ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 11:40:17 Ngày 13/09/2024 GMT+7
Giáo dục Đại học trước áp lực thương mại hóa
Thời gian gần đây trong nước đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận xung quanh vấn đề giáo dục là hàng hóa, mà thực chất là thị trường hóa, thương mại hóa giáo dục. Trước đây đã có một thời rộ lên chuyện kinh tế tri thức, được chào đón như cơ hội nghìn vàng để đi tắt đón đầu, đưa đất nước mau chóng vươn lên giàu có, thịnh vượng, nhưng rồi, sau những rạo rực ban đầu và nhiều mơ mộng trên mây, khi trở về thực tại, mọi sự lại lắng xuống, im ắng một cách dễ sợ, mặc cho giáo dục, khoa học là những thứ cốt tử trong kinh tế tri thức cứ tụt hậu dài dài. Nay lại đến lượt chuyện tự do hóa giáo dục đại học được coi như phép màu có khả năng cứu nền đại học của ta giống như “khoán mười” đã cứu nông nghiệp trước đây.

>>>> Bản tin số 254 (pdf)

>>>> Giáo dục Đại học trước áp lực thương mại hóa (pdf)

Cải tổ giáo dục đại học trên thế giới mấy năm gần đây.

Trong khi ở nước ta giáo dục đại học (GDĐH)  ì ạch từng bước nhọc nhằn, thì khắp nơi trên thế giới các đại học đang trải qua những biến động sâu sắc chưa từng có để thích ứng với toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế quyết liệt.

Cộng đồng châu Âu, Nhật bản, và ngay cả một vài nước ASEAN, đang nỗ lực cải tổ GDĐH nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các đại học, gắn kết đại học chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, trao quyền tự chủ rộng rãi và tự chịu trách nhiệm cho các đại học. Các nước trong Cộng đồng Châu Âu tổ chức lại nền đại học của họ theo những nguyên tắc đã thống nhất trong tuyên bố chung Bologna năm 1999 (chẳng hạn, tổ chức lại đại học theo khung 3-5-8 cho tương đồng với đại học Mỹ). Bên cạnh những trường bình thường, người ta đặt trọng tâm xây dựng những trung tâm xuất sắc, nhằm tăng uy tín và sức hút để cạnh tranh với các đại học Mỹ và giảm bớt, tiến đến chấm dứt dòng chảy chất xám sang Mỹ. Theo hướng đưa các phương pháp quản lý trong khu vực doanh nghịệp tư nhân vào khu vực GDĐH, các đại học được tăng quyền tự trị về mọi mặt, kể cả về tài chính và nhân sự, để hoạt động gần như một doanh nghiệp, tuy vẫn do Nhà nước cấp kinh phí nhưng có thể tự tìm thêm những nguồn tài chính bổ sung khác. Nhật là nước thực hiện các cải cách này triệt để nhất.  Bắt đầu từ tháng 4/2004, các đại học công của Nhật trở thành những đơn vị có quy chế pháp nhân của những tổ chức hành chính độc lập và từ nay giáo chức và nhân viên hành chính ở đại học công sẽ không còn thuộc biên chế công chức Nhà nước nữa. Một tổ chức đánh giá chất lượng được thiết lập và kinh phí cấp cho từng đại học sẽ căn cứ trên hiệu quả hoạt động theo sự đánh giá đó, nhằm buộc các đại học muốn tồn tại và phát triển phải quan tâm nhiều hơn nữa đến hiệu quả và chất lượng.

Ở châu Âu có rất ít đại học tư. Ở Nhật và Mỹ đại học tư nhiều hơn, nhưng ở Mỹ cũng chỉ chiếm khoảng 23% (về số sinh viên). Hầu hết các đại học tư ở các nước đều là tổ chức phi lợi nhuận (non-profit), không có cổ phần, nên cũng được Nhà Nước cấp một phần kinh phí. Dĩ nhiên họ được tự chủ hoàn toàn, như vậy,  sau khi cải tổ, các đại học công sẽ chỉ còn khác các đại học tư chủ yếu ở chỗ vẫn do Nhà nước quản lý, dù sự quản lý này đã được nới lỏng rất nhiều (như Hiệu trưởng vẫn do chính quyền bổ nhiệm). Vì thế cũng có khi sự cải tổ này được gọi là tư thục hóa  (privatisation), hay nửa tư thục hóa  (semiprivatisation), dù không hề có chuyện cổ phần hóa hay bán lại các đại học công cho tư nhân. Ở Mỹ, xu thế tư thục hóa kiểu đó cũng đã bắt đầu: năm 2004, đã có vài đại học công lâu đời (như đại học Virginia, đại học William and Mary, Virginia Tech) xin hưởng quy chế tự trị giống như đại học tư, và để đổi lại họ chịu rút bớt kinh phí tài trợ của Nhà nước.

Trước tình hình đó, dư luận xã hội ở các nước phản ứng ra sao? Tất nhiên có người hoan nghênh, nhưng không phải ai cũng thích thú. Tuy sự cần thiết cải cách thì đã rõ, song cải cách như thế đã đúng chưa thì vẫn còn nhiều nghi ngại, nhất là đối với những nơi chưa hội đủ các điều kiện kinh tế xã hội cần thiết. Đã có nhiều ý kiến hoài nghi, phản đối hay it ra, bày tỏ sự dè dặt, thận trọng. Ở Mỹ, nhiều người nói thẳng: giáo dục là vô cùng quý giá, nó còn đáng giá hơn là một hàng hóa nhiều, và chắc chắn không thể là một món hàng bán kèm, một thứ để khuyến mãi. Trong một báo cáo gần đây (tháng 2/2005) của nhóm nghiên cứu “Futures Poject: Policy for Higher Education in a Changing Word” ở Đại Học Brown, các tác giả viết: “Giáo dục đại học đang có nguy cơ từ bỏ sự cam kết truyền thống đối với các nhu cầu lâu dài của xã hội để chạy theo những lợi ích ngắn hạn. Đã đến lúc cần đảo ngược xu hướng này trước khi trượt đến một tình thế mà rồi sẽ rất khó khăn, nếu không phải là không thể, thay đổi…”

Nhiều người vẫn quan niệm sứ mạng giáo dục đại học không chỉ là đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, mặc dù đó là nhiệm vụ căn bản, mà ngoài ra còn phải quan tâm đến sự phát triển toàn diện con người, giúp cho sinh viên ý thức được vai trò của họ là những công dân và những thành viên có trách nhiệm của cộng đồng. Cho nên “tuy các phương pháp quản lý và hạch toán của doanh nghiệp rất có ích cho quản lý giáo dục đại học, song không thể biến giáo dục đại học thành một doanh nghiệp mà vẫn giữ được cho nó cái khiến nó khác biệt và đáng giá trước hết…”.

Do đâu có trào lưu tự do hóa giáo dục?

Có mấy nguyên nhân dẫn đến trào lưu tự do hóa GDĐH

Sự gia tăng mạnh số sinh viên đại học, khiến các đại học từ chỗ chỉ dành cho số ít đã chuyển thành cho số đông. Đối mặt với sự bùng nổ qui mô đó, khả năng tài trợ của Nhà nước ngày càng bị hạn chế, trong khi chi phí GDĐH không ngừng tăng, buộc Nhà nước phải tăng quyền tự chủ của các đại học công, cho phép họ tự tìm thêm mọi nguồn tăng thu, kể cả bằng cách xuất khẩu hay thu hút sinh viên ngoại quốc.  

Cuộc cách mạng công nghệ thông tin và xu thế kinh tế tri thức làm gia tăng nhu cầu tri thức cùng với khả năng mua bán tri thức qua mạng, và nhiều phương tiện điện tử khác, mở đường cho xu thế thương mại hóa một bộ phận giáo dục.

Trào lưu tân tự do (neoliberalism), khởi phát từ học thuyết của nhà kinh tế Mỹ Milton Friedman, chủ trương hạn chế đến mức thấp nhất vai trò của Nhà nước, sử dụng mạnh mẽ cơ chế thị trường trong quản lý GDĐH.

Sự gia tăng vai trò quốc tế của tiếng Anh, khiến nhiều nước chậm phát triển có  nhu cầu nhập khẩu giáo dục từ các nước Anh ngữ, và các nước này không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu giáo dục, tìm cách dỡ bỏ các rào cản trao đổi giáo dục xuyên quốc gia.

Song tác động quyết định là vai trò của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, WTO, OCDE, … trong khung cảnh toàn cầu hóa. Quá trình xác định lại (redefinition) sứ mệnh đại học khởi sự từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, đã dần dần phát triển thành những quan nịêm nền tảng cho các cải cách hiện nay. Trong công cuộc đó, các tổ chức quốc tế nói trên đã đóng vai trò đầu tàu khởi xướng, mặc dù không phải là những tổ chức có nhiệm vụ trực tiếp với giáo dục. Hầu hết các kế hoạch cải cách GDĐH hiện đang thực thi đều đã được vạch ra trong các khuyến cáo của các tổ chức nói trên cho các nước thành viên. Chẳng hạn, WTO đã chủ trì các cuộc bàn thảo về giáo dục là hàng hóa và dịch vụ mua bán được (tradable) và ký kết thỏa ước chung về trao đổi thương mại các dịch vụ (GATS, General Agreement on Trade in Services). Điều đáng chú ý là giáo dục là khu vực mà các thành viên WTO còn ngại tự do hóa nhất (theo OECD 2002, trong số 146 thành viên WTO chỉ có 42 thành viên đồng ý cam kết về ít nhất một khu vực giáo dục).

Những bài học cho GDĐH Việt Nam

Theo tôi, bài học tổng quát là trong khung cảnh toàn cầu hóa, cần duyệt lại, xác định lại sứ mệnh (nhiệm vụ) GDĐH, đường lối (triết lý, quan niệm, phương châm), sao cho phù hợp nhất với điều kiện mới của thế giới, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.  Điều này là cần thiết vì những thiếu sót bất cập của nền đại học của ta suy cho cùng bắt nguồn từ những mơ hồ về sứ mệnh và đường lối GDĐH trong tình hình mới.

Trước mắt cần phải cố gắng cao nhất phi tập trung hóa quản lý và tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đại học. Các đại học trên thế giới vốn đã được tự trị khá cao từ lâu, mà vẫn thấy bức thiết phải tăng cường tự trị thêm nữa mới bảo đảm hiệu quả hoạt động trong kinh tế thị trường ở thời toàn cầu hóa, thì ở Việt Nam, trong hàng chục năm qua, mặc cho nhiều kiến nghị của những người tâm huyết, cung cách quản lý đại học vẫn hết sức cũ kỹ. Đã đến lúc không nên chần chừ nữa mà phải khẩn trương phi tập trung hóa (phân cấp) mạnh mẽ quản lý, trao quyền tự quản rộng cho các đại học lớn, đồng thời thiết lập một cơ chế hậu kiểm và đánh giá có hiệu quả để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.  Cần phải nới lỏng rất nhiều quy định cứng nhắc về tuyển sinh vào đại học, tuyển nghiên cứu sinh cao học, tiến sĩ, quản lý tài chính, nhân sự, công nhận, tuyển dụng GS, PGS,… Cần phải trả về cho các đại học quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm trong hàng lọat các vấn đề ấy, làm sao cho quyền tự quản của các đại học lớn của Việt Nam không quá thấp so với các đại học ở nước ngoài.

Một vấn đề mấu chốt là việc quản lý, sử dụng đội ngũ giảng dạy. Trong cơ chế thị trường, có một nguyên tắc cần tôn trọng là đánh giá đúng năng suất người lao động và trả lương công bằng hợp lý.  Nhưng hiện nay, thầy giáo đại học của ta lương chính thức thấp xa so với mức sống hợp lý theo tính chất và vị trí công tác của họ trong guồng máy xã hội, cho nên bắt buộc họ phải xoay xở làm việc gấp 3-4 lần số giờ bình thường: dạy thêm, dạy sô, dạy liên kết,.. mới có được mức sống ấy. Cách sử dụng lao động chẳng những bất công mà cực kỳ lãng phí. Với chế độ lương như thế khó ai có thể tập trung vào công việc chính của mình. Dạy đại học mà hầu như không có thì giờ nghiên cứu khoa học, năm này qua năm nọ, trình độ vẫn không nhích lên nổi, thì làm sao có chất lượng được. Chính vì cách sử dụng như vậy nên đội ngũ giảng dạy đại học ngày càng già nua, lạc hậu với khoa học thế giới, chất lượng đào tạo quá thấp, không đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế. Hơn nữa, đó cũng chính là một nguyên nhân hạn chế khả năng phát triển quy mô đại học và đa dạng hóa các loại hình đại học theo nhu cầu của xã hội. Bài toán: chất lượng, quy mô, công bằng, với ba yếu tố không phải lúc nào cũng đồng hành nhịp nhàng - bài toán đó không thể có giải pháp thỏa đáng chừng nào còn chế độ sử dụng và trả lương cho giáo chức đại học như hiện nay.

Trong lúc nhiều vấn đề mấu chốt nêu trên của đại học còn chưa được giải quyết mà nhiều người đã muốn đặt cược tất cả vào giải pháp tự do hóa giáo dục đại học, phát triển đại học tư, cổ phần hóa đại học công, thì e rằng không thực tế và nếu không cẩn thận, kết quả dẫn đến có thể đẩy GDĐH tụt hậu thêm nữa.

Để hiểu rõ điều này cần biết ta muốn phát triển đại học tư kiểu nào. Nếu là kiểu trường tư vô vị lợi, như hầu hết trường tư ở các nước phát triển thì ngàn lần nên, và Nhà nước có chính sách tài trợ bao nhiêu cho những trường tư đó cũng đúng. Đó là cách xã hội hóa đúng nghĩa nhất, tức là để xã hội chia sẻ với Nhà nước chi phí, công sức, phục vụ cộng đồng. Trường tư như vậy phải được tự quản ngang như các trường tư ngoại quốc được phép mở ở Việt Nam, nghĩa là tự quản cả về nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, tuyển sinh, cấp phát văn bằng, và dĩ nhiên cả tài chính và nhân sự, bao gồm chế độ trả lương thầy giáo và thù lao cho các họat động giảng dạy và nghiên cứu, cũng như liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các chương trình đào tạo cần thiết. Với mức độ tự quản cao đó, trường tư sẽ có cơ hội thực hiện nhiều sáng kiến đổi mới về quản lý, tổ chức, nội dung, phương pháp đào tạo.

Còn nếu ta quan niệm trường tư phải được thu lợi nhuận (trường tư vị lợi), và kinh doanh giáo dục như hàng hóa, thì vai trò trường tư sẽ khác. Cần chấp nhận các trường tư ấy, nhưng không nên coi việc phát triển mạnh các loại trường tư ấy là chính, mà nên coi các trường tư ấy cũng như các lọai doanh nghiệp khác, để họ tự lo, không nên đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ đất đai, kinh phí,… Chuyện này cần rõ ràng, sòng phẳng, minh bạch để đảm bảo công bằng. Sự bình đẳng giữa công và tư chỉ nên hiểu là các bằng cấp đại học có giá trị đến đâu là tùy thuộc vào uy tín, chất lượng của từng trường, không phân biệt công hay tư. Đồng thời trường tư, dù vị lợi hay vô vị lợi, cũng nên được quyền tự quản như các doanh nghiệp tư nhân. Không nên như hiện nay, một mặt trường tư vì lợi nhuận vẫn đuợc Nhà nước hỗ trợ và ưu đãi, mặt khác lại chịu sự quản lý quá chặt chẽ và khi thấy cần thiết chính quyền có thể can thiệp sâu vào công việc quản trị nội bộ của họ (như cách chức, bổ nhiệm hiệu trưởng, giải thể, thành lập hội đồng quản trị, dù là tạm thời).

Chúng ta nên thận trọng và dù thế nào cũng không thể hiểu xã hội hóa giáo dục là biến giáo dục thành một ngành kinh doanh, phó mặc cho cơ chế thị trường tác động và khống chế. Ít ra cũng vì cái lẽ cơ chế thị trường rất tốt nhưng thường chỉ tốt trong tầm nhìn ngắn hạn, còn về lâu dài thì Nhà nước phải có tầm nhìn sáng suốt, thông minh, chứ không thể nhắm mắt chạy theo thị trường. Đừng để đục nước béo cò, dẫn đến cạnh tranh thiếu văn minh, không lành mạnh trong giáo dục.

 GS. Hoàng Tụy - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 392 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC