VNU Logo

Đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là ưu tiên phát triển của Trường ĐH Việt Nhật

Ngày 03/7/2025, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki về công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và tình hình dự án xây dựng Trường ĐH Việt Nhật.

Tham dự buổi làm việc, về phía Nhật Bản có ông Watanabe Shige, Công sứ, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đại sứ quán; ông Kubo Yoshitomo, Phó Trưởng Đại diện JICA Việt Nam; ông Tsuyoshi Usagawa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kumamoto.

Về phía ĐHQGHN có Phó Giám đốc thường trực Nguyễn Hiệu, Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo Lê Văn Chiều, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật GS. Furuta Motoo.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Lê Quân và Đại sứ Ito Naoki một lần nữa khẳng định ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản ngài Ishiba Shigeru vào cuối tháng 4 vừa qua, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhật Bản đối với sự phát triển của Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN đồng thời khẳng định cam kết của hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng.

Trước đó, ngày 18/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 796/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Trường ĐH Việt Nhật. Mục tiêu chung của Dự án là đầu tư xây dựng mới Trường ĐH Việt Nhật - trường đại học hợp chuẩn quốc tế tại Việt Nam về công nghệ kỹ thuật tiên tiến và các khoa học liên ngành phục vụ phát triển bền vững; Đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, tạo tiền đề thuận lợi cho mô hình trường đại học xuất sắc với hệ thống quản trị đại học tiên tiến; Góp phần thực hiện chiến lược phát triển của ĐHQGHN, gia tăng các yếu tố cạnh tranh cho kinh tế tri thức của Việt Nam và đóng góp quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản.

Ông Ito Naoki khẳng định, Nhật Bản rất chú trọng hợp tác với Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là ngành bán dẫn. Ông bày tỏ vui mừng khi Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN đã xây dựng chương trình đào tạo bán dẫn và chính thức tuyển sinh vào năm nay. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam mong rằng ĐHQGHN sẽ tạo điều kiện để Trường ĐH Việt Nhật sớm đóng vai trò là một trong những đơn vị chủ chốt trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn trong thời gian tới. Đồng thời, ông cũng mong lãnh đạo ĐHQGHN sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện để Trường ĐH Việt Nhật hoàn thiện các thủ tục cho việc xây dựng cơ sở mới tại Hòa Lạc bằng khoản vay ODA Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Lê Quân cho biết, ĐHQGHN đã thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến trực thuộc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo. Sự ra đời của Viện không chỉ đánh dấu bước phát triển mới của ĐHQGHN trong lĩnh vực công nghệ cao mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn và vật liệu tiên tiến tại Việt Nam. Ông tin rằng, với những lợi thế sẵn có của mình như là đơn vị thành viên của ĐHQGHN, có sự hậu thuẫn rất lớn từ Chính phủ cùng với sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức Việt Nam, Nhật Bản, Trường ĐH Việt Nhật là một trong những đơn vị của ĐHQGHN đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực như bán dẫn, chuyển đổi số, từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.

Trao đổi về lĩnh vực hợp tác trong đào tạo bán dẫn, GS. Tsuyoshi Usagawa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kumamoto (Nhật Bản) cho rằng, Trường ĐH Việt Nhật cần tiến hành xem xét các nội dung giảng dạy chuyên ngành phù hợp cũng như hệ thống hỗ trợ của giảng viên từ các trường đại học Nhật Bản. Ông cũng lưu ý đến vấn đề thực hành, thí nghiệm, đạo đức nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ… Theo GS. Tsuyoshi Usagawa, hiện tại, do đặc điểm cơ cấu ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch tại Việt Nam nên trọng tâm phát triển sẽ thiên về giai đoạn thiết kế và các công đoạn phía sau trong chuỗi sản xuất (chẳng hạn như lắp ráp, kiểm thử, đóng gói…). Tuy nhiên, để sản xuất được các loại chip/vi mạch thế hệ mới, cần đến những công nghệ tích hợp nhiều lớp (multi-layer integration technologies). Những công nghệ này không tách rời từng công đoạn, mà liên kết chặt chẽ cả phần đầu (front-end) và phần sau (back-end) của quy trình sản xuất bán dẫn. Do đó, khi đào tạo nhân lực (giảng dạy), không thể bỏ qua phần kiến thức về công đoạn đầu và Trường ĐH Việt Nhật nói riêng, các cơ sở giáo dục Việt Nam nói chung có thể tận dụng kinh nghiệm, tri thức chuyên sâu và tích lũy lâu năm của Nhật Bản trong những lĩnh vực này để bổ sung cho quá trình đào tạo.

Giám đốc Lê Quân chia sẻ, là một trong hai đơn vị duy nhất tại Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng phòng thí nghiệm bán dẫn quốc gia phục vụ chế tạo vi mạch, ĐHQGHN cam kết phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu và đào tạo tiên tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia. Giám đốc Lê Quân cũng cho biết, ĐHQGHN không chỉ tập trung vào công đoạn thiết kế và đóng gói vi mạch mà còn chú trọng đào tạo toàn diện các quy trình chế tạo, bao gồm cả công đoạn đầu (front-end). Ông mong rằng, GS. Tsuyoshi Usagawa sẽ đồng hành và hỗ trợ việc xây dựng chương trình giảng dạy chuyên ngành bán dẫn phù hợp với Việt Nam. Sự hợp tác này sẽ giúp sinh viên Trường ĐH Việt Nhật nói riêng và sinh viên lĩnh vực bán dẫn trong ĐHQGHN nói chung tiếp cận các công nghệ tích hợp nhiều lớp trong quy trình chế tạo sản xuất, đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa các quy trình.

Sinh Vũ, Ảnh: Bình Nguyên