Tham dự buổi làm việc, về phía ĐHQGHN có Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên Võ Thị Minh Trang, Bí thư Đoàn Thanh niên Hứa Thanh Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hoa Ngọc Sơn.
Về phía ĐH Phúc Đán có Bí thư Đoàn Thanh niên Phan Tiểu Nam; Phó Bí thư Đảng uỷ, Viện Quan hệ quốc tế và Hành chính công Vương Anh Hạo; Phó Trưởng phòng Quan hệ quốc tế Chu Dĩ Phi; Viện trưởng Viện Chính trị quốc tế, Chủ tịch Uỷ ban Chuyên gia quốc tế YICMG Trịnh Vũ.
![]() |
Phó Chủ tịch Hội đồng, Phó Bí thư Đảng uỷ ĐH Phúc Đán GS. Tiền Hải Hồng và Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN PGS. Nguyễn Hiệu |
Phó Giám đốc thường trực Nguyễn Hiệu chia sẻ, trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, ĐHQGHN tiếp tục được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tin tưởng, giao phó nhiều trọng trách lớn. ĐHQGHN đang bước vào giai đoạn phát triển với tầm nhìn toàn cầu, hướng tới trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo uy tín của khu vực và thế giới. Ông cũng cho biết, vừa qua, Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định về việc phê duyệt Danh mục công nghệ ưu tiên đầu tư giai đoạn 2025 - 2035, gồm các lĩnh vực: Công nghệ chip bán dẫn; Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (AI và Big Data); Công nghệ robot và tự động hóa; Công nghệ y - sinh tiên tiến; Công nghệ lượng tử; Công nghệ năng lượng và vật liệu tiên tiến; Nông nghiệp thông minh; Công nghệ môi trường và phát triển bền vững. Đây là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển ĐHQGHN trở thành đại học đổi mới sáng tạo, tiên phong trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Phó Giám đốc thường trực Nguyễn Hiệu bày tỏ, là các đại học trọng điểm của Việt Nam và Trung Quốc, ĐHQGHN và ĐH Phúc Đán chia sẻ nhiều điểm tương đồng về mô hình, định hướng đào tạo và nghiên cứu cũng như cam kết đổi mới sáng tạo và quốc tế hóa giáo dục. Đây chính là nên tảng để hai đại học cùng nhau phát triển các sáng kiến hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, giao lưu văn hóa, trao đổi cán bộ và sinh viên. Ông mong rằng, hai đại học sẽ phát triển các hoạt động hợp tác trong phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học cơ bản, một số ngành mũi nhọn, bồi dưỡng nhân tài và thúc đẩy quốc tế hóa.
![]() |
GS. Tiền Hải Hồng bày tỏ ấn tượng với vị thế học thuật và vai trò dẫn dắt của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đồng thời, bà cho biết ĐH Phúc Đán mong muốn đẩy mạnh hợp tác thực chất trên các lĩnh vực đào tạo liên kết, trao đổi sinh viên và giảng viên, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, xây dựng nhóm nghiên cứu chung và đồng tổ chức hội thảo quốc tế. Bà cũng mong rằng, cùng với việc tiếp tục đồng hành tổ chức Cuộc thi Sáng kiến Thanh niên về Quản trị và Phát triển khu vực Lan Thương - Mê Kông (YICMG), hai đại học sẽ triển khai nhiều hoạt động cho thanh niên nhằm tăng cường giao lưu, học hỏi lẫn nhau cũng như khuyến khích các giải pháp sáng tạo của thế hệ trẻ trước các thách thức phát triển của khu vực thế giới.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận về cơ chế trao đổi thường kỳ dành cho giảng viên và sinh viên, bao gồm các chương trình giảng dạy, học bổng giảng dạy, khóa học chung, chuyến thăm văn hóa và chương trình học thuật ngắn hạn, nhằm tăng cường gắn kết học thuật và giao lưu nhân dân. Hai đại học khuyến khích cùng khởi xướng và triển khai các dự án nghiên cứu và sáng kiến học thuật như hội thảo, tọa đàm và hội nghị khoa học về những chủ đề quan tâm chung, bao gồm quản trị khu vực, phát triển bền vững và y tế toàn cầu.
Đồng thời, lãnh đạo ĐHQGHN và ĐH Phúc Đán cũng thảo luận các sáng kiến hợp tác trong chia sẻ nguồn lực, bao gồm dịch vụ thư viện, tài liệu giảng dạy và hệ thống thông tin. Các nỗ lực chung trong việc xây dựng nền tảng học thuật dùng chung sẽ góp phần tạo dựng một môi trường giáo dục mở, hiệu quả và bao trùm hơn. Trên cơ sở Năm Giao lưu Nhân văn Việt Nam – Trung Quốc, hai đại học sẽ phối hợp tổ chức các lễ hội văn hóa, trường hè và chương trình ngôn ngữ nhằm tăng cường sự tham gia của thanh niên và mở rộng không gian đối thoại văn hóa. Những nỗ lực này sẽ góp phần củng cố nền tảng xã hội cho việc xây dựng cộng đồng chung Việt Nam – Trung Quốc trong tương lai.
Trong thời gian qua, ĐHQGHN đã ký kết hợp tác với hàng chục cơ sở giáo dục hàng đầu Trung Quốc như: ĐH Thanh Hoa, ĐH Bắc Kinh, ĐH Nam Kinh, ĐH Hạ Môn, ĐH Ma Cao, ĐH Nam Kinh, ĐH Sơn Đông… trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, trao đổi cán bộ và sinh viên. Những kết nối hợp tác này không chỉ đặt nền móng cho những sáng kiến chung giữa hai bên mà còn góp phần vào việc đưa hợp tác giáo dục - đào tạo không ngừng đi vào chiều sâu, tương xứng với tổng thể quan hệ hai nước trong giai đoạn hiện nay.
![]() |
GS. Tiền Hải Hồng thăm Phòng truyền thống của ĐHQGHN |
![]() |
![]() |
ĐH Phúc Đán, tọa lạc tại thành phố Thượng Hải, là trường đại học top 5 tốt nhất Trung Quốc, luôn thu hút sinh viên trong và ngoài nước đến theo học. ĐH Phúc Đán được thành lập năm 1905 được xem là một trong những trường đại học đầu tiên ở Trung Quốc. Ban đầu có tên là Trường Công Học Phúc Đán, sau đó đến năm 1949 đổi tên thành ĐH Phúc Đán. Đây là đại học trọng điểm quốc gia trực thuộc Bộ Giáo dục nước CHND Trung Hoa và chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương, là trường đại học tổng hợp với chuyên ngành mũi nhọn văn, lý nổi tiếng Trung Quốc. ĐH Phúc Đán là một trong những trường tiếp nhận du học sinh theo diện học bổng Chính phủ Trung Quốc sớm nhất và tiếp nhận học sinh nước ngoài sớm nhất Trung Quốc. ĐH Phúc Đán cũng nằm trong “dự án 211 và dự án 985’’. Hiện tại, ĐH Phúc Đán đào tạo 11 ngành bao gồm triết học, kinh tế, luật, giáo dục, văn học, lịch sử, khoa học, kỹ thuật, y học, quản lý, nghệ thuật ... ĐH Phúc Đán là một trong 28 trường đại học Trung Quốc tham dự Triển lãm Giáo dục ĐH Trung Quốc ngày 12/6/2025, do ĐHQGHN phối hợp với Uỷ ban Học bổng chính phủ Trung Quốc tổ chức. Năm 2026, ĐH Phúc Đán được xếp hạng thứ 30 thế giới theo BXH QS Ranking. |