VNU Logo

VSEFI 2025: Nhiều nghiên cứu đột phá, giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực Tài chính, Ngân hàng, Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo

Ngày 10 và 11/7/2025, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp với Khoa Kinh doanh & Luật, Đại học Curtin (Australia), Trường Kinh doanh EMLV và Đại học Paris-Saclay (CH. Pháp), Trường Đại học HEC Montréal (Canada), tổ chức Hội thảo quốc lần thứ IV về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VSEFI 2025).

PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Giám đốc ĐHQGHN, phụ trách Trường Quốc tế, tham dự và phát biểu khai mạc tại hội thảo.

VSEFI là hội thảo quốc tế thường niên, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2022. VSEFI thực sự là diễn đàn học thuật uy tín, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia hàng đầu thế giới. Năm 2025, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 110 bài báo khoa học nộp từ các nhà nghiên cứu thuộc 41 quốc gia và 155 trường đại học và viện nghiên cứu trên toàn cầu. Đặc biệt, tham dự trực tiếp hội thảo có hơn 50 đại biểu, khách mời, chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ 49 trường đại học và viện nghiên cứu thuộc hơn 20 quốc gia. Tại hội thảo, có 45 bài thuyết trình, chọn lọc từ hơn 110 bài nộp, trình bày trong 15 phiên song song, nhấn mạnh các nghiên cứu đột phá và các giải pháp sáng tạo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Đào Thanh Trường nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những tiến bộ công nghệ phát triển nhanh chóng, sự bất ổn định về kinh tế cùng các thách thức toàn cầu, nhu cầu về đối thoại liên ngành và hợp tác giải quyết vấn đề trở nên cấp thiết. Hội thảo năm nay đã phản ánh tầm nhìn chung trong việc sử dụng tri thức, không chỉ nhằm thúc đẩy kinh doanh hay phát triển kinh tế, mà còn để nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng và trao quyền cho các thế hệ tương lai.

Hội thảo VSEFI 2025 có các chủ đề chính gồm: Ứng dụng AI, Dữ liệu lớn và Học máy trong Tài chính, ESG, Định giá tài sản, Doanh nghiệp gia đình, Tài chính doanh nghiệp và Quản trị, Tài chính kỹ thuật số và Ngân hàng, FinTech, Khởi nghiệp xã hội và bền vững, Tài chính khí hậu, Tài chính hộ gia đình…

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Định - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, Hội thảo năm nay diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi rất mạnh mẽ, với sự ứng dụng của AI trong các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội. Do đó, Hội thảo có rất nhiều bài chất lượng cao nói về xu hướng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi của hệ thống tài chính trên thế giới trong bối cảnh AI phát triển mạnh mẽ, có thể được đăng tại các tạp chí uy tín cao trên thế giới thuộc nhóm Q1, Q2. “Chúng tôi kỳ vọng về mặt nghiên cứu, Hội thảo sẽ là một cú hích trong cộng đồng học thuật để thúc đẩy đưa ra các ứng dụng trong thực tiễn”, PGS.TS Nguyễn Văn Định cho hay.

Tại VSEFI 2025, người tham dự có cơ hội nghe 2 bài thuyết trình của 2 diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng: Giáo sư Kose John - Giáo sư Tài chính và Ngân hàng tại Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, Hoa Kỳ; Giáo sư Wim Vanhaverbeke - Giáo sư Đổi mới & Khởi nghiệp số, Khoa Kinh doanh & Kinh tế, Đại học Antwerp, Bỉ.

Giáo sư Kose John  nhấn mạnh đến những vấn đề quan trọng liên quan đến sự ổn định của ngành ngân hàng và hệ thống tài chính…

GS. Kose John cho rằng các nghiên cứu có giá trị cao không nên chạy theo trào lưu các chủ đề được trích dẫn nhiều, vốn thường mang tính chu kỳ và có độ trễ, mà cần tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, có ảnh hưởng thực sự đến ngành ngân hàng. Ông nhấn mạnh hai chủ đề mang tính kết nối chặt chẽ cần được quan tâm là: ổn định ngân hàng và hệ thống tài chính, cùng với quản lý rủi ro hệ thống. Bài thuyết trình cũng khẳng định sự cần thiết phải thiết kế lại các cơ chế bảo hiểm tiền gửi và chính sách khuyến khích để giảm thiểu rủi ro hệ thống trong bối cảnh tài chính ngày càng phức tạp. Những chia sẻ của Giáo sư đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, đồng thời cung cấp bài học thực tiễn quý giá cho các học giả, nhà hoạch định chính sách và thực tiễn ngân hàng, trong nỗ lực xây dựng một hệ thống tài chính ổn định và bền vững hơn.

Giáo sư Kose John cho rằng các nghiên cứu có giá trị cao cần tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, có ảnh hưởng thực sự đến ngành ngân hàng

GS. Wim Vanhaverbeke nhấn mạnh công nghệ giúp chuyển đổi cách vận hành theo kiểu truyền thống sang hình thức hợp tác mới theo hướng hệ sinh thái. Theo ông, vai trò quan trọng nhất của công nghệ không chỉ là tối ưu hóa hiệu quả mà còn là kết nối các bên liên quan vào một khuôn khổ hợp tác thống nhất với độ trễ thấp, nhờ đó quản trị hiệu quả hơn. Ông minh họa bằng ví dụ ngành y tế, nơi các công nghệ số giúp phối hợp các khâu chẩn đoán, theo dõi bệnh nhân, điều trị và chăm sóc tại nhà giữa bệnh viện, bác sĩ, bệnh nhân, bảo hiểm và nhà quản lý. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận hệ sinh thái (ecosystem approach), nơi các tham số từ nhiều bên được căn chỉnh để hiện thực hóa giá trị cốt lõi. Ông định nghĩa hệ sinh thái là “cấu trúc căn chỉnh của tập hợp các tham số đa phương cần tương tác để một đề xuất giá trị cốt lõi được thực thi”. Bên cạnh những lợi ích rõ rệt của công nghệ số và cách tiếp cận hệ sinh thái, Giáo sư Wim Vanhaverbeke cũng chỉ ra một thách thức lớn: khả năng nhân rộng (scalability). Ông so sánh giữa B2C và B2B để nhấn mạnh sự khác biệt: trong B2C, các nền tảng số có thể mở rộng nhanh chóng vì chúng “nhẹ về tài sản” (asset-light) - chẳng hạn Uber không sở hữu xe, Airbnb không sở hữu phòng.

Tuy nhiên, trong B2B, tốc độ mở rộng của công nghệ số lại chậm hơn đáng kể, do đặc thù từng ngành đòi hỏi sự triển khai cụ thể tới từng đơn vị sản xuất hoặc dịch vụ. Ông chỉ ra ba ví dụ điển hình: trong nông nghiệp, công nghệ phải triển khai từng nông trại; trong y tế, từng bệnh viện; trong năng lượng, từng nhà cung cấp hay khách hàng. Đây là những ngành vốn gắn liền với cơ sở hạ tầng vật chất và quy trình phức tạp, đòi hỏi nhiều hơn sự điều phối và thích ứng theo từng hoàn cảnh. Như vậy, để đạt được hiệu quả và quy mô thực sự trong các ngành B2B, không chỉ cần đổi mới công nghệ mà còn cần sáng tạo trong mô hình kinh doanh, đồng thời thiết kế cơ chế hợp tác và quản trị phù hợp để thúc đẩy tốc độ mở rộng. Công nghệ, dữ liệu và quản trị hệ sinh thái do đó phải được phối hợp chặt chẽ để vượt qua rào cản này.

Đặc biệt trong phiên thảo luận đặc biệt năm nay, người tham dự hội thảo được gặp GS. Thái Thị Thanh Mai – Giám đốc chương trình Social Business Creation – HEC Montréal, Canada. Trong phần chia sẻ về chủ đề “Xuất bản nghiên cứu Khởi nghiệp & Quản trị – Góc nhìn thực tiễn từ Ban biên tập”, Giáo sư Thái Thị Thanh Mai đã cung cấp thông tin tổng quan về thực trạng, xu hướng, tiêu chí, thách thức và quy trình xuất bản học thuật. Những kiến thức này hoàn toàn phù hợp và có thể áp dụng cho lĩnh vực Khởi nghiệp và Quản trị. Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực sẽ có điểm nhấn riêng về động lực, tiêu chí đánh giá và cách định vị nghiên cứu trong quá trình xuất bản.

Thùy Diễm