04:33:54 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Bèo bọt phận nhặt rác đêm
Họ là những người từ quê ra Thủ đô. Tài sản mà họ mang theo duy nhất chỉ là chiếc xe đạp cà tàng. Ngày cũng như đêm, họ bươn chải khắp hang cùng ngõ hẻm, nhặt nhạnh những thứ người ta vứt đi như vỏ chai nhựa, túi nilon... để đắp đổi cho cuộc sống bấp bênh của mình.

>>>> Bản tin số 254 (pdf)

>>>> Bèo bọt phận nhặt rác đêm (pdf)

Phải nhanh tay nhanh mắt

 

Những ngày đầu chưa quen mùi rác rưởi, mới chạm tay vào túi rác chị đã thấy buồn nôn. Bây giờ đâu có rác, chị chẳng nề hà. Ngày ngày cứ chập choạng tối, chị lại lao ra đường bắt đầu một cuộc mưu sinh đến 3-4 giờ sáng mới về. “Phải đi nhặt đêm vì lúc đó mới nhiều đồ để lượm! Trước khi đi mình ăn vội vàng bát cơm nguội, lúc về đến nhà cơm canh cũng nguội tiệt hết cả rồi, mấy khi được ăn tối cùng các con đâu”, chị phân trần. Những cái người ta vứt đi với người lượm rác đó đều là tiền. Đang đi trên đường, bỗng chị buột miệng: “Đây, tiền đây!”. Tôi chưa hiểu vì sao thì chị đã nhanh chóng tấp chiếc xe đạp cũ kỹ vào bên vệ đường rồi tiến đến gốc cột điện gần đó lượm những chiếc chai nhựa, lon bia lẫn trong đống rác. Cho nhanh “chiến lợi phẩm” vào bao tải, chị nói: “Làm nghề này không những chịu khó mà phải nhanh tay, nhanh mắt nữa!” 

Đã gọi là cái nghề tận cùng của nghèo khó, chị cũng nếm trải rất nhiều cay đắng, sự khinh khi của người đời. Dù sống bằng sức lao động chân chính, nhưng đôi lúc những con người khốn khổ ấy phải chịu mang tiếng là kẻ hay cắp vặt. Chị chua chát: “Nghề này là thế!”. Có lần, chị ghé vào một bịch rác trước cửa một ngôi nhà sang trọng. Đang lúi húi bới túi rác bỗng từ trên tầng hai một thau nước hắt vào mặt chị, ngay giữa đêm khuya lạnh lẽo. Nguyên do của sự tức giận đó là đêm qua cái sọt rác bằng nhựa của họ bị mất. Người ướt nhem, chị chỉ còn biết khóc vì tủi thân. “Những chỗ công cộng mình mới dám bới tung đống rác như thế để dễ bề chọn lựa và phân loại “sản phẩm” chứ trước nhà dân thì chị phải ý tứ, hỏi han được người ta đồng ý mới lấy, xong rồi dọn dẹp như cũ chứ không thì họ chửi, xịt lốp xe, thậm chí có nhà còn đánh, đòi thu xe nữa”, chị vừa bới rác vừa nói giọng đượm buồn. Nhiều lúc chị thấy nhục quá, chị định bỏ nghề này tìm một việc khác làm. Nhưng biết làm gì bây giờ?

Mong có thứ để nhặt!

Thấy chị làm, nhiều người cũng bắt chước. Không ít người đi đêm thử đã bỏ cuộc. “Theo cái nghề bần cùng này phải chấp nhận khổ, chịu khó chứ không thì khó mà làm được”, chị cho biết. Ngày thường khỏe mạnh thì không sao những khi trái gió, trở trời đau ốm cả tuần không đi nhặt rác được, mình phải vay mượn người quen đóng tiền ăn, tiền nhà. Tiêu hoang phí thì không dám, mẹ con chị thường động viên nhau cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn. Nhớ những lúc mưa dầm, gió bấc không có ai ở ngoài đường, một mình trơ trọi chị lại thấy tủi thân. “Bao năm nhặt rác, mình chỉ có những kỷ niệm buồn thôi, mệt mỏi lắm nhưng làm sao mà nghỉ được. Nghỉ là đói!”. Nhưng không phải là không có niềm vui. Chị kể rằng một lần đang bới rác thì thấy chiếc phong bì, mở ra thì có một tờ 500 nghìn đồng. Chị nghĩ đó là trời thương nên cho. Không ít lần chị được chủ nhà tốt bụng gọi vào cho bao nhiêu là giấy báo cũ, một chiếc nồi cơm điện vẫn còn dùng được. Bảy năm đi nhặt ve chai chị cũng đã tích góp được hơn 20 triệu đồng gửi tiết kiệm ngân hàng phòng khi đau ốm.

Trời càng lúc càng về khuya, ánh đèn cao áp càng soi rõ dáng thấp bé, hao gầy của chị. Nếu ví chị là những cánh cò, cánh vạc đêm thì cũng không ngoa chút nào. Vừa cùng chị nhặt rác, tôi hỏi đi đêm tối một mình thế này, liệu chị có sợ bị hiểm nguy? “trấn lột thì chưa nhưng gặp những bọn vớ vẫn, gạ gẫm mình thì nhiều lắm! Ngõ hẻm nào vào mà như vậy thì lần sau mình không dám đến nữa”, chị đáp lại tôi trong tiếng thở dài.

Khoảng 12 giờ đêm, chiếc xe đạp cũ kỹ của chị đã chất đầy những thứ “hầm bà lằng”. Đó là thành quả sau những giờ mệt nhọc mà chị có được. Tôi theo chị đi tới một vựa thu mua ve chai trên đường Lương Thế Vinh để cân hàng. Trong lúc chờ đợi chị xong việc, tôi bắt gặp từng tốp hai đến ba người mang “hàng” về. Họ đa số là phụ nữ, người thì giọng Bắc, người trọ trẹ giọng miền Trung. Họ vác những cái bao nặng xuống xe, mang vào cân, nhận tiền rồi vội vã đi tiếp. Trong nhóm nhặt rác có người tên Dũng (50 tuổi) quê Thanh Hóa có 4 người con đang tuổi ăn học. Công việc chính của ông là phụ hồ nhưng tối đến lại làm nghề nhặt rác. Dừng vội chiếc xe đạp cọc cạch, ông mang những gì mình thu lượm được vào cân. Của nào tiền ấy, bìa cac-ton 3500 đồng/kg, giấy viết 11000 đồng/kg, sắt vụn 9000 đồng/ kg, nhựa 7000 đồng/kg… “Nhiều thế mà được có trăm ngàn!”, ông Dũng tặc lưỡi. Tuy nhiên, không phải thứ gì lượm được cũng có thể bán ngay mà còn phải mang về phân loại. “Tôi ngày trước cũng là người đi bới rác, may điều kiện khấm khá hơn nên mở vựa này mua lại hàng cho chị em nên đỡ vất vả hơn chút. Là người trong nghề với nhau nên khi cân hàng tôi cũng “cân tươi” hơn để họ kiếm thêm chút tiền!”, chị Trâm, một chủ vựa ve chai nói. Nói là vựa ve chai cho “oai” chứ thực ra đó cũng chỉ là một mái hiên người quen cho mượn. Hằng đêm, chị ngồi ở đây đến 4 giờ sáng để thu gom hàng.

Lấy tiền xong, đám đông nhanh chóng chia mỗi người một ngả tiếp tục ca hai. Lần này, tôi được chị Anh giới thiệu đi theo cô Mừng (quê Xuân Trường, Nam Định). Theo chân cô vào một con hẻm vắng teo vắng ngắt. Nhìn cô cặm cụi bới móc trong cái thùng rác những thứ dơ bốc mùi hôi thối mà xót xa. Từ trong đó, những con gián gớm ghiếc, chuột cống chạy tán loạn. Cái thùng rác này chắc có ai đó nhặt trước rồi nên cô đành thất vọng vì không còn gì nhặt được nữa: “Đành qua chỗ khác thôi”. Cô Mừng làm nghề này đến nay được 10 năm. Ngày làm giúp việc, tối đi nhặt rác. Công việc rất vất vả và hại sức khỏe nhưng cô vẫn gắng gượng để kiếm cho bằng được 5-6 triệu đồng/tháng mới đủ trang trải thuê nhà và gửi cho hai cậu con trai đang học ĐH Thủy sản Nha Trang cùng con gái út học cấp 3 ở nhà. Vừa bới rác, mắt cô như sáng lên khi nói về những đứa con của mình: “Tôi sẽ làm cho đến lúc nào cả ba đứa con ra trường mới thôi. Thằng con trai cả hứa ra trường kiếm được việc rồi đón mẹ và em vào trong đó sống”.

Trên đường theo cô Mừng, tôi còn bắt gặp hai cô gái còn khá trẻ. Người đẩy xe, người lom khom bới rác. Nhờ cô Mừng lân la hỏi chuyện, tôi mới biết đó là hai chị em đều là sinh viên đại học. Gia cảnh khốn khó, lại học cả ngày không biết làm gì nên đi lượm rác đêm kiếm tiền. Tôi hỏi tên, chụp ảnh nhưng chị em họ không nói thêm gì mà rảo bước nhanh vào ngõ vắng. “Làm nghề này ai mà chẳng mặc cảm nên giấu thân phận mình cũng phải thôi”, cô Mừng cho hay.

 

Quê ở Ninh Bình, thuở nhỏ chị Vũ Thị Anh đã gặp nhiều bất hạnh. Lớn lên chị lấy phải một người chồng không ra gì. Có với nhau được 3 đứa con nhưng ông chồng chẳng lo làm ăn mà suốt ngày nhậu nhẹt, đánh đập mẹ con chị. Không chỉ vậy, “đức lang quân” của chị còn nhẫn tâm đòi bán con để lấy tiền tiêu xài. Cực chẳng đã, chị đành phải ly thân rồi mang con tha hương khắp Hà Nội. Nghèo quá, chẳng biết làm gì giữa cái thành phố “người khôn của khó” này, chị được người quen giới thiệu đi làm quét dọn chợ Phùng Khoang (Hà Đông). Được hai tháng, thấy công việc vất vả mà chẳng kiếm nổi “đồng tiền bát gạo” chị chuyển nghề lượm, nhặt những thứ người ta vứt đi để kiếm sống qua ngày. Đến nay, chị đã có 7 năm trong nghề nhặt rác. Những hang cùng, ngỏ hẻm ở Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Từ Liêm,… chị thuộc như lòng bàn tay. Công cụ hành nghề của chị cũng chỉ có chiếc xe đạp được người chủ nhà cho cùng một chiếc móc bằng sắt. Chị nói: “Chằng nghề nào bần cùng, khốn nạn như nghề này. Người ta gọi chúng tôi là lũ dơ dáy vì suốt ngày người hôi hám, bươi móc rác rưởi”.

 Duy Hồ - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC