát huy hiệu quả của hoạt động này trong công tác đào tạo. Ngoài việc tham gia đánh giá và đạt chuẩn chất lượng quốc gia, trường còn bước đầu triển khai kiểm định một số CTĐT theo chuẩn của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (AUN). Năm 2013, Trường hoàn thành đánh giá CT Cử nhân ngành Ngôn ngữ học theo chuẩn AUN và chuẩn bị việc triển khai đánh giá ngành Đông phương học. Đây là bước đi mới và đầy quyết tâm nhằm mở ra những cơ hội tiến tới đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế trong hoạt động đào tạo của Nhà trường trong tương lai gần.

NCKH và hợp tác quốc tế với những phát triển vượt bậc

Với mục tiêu phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, Đảng uỷ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn xác định nâng cao chất lượng hoạt động NCKH sẽ là cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ và tạo dựng uy tín khoa học của Nhà trường. Truyền thống mạnh về hoạt động NCKH trong quá khứ với nhiều tên tuổi nhà khoa học hàng đầu, hàng chục giải thưởng khoa học Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các cấp... là nền tảng quan trọng để Đảng bộ Nhà trường tiếp tục có những quyết sách kịp thời cho đường hướng phát triển khoa học trong dài hạn và ngắn hạn.

Đảng uỷ Nhà trường đã chỉ đạo xây dựng Định hướng nghiên cứu khoa học đến năm 2020; Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình xây dựng sản phẩm khoa học chất lượng cao phục vụ đào tạo và yêu cầu phát triển của đất nước.

Do chủ trương và giải pháp đúng nên công tác NCKH của Trường nhiệm kỳ vừa qua đã có sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng và chiều sâu. Điểm nổi bật trong hoạt động này là hiệu quả tham gia các chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước. Các đề tài đã cung cấp luận chứng khoa học cho việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, tổng kết 30 năm đổi mới. Một số đề tài nổi bật như Phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước trong thế kỷ XXI, Tôn giáo trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và vấn đề nhà nước thế tục ở Việt Nam... Hội đồng Tư vấn Chính sách gồm những nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài trường đã có những tư vấn, kiến nghị có giá trị cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các vấn đề văn hoá, phát triển xã hội thời kỳ mới như tư vấn về biển Đông, văn hoá Óc Eo, xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước... Số đề tài mà Trường thực hiện trong 5 năm qua gồm 22 đề tài cấp Nhà nước và Nghị định thư, 73 đề tài cấp ĐHQGHN và 103 đề tài cơ sở.

Trong 5 năm, trường tổ chức 129 hội thảo khoa học, trong đó có 83 hội thảo khoa học quốc tế. Để tiệm cận dần các tiêu chuẩn quốc tế trong NCKH, vài năm gần đây Nhà trường có nhiều giải pháp hỗ trợ các công bố khoa học trên tạp chí quốc tế. Từ năm 2011 mới chỉ có 7 công bố quốc tế thì đến năm 2014, số công bố quốc tế của đội ngũ cán bộ đã lên tới hơn 40 công trình.

Những bước trưởng thành mạnh mẽ trong hoạt động NCKH của Trường được thể hiện qua các cơn số ấn tượng trong 5 năm: 2.762 kết quả nghiên cứu, trong đó có 188 bài báo quốc tế, 21 giải thưởng khoa học và công nghệ các cấp trong đó có 03 giài thưởng Hồ Chí Minh, 02 giải thưởng cấp Nhà nước và 16 giải thưởng cấp ĐHQGHN và cấp Bộ.

Có thể nói 5 năm qua là giai đoạn mà hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà trường phát triển rực rỡ nhất, không chỉ hỗ trợ hoạt động đào tạo và NCKH được nâng lên tầm quốc tế, mà còn góp phần khẳng định vị thế của trường như là đại diện tiêu biểu của giáo dục đại học Việt Nam. Nhờ vậy, Trường đã thu hút và đa dạng hoá được các nguồn lực từ bên ngoài. Đáng chú ý là hoạt động này không chỉ phát triển về quy mô mà còn thực sự phát huy hiệu quả đi vào chiều sâu. Trong hơn 90 đối tác, có nhiều cái tên danh giá "top" đầu của thế giới như: Đại học Princeton, ĐH San José, Đại học Utah, ĐH Tokyo, ĐH Tổng hợp quốc gia Maxcơva, ĐH Nanyang (Singapore), ĐH Quốc gia Đài Loan, ĐH Thượng Hải (Trung Quốc), ĐH Toulouse II, ĐH Paris II, ĐH Lund (Thuỵ Điển), ĐH Quốc gia Úc, ĐH Yonsei...

Nhiều dự án hợp tác quốc tế lớn được triển khai như: Dự án Hỗ trợ phát triển Bộ môn Nhân học (Quỹ Ford), Dự án nghiên cứu Nhân học (Cơ quan phát triển Pháp), Dự án nghiên cứu Tôn giáo với Viện Missio (CHLB Đức), Dự án nghiên cứu cải cách chính sách giáo dục Việt Nam (Quỹ Rosa Lucxemburg, CHLB Đức), Dự án Nâng cao năng lực giảng dạy châu Âu tại Việt Nam (Quỹ Jean Monnet, Uỷ ban Châu Âu), hợp tác với Quỹ Toshiba, Quỹ Hàn Quốc học...

Trường là thành viên của Hiệp hội nghiên cứu Hàn Quốc học các trường ĐH Đông Nam Á, Hiệp hội các trường ĐH lưu vực sông Hồng. Trường là điểm đến giao lưu của hơn 300 đoàn khách quốc tế, trong đó có nhiều lãnh đạo và nguyên thủ nước ngoài.

Thành công của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong 5 năm qua có được là nhờ Đảng bộ Nhà trường đã làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận và gắn kết trong toàn Đảng bộ. Xây dựng Nhà trường thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu chất lượng, trình độ cao luôn được kiên định và là mục tiêu cao nhất cho mọi quyết sách, kế hoạch phát triển, dù thực tiễn có rất nhiều khó khăn. Sức mạnh truyền thống của một trường đại học có bề dày 70 năm tuổi được phát huy triệt để, trở thành niềm tự hào và là bệ đỡ cho mọi thành công. Tinh thần sáng tạo, tiên phong, không ngừng đổi mới, dám nghĩ dám làm, trên cơ sở ý thức sâu sắc về sứ mạng và trách nhiệm của Trường, của khoa học xã hội và nhân văn đối với sự phát triển của khoa học, giáo dục và của đất nước trong bối cảnh mới đã giúp Trường có sự chuyển mình kịp thời và phù hợp với xu thế của thế giới. Bên thềm Đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ XXV, đây sẽ là những thành quả đáng tự hào để Nhà trường có thêm sức mạnh và khí thế cho một chặng đường phát triển mới, với tinh thần đổi mới và sáng tạo mạnh mẽ hơn.

 

 

 Thanh Hà - Bản tin ĐHQGHN số 288 + 289
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ