Motif nào cho kiến trúc đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc?
Thời gian qua, ĐHQGHN đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án thành phần. Tuy nhiên, với 13 dự án thành phần do nhiều chủ đầu tư, nhiều đơn vị tư vấn cùng thực hiện, việc đảm bảo tính chỉnh thể, thống nhất trong quy hoạch, thiết kế, đặc biệt định hướng được motif kiến trúc chung mang tính tiêu biểu cho khu đô thị ĐHQGHN là công việc khó khăn, đòi hỏi sự tâm huyết của các chuyên gia, các nhà tư vấn thiết kế có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch và tổ chức quản lý hữu hiệu. Với những mong muốn nêu trên, ngày 13/3/2008, ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo về motif kiến trúc chung cho khu đô thị ĐHQGHN tại Hoà Lạc. Có một số bài tham luận bằng văn bản, ngoài ra các chuyên gia, các nhà tư vấn đã nhiệt tình trao đổi, phát biểu tại Hội thảo nhằm đưa ra một số gợi ý khi thiết kế quy hoạch chi tiết và thiết kế công trình cho Dự án ĐHQGHN tại Hoà Lạc.
Mặc dù motif kiến trúc chung cho khu đô thị ĐHQGHN tại Hoà Lạc chưa được các nhà chuyên môn làm sáng tỏ (các bài phát biểu tại Hội thảo mới dừng ở trình bày nguyên lý, lý thuyết, ý tưởng kiến trúc cho đô thị ĐHQGHN tại Hoà Lạc và giới thiệu năng lực, kinh nghiệm tư vấn của mình), nhưng cuộc hội thảo này hết sức hữu ích vì nó đã mang lại cho các nhà quản lý, các chủ đầu tư, các Ban QLDA, các nhà tư vấn thiết kế những gợi ý và định hướng khi thiết kế quy hoạch chi tiết và thiết kế công trình của các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc như sau:
Dự án cần chắt lọc và thấm nhuần các tinh hoa bản sắc dân tộc và kiến trúc truyền thống, không đi theo xu hướng lạm dụng các chi tiết hiện hữu mang tính vật thể của truyền thống. Tính cộng đồng, tính nhân văn, sự hoà hợp với thiên nhiên, những nét tinh hoa của văn hoá và hệ tư tưởng của dân tộc là những yếu tố mà khi thiết kế các nhà tư vấn nên khai thác sử dụng.
Dự án cần ứng dụng triệt để các tiện ích của công nghệ thông tin và tự động hoá để đô thị ĐHQGHN tại Hoà Lạc thực sự là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học -công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao hàng đầu của cả nước và dần đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hình thức kiến trúc các công trình phải đảm bảo tính đa dạng, phong phú trong một quy luật thống nhất hoặc ngược lại là phải thống nhất, tổng thể trong sự phong phú, đa dạng của các hình thái kiến trúc.
Một trong các ý tưởng có thể khai thác cho các công trình của ĐHQGHN là tạo không gian kiến trúc phù hợp với yêu cầu của giáo dục đại học tiên tiến, tạo điều kiện thúc đẩy sáng tạo, giao lưu, hợp tác đó là kiến trúc xanh, kiến trúc mở, được đặc trưng bởi sự hoà đồng với thiên nhiên, cây cỏ, hồ nước, đồi núi... tận dụng không khí, ánh sáng của khu Hoà Lạc để tiết kiệm năng lượng. Với mật độ xây dựng thấp, địa hình bán sơn địa, các công trình trong khu đô thị ĐHQGHN không nên quá cao tầng và đô thị ĐHQGHN cần trở thành một đô thị đại học thông minh trong công viên và công viên trong đô thị đại học thông minh. Tính bản địa trong kiến trúc các công trình cần toát lên ở tính chất của khu vực bán sơn địa có địa hình đồi thấp xen với các hồ nước.
Các công trình không nên áp đặt máy móc hình thức kiến trúc truyền thống bằng các chi tiết kiến trúc cụ thể hoặc nhại kiến trúc cổ, các hình thức kiến trúc này hiện dư luận xã hội và giới chuyên môn đang phê phán nhiều ở một số công trình.
Tính dân tộc trong kiến trúc
Trong thực tế các nhà tư vấn thiết kế hiện nay đang rất lúng túng trong việc tìm kiếm những yếu tố mang tính dân tộc, biểu tượng quốc gia, phần nhiều có xu hướng nhại truyền thống bằng mái dốc, kiến trúc Pháp cổ một cách máy móc. Do vậy, ĐHQGHN cần tránh những xu hướng sai lầm trên, chúng ta cần những nghiên cứu tìm tòi mang tính học thuật cơ bản kết hợp với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt với xu thế toàn cầu hoá, nguy cơ khủng hoảng năng lượng như hiện nay, việc đưa ra một motif kiến trúc an toàn, bền vững, hoà nhập với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và độc đáo về mặt ý tưởng cũng sẽ là những gợi ý tốt cho công tác quy hoạch, thiết kế và xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc.
Mỗi dự án thành phần có một hình thái kiến trúc hoặc phương án tổ chức không gian riêng theo tính chất và công năng sử dụng của mình, nhưmg được nằm trong một tổng thể kiến trúc chung đặc thù cho khu đô thị ĐHQGHN tại Hoà Lạc. Hình thái và biểu tượng có thể được khai thác sử dụng dưới dạng một thành phần hoặc công trình kiến trúc, một dạng tổ hợp không gian, một hình thức sân vườn, một gam mầu hoặc vật liệu đặc trưng được sử dụng… Những hình thái và biểu tượng có chiều sâu lại cần phải được nghiên cứu một cách cụ thể và khoa học, được thể hiện bằng ngôn ngữ kiến trúc.
Ý kiến của các kiến trúc sư
Tập đoàn tư vấn HOK
Đại diện Tập đoàn tư vấn HOK chủ yếu giới thiệu về tổ chức, phạm vi hoạt động cũng như kinh nghiệm thiết kế trên 200 trường đại học trên thế giới của HOK, đồng thời cũng giới thiệu những ý tưởng chủ đạo khi thiết kế điều chỉnh quy hoạch chung TL 1/5000 cho ĐHQGHN tại Hoà Lạc, đó là quy hoạch hướng tâm, lấy khu Trung tâm ĐHQGHN làm trung tâm đô thị đại học, nhắc lại motif hồ Hoàn Kiếm là trung tâm của Hà Nội. Ngoài ra, đại diện HOK đã trình bày một số nguyên lý thiết kế trường đại học trong xu thế toàn cầu hoá và sự phát triển của công nghệ thông tin, các yếu tố địa hình, địa chất, tự nhiên vi khí hậu của khu vực Hoà Lạc ảnh hưởng đến quá trình thiết kế ĐHQGHN cũng như đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường của toàn khu đô thị ĐHQGHN.
KTS. Võ Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh)
Với một đề tài khá thú vị và hữu ích, đó là khai thác tối đa các yếu tố tự nhiên, khí hậu, môi trường để đưa vào thiết kế công trình nhằm tiết kiệm tối đa năng lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao trong quá trình khai thác sử dụng công trình, sử dụng các nguyên vật liệu địa phương đưa vào thiết kế nhưng vẫn đáp ứng được tính hiện đại trong kiến trúc mà đậm đà bản sắc dân tộc. Những ý tưởng của KTS. Võ Trọng Nghĩa là những gợi ý tốt cho quá trình thiết kế các công trình tại Hoà Lạc, nơi có điều kiện thời tiết, vi khí hậu không được thuận lợi.
GS.TS Trương Quang Hải - Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN
Tuy không phải là chuyên gia tư vấn thiết kế, nhưng GS.TS Trương Quang Hải đã tham dự Hội thảo với một bài tham luận dưới góc nhìn của một nhà Xã hội học, đó là đưa ra những nguyên tắc thiết kế quy hoạch và thiết kế đô thị nói chung và đô thị ĐHQGHN nói riêng như:
- Đảm bảo tính chỉnh thể, thống nhất trong quy hoạch thiết kế, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài, có tính đến tiềm năng cho sự phát triển năng động của ĐHQGHN trong từng giai đoạn;
- Đảm bảo phân bố hợp lý các khu chức năng, đáp ứng yêu cầu cao về nghệ thuật bố cục và tổ chức không gian, kết hợp được những thành tựu quy hoạch và kiến trúc hiện đại với tinh hoa truyền thống kiến trúc dân tộc;
- Quy hoạch và thiết kế xây dựng phải đồng bộ, hiện đại, hiệu quả sử dụng cao;
- Quy hoạch chi tiết và thiết kế cảnh quan phải hài hoà với cảnh quan thiên nhiên, đặc biêt phải phù hợp với điều kiện địa hình và thuỷ văn trong khu vực, đảm bảo tính bền vững của môi trường tự nhiên.
TS.KTS Hoàng Hữu Phê - Giám đốc Công ty R&D Vinaconex
Bản tham luận đề cập đến những nguyên lý thiết kế trường đại học hiện đại, đó là tổ chức không gian học tập, nghiên cứu, sinh hoạt một cách hữu cơ, liên hoàn tạo cho người dạy và người học có được tinh thần thoải mái nhất, thuận lợi nhất trong sử dụng và sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong dạy và học.
TS.KTS Trần Thanh Bình - Viện trưởng Viện nghiên cứu thiết kế trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Viện nghiên cứu thiết kế trường học là đơn vị đã thực hiện công tác lập Quy hoạch chung và lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc. Với kinh nghiệm hơn 20 năm nghiên cứu, thiết kế trường đại học trên cả nước TS.KTS Trần Thanh Bình đã trình bày nguyên lý tổ chức không gian, công năng sử dụng và dây chuyền công nghệ trong các trường đại học và đóng góp một số ý tưởng thiết kế đối với Dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hoà Lạc.
TS.KTS Hoàng Hải - Trưởng Ban QLDA QG-HN 05, ĐHQGHN(*)
Bản tham luận đề cập đến việc nghiên cứu xây dựng các định hướng tạo lập bản sắc kiến trúc đô thị ĐHQGHN tại Hoà Lạc. Với mong muốn không gian đô thị ĐHQGHN mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, trở thành hình mẫu của một đô thị trí thức, mang tính nhân văn cao, là không gian giao tiếp, hội tụ đầy đủ các hoạt động của xã hội trong đó có giáo dục, đào tạo, văn hoá, nghệ thuật, truyền thống dân tộc.
(*) Xem lược ghi bài tham luận “Tạo lập bản sắc kiến trúc” củaKTS Hoàng Hải trên số báo này. |