Tham dự buổi làm việc, về phía ĐHQGHN có PGS.TS Lê Tuấn Anh - Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển, GS.TS Trần Thị Thanh Tú - Trưởng Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo, PGS.TS Trương Ngọc Kiểm - Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo.
Về phía OECD có ông Jan Rielander - Trưởng Ban Chiến lược Phát triển Bền vững cùng các chuyên gia.
Liên kết Viện - Trường - Doanh nghiệp: Công thức đổi mới sáng tạo bền vững
![]() |
Một trong những nội dung trọng tâm của buổi làm việc là trao đổi về mô hình hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp – xu thế phát triển chủ đạo của giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa tri thức và chuyển đổi số. Đại diện ĐHQGHN đã giới thiệu kinh nghiệm xây dựng cơ chế hỗ trợ nhóm nghiên cứu khởi nghiệp khoa học - công nghệ, với sự đồng hành của hệ sinh thái gồm: không gian sáng tạo tại Hòa Lạc, hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, văn phòng làm việc, cơ sở vật chất thử nghiệm và đặc biệt là nền tảng hỗ trợ khởi nghiệp VNU Holdings.
Ông Jan Rielander và các chuyên gia OECD đánh giá cao mô hình này, coi đây là một hình mẫu kết nối hiệu quả giữa nghiên cứu và thực tiễn, tạo “cầu nối mạnh mẽ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu”, đồng thời mở ra khả năng thiết kế cơ chế phân chia lợi nhuận hợp lý - một yếu tố then chốt để tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.
![]() |
ĐHQGHN nhấn mạnh rằng xây dựng hệ sinh thái liên kết chặt chẽ giữa Viện – Trường - Doanh nghiệp không chỉ là đòn bẩy cho đổi mới sáng tạo, mà còn là nền tảng bền vững để khoa học đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội.
Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ: Từ nội lực đến kết nối toàn cầu
Với vai trò là trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu quốc gia, ĐHQGHN đã chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đặc biệt thông qua hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các sáng chế, mô hình sở hữu trí tuệ và kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Phía OECD bày tỏ sự quan tâm đến việc ĐHQGHN có thể đóng vai trò tích cực hơn trong mạng lưới hợp tác chuyển giao công nghệ toàn cầu. Các chuyên gia OECD khuyến nghị ĐHQGHN cần chủ động kết nối với những sáng kiến công nghệ chiến lược toàn cầu, tận dụng mô hình công nghệ chiến lược (như AI, năng lượng xanh). Đồng thời, việc xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ rõ ràng, phù hợp với chuẩn mực quốc tế sẽ là nền tảng để bảo vệ và phát huy giá trị trí tuệ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
![]() |
Buổi làm việc không chỉ đánh dấu một bước tiến mới trong hợp tác giữa ĐHQGHN và OECD, mà còn mở ra cơ hội để đại học định vị mình như một đối tác chiến lược trong hệ sinh thái đổi mới toàn cầu. ĐHQGHN thể hiện rõ cam kết tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác chất lượng cao và phát triển các mô hình liên kết học thuật - công nghệ - doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.
![]() |
Đoàn OECD thăm quan Trung tâm Thực hành Tài chính ngân hàng SHB - VNU, nơi tổ chức các khóa học, học phần dưới dạng tín chỉ trên hệ thống phần mềm mô phỏng hiện đại, gắn với thực tiễn |
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (tiếng Anh: Organisation for Economic Co-operation and Development; viết tắt: OECD) là một diễn đàn dành cho chính phủ của các nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới cùng nhau bàn bạc giải quyết các vấn đề kinh tế của bản thân họ và của thế giới. Được thành lập năm 1961, OECD đặt ra các quy định và tiêu chuẩn cao về kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Hiện OECD có 38 thành viên, hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao. |