![]() |
Đây là năm thứ ba liên tiếp ĐHQGHN giữ vị trí dẫn đầu về tiêu chí quan trọng này. Với 48 nhà khoa học tham gia các HĐGS ngành, liên ngành – tăng 4 người so với năm 2024 (44 người) và tăng 9 người so với năm 2023 (39 người), ĐHQGHN đang khẳng định sự phát triển vững chắc về chất lượng đội ngũ, năng lực học thuật, đồng thời thể hiện vai trò trung tâm học thuật trọng yếu trong công tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Đội ngũ học thuật ưu tú – Nền tảng của sự vượt trội
Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành là những tổ chức học thuật cấp quốc gia, được Hội đồng Giáo sư Nhà nước thành lập nhằm xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các nhà khoa học, giảng viên trong cả nước. Thành phần của các HĐGS đều là những chuyên gia đầu ngành, có uy tín học thuật cao, nhiều đóng góp trong nghiên cứu và đào tạo.
![]() |
Theo thống kê năm 2025, tổng số thành viên của 26 HĐGS ngành, liên ngành là 283 người, trong đó ĐHQGHN chiếm gần 17%, vượt xa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (26 người) và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (23 người).
Phân bố thành viên HĐGS theo đơn vị thành viên của ĐHQGHN như sau:
• Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn: 14 người
• Trường ĐH Khoa học Tự nhiên: 13 người
• Trung tâm ĐHQGHN: 4 người
• Trường ĐH Công nghệ: 4 người
• Trường ĐH Giáo dục: 4 người
• Viện Công nghệ Thông tin: 3 người
• Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển: 2 người
• Trường ĐH Luật: 2 người
• Trường ĐH Ngoại ngữ: 1 người
• Trường ĐH Y Dược: 1 người
Sự đa dạng về ngành/chuyên ngành không chỉ cho thấy sức mạnh của ĐHQGHN về quy mô mà còn thể hiện chiều sâu học thuật và năng lực nghiên cứu vượt trội ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Dẫn đầu cả về số lượng và vị trí Chủ tịch/ Phó Chủ tịch HĐGS
Không chỉ nổi bật về số lượng, đội ngũ cán bộ khoa học của ĐHQGHN còn được tín nhiệm cao trong việc đảm nhận các vị trí lãnh đạo các HĐGS ngành – một minh chứng sống động cho chất lượng, uy tín và tầm ảnh hưởng học thuật.
![]() |
Các thành viên Chủ tịch/ Phó Chủ tịch HĐGS là nhà khoa học đang công tác tại ĐHQGHN |
Tính đến tháng 7/2025, các nhà khoa học của ĐHQGHN đảm nhận vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch các HĐGS ngành:
• Chủ tịch HĐGS ngành Công nghệ Thông tin: GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Trường ĐH Công nghệ
• Chủ tịch HĐGS ngành Luật: GS.TS Phạm Hồng Thái, Trường ĐH Luật
• Chủ tịch HĐGS ngành Ngôn ngữ học: GS.TS Vũ Đức Nghiệu, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn,
• Chủ tịch HĐGS ngành Sinh học: GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên,
• Chủ tịch HĐGS ngành Tâm lý học: GS.TS. Trần Thị Minh Đức, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
• Chủ tịch HĐGS ngành Vật lý: GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Trường ĐH Công nghệ
• Chủ tịch HĐGS ngành Y học: GS.TS Lê Ngọc Thành, Trường ĐH Y Dược
• Phó Chủ tịch HĐGS ngành Khoa học giáo dục: GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trường ĐH Giáo dục
• Phó Chủ tịch HĐGS ngành Hóa học, Công nghệ thực phẩm: GS.TSKH. Lưu Văn Bôi, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
Việc có nhiều giáo sư đảm nhiệm các vị trí chủ chốt tại các HĐGS không chỉ là vinh dự cá nhân mà còn là minh chứng cho vị thế học thuật của ĐHQGHN trong việc kiến tạo các chuẩn mực học thuật quốc gia.
Môi trường học thuật đỉnh cao – Bệ phóng cho các nhà khoa học xuất sắc
Để có được thành tựu trên, ĐHQGHN đã kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển đội ngũ khoa học bài bản và lâu dài. ĐHQGHN là một trong số ít các đại học Việt Nam vận hành mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực với hệ sinh thái nghiên cứu – đào tạo – chuyển giao tri thức đồng bộ.
Hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm, các quỹ nghiên cứu, học bổng, cơ hội hợp tác quốc tế và đặc biệt là môi trường học thuật khai phóng, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, ... được triển khai để hỗ trợ các nhà khoa học triển khai nghiên cứu.
Cơ chế đánh giá đội ngũ tại ĐHQGHN luôn dựa trên các chuẩn mực quốc tế, khuyến khích công bố quốc tế, tham gia các hội đồng khoa học, chủ trì đề tài cấp Nhà nước và quốc tế, để nuôi dưỡng các học giả có tầm vóc quốc gia và quốc tế.
ĐHQGHN không ngừng đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo, triển khai các chương trình tài năng, tiên tiến, tăng cường liên kết doanh nghiệp và phục vụ cộng đồng. Trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng hội nhập quốc tế, đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, vai trò của các nhà khoa học trong HĐGS ngày càng quan trọng. Họ là người định hình chuẩn mực, đồng thời cũng là người dẫn dắt và lan tỏa tinh thần phụng sự tri thức.
Việc dẫn đầu cả nước về số lượng thành viên tham gia HĐGS ngành, liên ngành năm 2025 không chỉ là thành tích đáng tự hào mà còn là dấu mốc quan trọng, khẳng định rõ nét uy tín học thuật và vị thế học thuật của ĐHQGHN trong nước và quốc tế.
Trên nền tảng đội ngũ khoa học chất lượng cao, ĐHQGHN đang từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm đào tạo – nghiên cứu – đổi mới sáng tạo đẳng cấp quốc tế, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng của giáo dục đại học Việt Nam.
Theo Hội đồng Giáo sư Nhà nước, năm 2024 có 110 HĐGS cơ sở với tổng cộng 1.033 ứng viên đăng ký (93 giáo sư, 940 phó giáo sư). Qua ba vòng xét duyệt, 615 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư/phó giáo sư. |