Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, đơn vị thành viên và trực thuộc hai ĐHQG. Trong thời gian qua, hai ĐHQG tiếp tục giữ vững thành tích và không ngừng cải thiện nâng cao vị trí trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. ĐHQGHN và ĐHQG Tp.HCM đã ký kết Hiệp định vay phụ và Hợp đồng cho vay lại vốn nước ngoài Dự án Phát triển các Đại học quốc gia Việt Nam. Hiệp định vay phụ và Hợp đồng ủy quyền cho vay lại được ký kết, thực hiện là cơ sở cho việc giải ngân rút vốn cho dự án, góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển của hai ĐHQG, đảm bảo dự án triển khai theo đúng tiến độ, qua đó giúp dự án đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Ngoài ra, khoản vay lại từ Hiệp định tài trợ của Ngân hàng Thế giới sẽ giúp xây dựng mô hình đại học đổi mới sáng tạo trong cách mạng công nghiệp 4.0, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Nhà nước và Chính phủ về xây dựng các đại học nghiên cứu tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đồng thời, hai bên đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Hợp tác phát triển tại ĐHQGHN cơ sở Hòa Lạc; tái khởi động Chương trình học bổng “The Ryoichi Sasakawa Young Leaders Fellowship Fund (SYLFF) Program” giai đoạn mới. Theo Giám đốc ĐHQG Tp.HCM Vũ Hải Quân, trong một năm qua, hai ĐHQG đã từng bước khẳng định vị thế, vai trò nòng cốt của mình trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định rất rõ vai trò của hai ĐHQG thông qua các nghị quyết, chương trình hành động, văn bản chỉ đạo. Cụ thể, Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đề cập đến ĐHQGHN. Theo đó, Nghị quyết khẳng định việc tăng cường đầu tư, phát triển ĐHQGHN theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước. Giám đốc Vũ Hải Quân cũng cho biết, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có những định hướng hết sức quan trọng cho ĐHQG Tp.HCM. Đó là phát triển ĐHQG Tp.HCM thuộc nhóm các đại học hàng đầu châu Á. Đồng thời, Chương trình hành động của Chính phủ đã giao cho ĐHQG Tp. HCM xây dựng đề án phát triển trở thành đại học trong nhóm hàng đầu châu Á. Giám đốc ĐHQG Tp.HCM lưu ý, tháng 5 vừa qua, Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc thực hiện mô hình Đảng lãnh đạo toàn diện đối với các đơn vị sự nghiệp trung ương. Văn bản này đều nhắc tên hai ĐHQG. Ông Vũ Hải Quân cho biết, thành công tiếp theo là cả hai ĐHQG đều tham gia hết sức tích cực, sâu sắc trong việc xây dựng các nghị quyết mới, tổng kết các nghị quyết của Đảng. Ông lưu ý thêm, một thành công khác của hai đơn vị liên quan đến Luật Thi đua, khen thưởng đó là lần đầu thực thể của ĐHQG được xuất hiện trong một dự án luật và đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, giám đốc ĐHQG có thẩm quyền trình các cơ quan hữu trách ký các văn bản ra quyết định về khen thưởng. Giám đốc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân và Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chủ trì hội nghị Theo Giám đốc ĐHQG Tp. HCM, thách thức đầu tiên liên quan Nghị định về ĐHQG và Luật Thi đua khen thưởng. “Mặc dù Luật Thi đua, khen thưởng mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2024 nhưng nghị định về luật này chưa theo sát những mong muốn của hai ĐHQG. Đặc biệt trong việc hai ĐHQG được Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương công nhận các danh hiệu thi đua khen thưởng của ĐHQG để tích lũy cho các danh hiệu khen thưởng cao hơn” - ông Quân nói. Ông Vũ Hải Quân cho rằng, thách thức tiếp theo của hai đơn vị là hoạt động gắn kết, hợp tác. Các chương trình phối hợp chung chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của lãnh đạo hai ĐHQG. Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đánh giá, trong thời gian qua, hai ĐHQG đã phối hợp thường xuyên trong các công tác, đặc biệt là trong quản trị nội bộ. Không chỉ ở cấp lãnh đạo mà các ban, đơn vị thành viên, trực thuộc của hai đơn vị đã phối hợp thường xuyên và triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ cùng nhau. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho rằng, trong thời gian tới, hai ĐHQG tích cực hoàn thiện dự thảo Nghị định về ĐHQG. Hai bên cùng xây dựng khung chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương thuộc diện Ban Thường vụ Đảng ủy ĐHQG quản lý. Hai ĐHQG tiếp tục phối hợp kiến nghị cấp trên về việc điều chỉnh, bổ sung và làm rõ việc sử dụng các danh hiệu thi đua khen thưởng cấp ĐHQG trong việc tích lũy, xem xét khen thưởng cấp cao hơn tương tự như cơ quan thuộc Chính phủ vào Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thi đua khen thưởng. Giám đốc Lê Quân cho biết thêm, hai ĐHQG sẽ ban hành khung quy chế phối hợp giữa hội đồng trường thành viên, đảng ủy và ban giám hiệu của các trường thành viên trong hai ĐHQG. Đây là khung quy chế thể hiện sự công khai, minh bạch, mang tính chất hoạt động điển hình, rộng khắp trong cả hai ĐHQG. Tiềm năng hợp tác giữa hai ĐHQG còn rất lớn, đặc biệt là trong việc triển khai các đề án đào tạo trọng điểm phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước. Chính vì vậy, các ban chức năng, đơn vị thành viên và trực thuộc của hai ĐHQG cần tích cực, chủ động trao đổi và làm việc thường xuyên, đây là điều kiện cốt lõi quyết định sự thành công của các hoạt động hợp tác. Trình bày các hoạt động hợp tác dự kiến của hai ĐHQG, ông Nguyễn Đình Tứ - Chánh Văn phòng ĐHQG Tp.HCM cho biết, trong năm học tới, hai ĐHQG tiếp tục góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định về ĐHQG và dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục đại học thành viên để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định. Hai bên sẽ xây dựng các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên và học viên, thực tập sinh; Tiếp tục trao đổi kinh nghiệm xây dựng bài giảng trực tuyến các môn chung, nghiên cứu xây dựng hướng dẫn để sinh viên hai ĐHQG có thể thí điểm tham dự học các môn chung theo hình thức trực tuyến; Trao đổi kinh nghiệm về quản lý việc xây dựng, mở mới các ngành đào tạo, nhất là các ngành đào tạo thí điểm giữa hai ĐHQG. Hai bên cũng đề xuất tổ chức Hội nghị Giao ban công tác Đảm bảo chất lượng giữa hai ĐHQG nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa về công tác ĐBCL. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hợp tác triển khai chung: (1) Cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên với cuộc thi chung kết giữa hai bên; (2) Tiếp tục triển khai chương trình KHCN về vật liệu bán dẫn, chip. Hai bên phối hợp triển khai chương trình và nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới thông qua hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu và đào tạo nhân tài về công nghệ sinh học. GS.VS Đào Trọng Thi – nguyên Giám đốc ĐHQGHN, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội một lần nữa khẳng định mô hình ĐHQG chắc chắn là khác biệt và là một mô hình đại học hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển đại học thế giới. Theo ông, hai ĐHQG có những đặc trưng cơ bản sau: Một là có cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực; Hai là phải đào tạo và nghiên cứu khoa học với chất lượng cao, trình độ cao để từng bước tiệm cận khu vực và quốc tế; Ba là được ưu tiên đầu tư trọng điểm và được thực hiện cơ chế tự chủ cao trong các hoạt động. Điều quan trọng mà GS.VS Đào Trọng Thi nhấn mạnh khi nhắc đến quyền tự chủ cao của 2 ĐHQG đó là mô hình này giúp cho các ĐHQG thử nghiệm những chủ trương mới, quy định mới, giúp ích lớn cho sự phát triển của giáo dục đại học nước nhà. Trên cơ sở qua thử nghiệm của hai ĐHQG, nhiều quy định áp dụng dành riêng cho ĐHQG sẽ được mở rộng cho tất cả các trường đại học khác ở Việt Nam trong tương lai. Ông đã dẫn chứng rằng nhiều quyền trước đây chỉ dành cho ĐHQG thì nay đã được giao cho các trường đại học khác như tự chủ tuyển sinh, in bằng, ký bằng tiến sĩ, thạc sỹ… Trên cơ sở tấm gương của các ĐHQG, Luật Giáo dục Đại học đã trao thêm các quyền tự chủ cần thiết cho các trường đại học khác. ĐHQG đã thực hiện tốt trách nhiệm của người mở đường, là đầu tàu đổi mới giáo dục Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQGHN Mai Trọng Nhuận cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan, hai ĐHQG cần xem xét cả nguyên nhân nội tại để tăng hiệu quả hoạt động. Ông kiến nghị, cần tăng thêm đóng góp của ĐHQG với năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia và năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, phát triển các sản phẩm KHCN trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Hai ĐHQG cần có thêm các sản phẩm, chương trình khoa học công nghệ lớn, mang tầm vóc quốc gia; ươm tạo các nhà khoa học trẻ tiềm năng để phục vụ công tác thu hút cán bộ trình độ cao, chất lượng cao; đề xuất các quy chế, quy định mang tính nội bộ, vượt trội, đặc thù, làm mô hình mẫu cho các đơn vị khác, ví dụ như Quy chế phối hợp giữa cấp ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu trường đại học thành viên của ĐHQG. Ông Trần Lê Quan – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Tp. HCM cho rằng, hai ĐHQG cần tiếp tục kiến nghị với Chính phủ có cơ chế đặt hàng cho những ngành đào tạo khoa học cơ bản, vốn là những ngành rất quan trọng và cần thiết của đất nước nhưng do sức hấp dẫn không bằng những ngành công nghệ mũi nhọn nên tuyển sinh khó khăn, dẫn đến chất lượng đầu vào không như mong muốn. Ông cũng kiến nghị hai bên nên có thêm giao ban các ban chức năng cũng như các đơn vị thành viên để có những chia sẻ sâu hơn về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, cần xây dựng các chương trình hợp tác trong nghiên cứu giữa các nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy giao lưu về KHCN, hợp tác nghiên cứu bền vững hơn. Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN Vũ Hoàng Linh chia sẻ thông tin về tiềm năng của trường về đào tạo và nghiên cứu công nghệ sinh học. Ông cũng mong rằng, hai ĐHQG sẽ sớm triển khai hoạt động trao đổi sinh viên, đặc biệt là sinh viên các ngành khoa học cơ bản. Tại hội nghị, các đại biểu được nghe và thảo luận các báo cáo chuyên đề từ hai ĐHQG gồm: Quá trình xây dựng Nghị định và Quy chế tổ chức, hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục đại học thành viên; Quy chế phối hợp giữa cấp ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu trường đại học thành viên của ĐHQG; Triển khai đào tạo trực tuyến các môn chung ở ĐHQG; Xây dựng chương trình hành động của hai ĐHQG thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Các tin liên quan: - Hợp tác giữa hai Đại học Quốc gia: Cùng phát huy các nguồn lực, cộng hưởng thế mạnh để phát triển bứt phá, nâng cao vị thế - ĐHQGHN và ĐHQG Tp.HCM: phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai đơn vị cùng giải quyết các vấn đề thực tiễn, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế - ĐHQGHN và VDB: Đồng hành trong phát triển các dự án đầu tư xây dựng tại Hòa Lạc - “Hợp tác để phát triển là một trong những yêu cầu sống còn của giáo dục đại học” |