VNU Logo

Hội nghị Hiệu trưởng Mạng lưới Đại học Asean lần thứ 16: Thúc đẩy tác động và giải quyết thách thức toàn cầu

Ngày 24/7/2025, Hội nghị Hiệu trưởng Mạng lưới Đại học ASEAN (ASEAN University Network – AUN) lần thứ 16 chính thức khai mạc tại Manila, Philippines. Sự kiện do Đại học De La Salle (DLSU) và Đại học Philippines đồng đăng cai, với chủ đề “Từ Mạng lưới đến Tác động: Tương lai của Giáo dục Đại học Toàn cầu”. Hội nghị quy tụ lãnh đạo các trường đại học hàng đầu khu vực nhằm thảo luận vai trò, trách nhiệm và tầm nhìn chiến lược của giáo dục đại học trong việc định hình tương lai và giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải và Phó Trưởng ban Hợp tác & Phát triển Nguyễn Trung Hiển tham dự hội nghị.

Liên minh đa phương – Động lực cho chuyển đổi xã hội

Hội thảo chuyên đề đầu tiên với chủ đề “Chuyển đổi xã hội – Các trường đại học tạo tác động thông qua liên minh đa phương” đã nhấn mạnh vai trò hợp tác giữa các trường đại học trong giải quyết những thách thức toàn cầu. Các diễn giả chia sẻ nhiều góc nhìn sâu sắc về cách các cơ sở giáo dục đại học góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, trao đổi tri thức và triển khai các sáng kiến xuyên biên giới.

Bà Julie McMahon – Phó Chủ tịch APAC, Times Higher Education, khẳng định tầm quan trọng của Bảng xếp hạng Tác động (Impact Rankings) trong đo lường đóng góp của các trường đại học đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs), đặc biệt là SDG 17 về quan hệ đối tác. Bà cũng chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế trong thu thập dữ liệu và nhân rộng các thực hành hiệu quả.

Ông Br. Bernard Oca – Giám đốc Đại học De La Salle nhấn mạnh ý nghĩa của quan hệ đối tác có mục đích dựa trên sự đồng sáng tạo, lòng tin và tư duy dài hạn, thay vì các hợp tác mang tính hình thức. Ông chia sẻ mô hình tiếp cận toàn diện mà DLSU đang áp dụng để hiện thực hóa các mục tiêu SDGs.

Giáo sư Lily Kong – Giám đốc Đại học Quản lý Singapore (SMU), tập trung phân tích chiến lược phát triển của SMU với 3 ưu tiên chính: tăng trưởng ở châu Á, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Bà cũng nhấn mạnh tác động của các mạng lưới hợp tác như AUN-TEPL (Học tập cá nhân hóa tăng cường công nghệ) và các chương trình đổi mới, khởi nghiệp hướng đến sinh viên.

Phó Hiệu trưởng Đại học Brunei Darussalam (UBD), ông Hazri bin Haji Kifle, giới thiệu các sáng kiến hợp tác quốc tế về học tập trực tuyến (BSN-OIL), nghiên cứu SDGs (BSN-SDG Study Network) và các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, khẳng định cam kết lồng ghép phát triển bền vững vào giáo dục và hoạt động nghiên cứu.

Định hình vai trò mới của đại học trong giải quyết vấn đề toàn cầu

Phiên thứ hai với chủ đề “Tái định hình vai trò của các trường đại học trong giải quyết vấn đề toàn cầu” tập trung thảo luận về sự phát triển của hợp tác liên ngành, quốc tế hóa và bền vững nhằm giải quyết các thách thức phức tạp của thế giới hiện nay.

Giáo sư Ahmad Farhan Mohd Sadullah – Phó Hiệu trưởng Đại học Putra Malaysia, nhấn mạnh vấn đề an ninh lương thực và chia sẻ “kế hoạch chi tiết về an ninh lương thực” của UPM, tập trung đào tạo nhân lực nông nghiệp chất lượng cao, đổi mới công nghệ và thay đổi nhận thức xã hội để thu hút thế hệ trẻ tham gia ngành nông nghiệp.

Giáo sư Ir. Tatacipta Dirgantara – Hiệu trưởng Viện Công nghệ Bandung (ITB), đưa ra tầm nhìn về “Đại học Thế hệ thứ tư”, nhấn mạnh các sản phẩm đào tạo mang tính tác động và giải quyết vấn đề đạo đức của trí tuệ nhân tạo (AI). Ông khẳng định: “Nhân tài sẽ là đồng tiền mới”, và giữ chân nhân tài là nhiệm vụ sống còn.

Ông Angelo A. Jimenez – Giám đốc Đại học Philippines, nhấn mạnh sứ mệnh nhân văn của đại học trong việc tạo ra “siêu năng lực đọc viết” để đối phó với bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng thông tin. Đại học Philippines đang mở rộng giáo dục hòa nhập và đào tạo từ xa để tiếp cận các khu vực khó khăn, đồng thời gia tăng hỗ trợ học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Enrico Letta – Cựu Thủ tướng Ý, Giám đốc Hội đồng GESDA, kêu gọi xây dựng năng lực dự đoán trong lãnh đạo giáo dục đại học, nhấn mạnh “chi phí của việc không dự đoán” qua bài học từ đại dịch COVID-19. Ông giới thiệu sáng kiến GESDA Science Breakthrough Radar để nhận diện các đột phá khoa học có khả năng định hình tương lai.

Giáo sư Tan Eng Chye – Giám đốc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), khẳng định triết lý hoạt động của NUS là “được cộng đồng tạo ra vì cộng đồng”, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo có tầm nhìn dự báo và sự phối hợp của nhiều bên để giải quyết các thách thức toàn cầu. Ông ví việc điều hành đại học như “chăn mèo” (herding cats), đòi hỏi chiến lược và sự khéo léo trong dẫn dắt các nỗ lực học thuật đa dạng.

Trao đổi tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, các bài học kinh nghiệm và tầm nhìn chia sẻ tại Hội nghị Hiệu trưởng AUN lần thứ 16 sẽ là nền tảng để ĐHQGHN tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, nâng cao vai trò tiên phong trong giải quyết các thách thức toàn cầu, hướng đến xây dựng một tương lai phát triển bền vững và nhân văn cho khu vực ASEAN cũng như thế giới. Ông cũng gợi ý một sáng kiến về việc AUN cần thiết lập một hệ thống các quy tắc, quy định với một cơ chế vận hành cụ thể để đảm bảo tính bền vững, ổn định và minh bạch trong hoạt động nhằm gắn kết hơn nữa các thành viên trong mạng lưới AUN.

Trung Hiển - Ban Hợp tác & Phát triển, ĐHQGHN
Chia sẻ
Share on Facebook
Share on Zalo
Hình ảnh