Hà Khánh Linh là học sinh người Việt đầu tiên, đại diện Việt Nam đầu tiên tại trường cấp 3 Quốc tế Israel, mang tên EMIS. Học tập tại Israel - nơi xảy ra những cuộc xung đột dài hơi nhất thế giới và cũng là khu vực có tình hình chính trị phức tạp nhất trên thế giới - nên ngôi trường được thành lập với sứ mệnh: “Dùng giáo dục là lực đẩy cho hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Đông”. Linh và các bạn quốc tế được chứng kiến và hiểu cái giá của chiến tranh để biết trân trọng hòa bình. Khánh Linh cũng là người nhỏ tuổi nhất và là một trong hai người Việt Nam đầu tiên được chọn vào chương trình Israel - Asia Leaders Fellowship tại Israel, chương trình đào tạo lãnh đạo tương lai cho quan hệ ngoại giao giữa Israel và các nước châu Á. Trong những ngày học ở Israel, em cùng một nhóm 3 người bạn nữa người Israel xây dựng một ứng dụng dạy Toán cho trẻ từ 3-6 tuổi bằng cách phát triển cảm quan số học ở trẻ nhỏ. Ý tưởng và sản phẩm thử nghiệm được đại diện nhóm mang đi thi và đạt giải Nhất cuộc thi Beijing Youth Science Creation Competition và giải Nhì cuộc thi MIT Launch Club. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông ở Israel, Linh tiếp tục đạt kỉ lục “là một trong 11 học sinh trên toàn thế giới”được nhận vào chương trình Babson Global Scholars (Học giả Toàn cầu Babson) với suất học bổng trị giá 69.250 USD/năm trong vòng 4 năm tại Mỹ. Ước mơ có một “start-up” của riêng mình và góp phần xây dựng hệ thống sinh thái khởi nghiệp Việt Nam Linh, đã chọn ĐH Babson - ngôi trường đứng số 1 của Mỹ trong ba năm liên tục về giảng dạy khởi nghiệp để làm nơi học tập. Càng đi nhiều, Linh càng muốn mang những trải nghiệm từ quốc tế về Việt Nam. Linh cho biết “Tôi thất bại” về nước để chia sẻ với các bạn trẻ Việt. Linh đã kết nối với một nhóm du học sinh Việt Nam ở nhiều quốc gia trên thế giới và một nhóm sinh viên đang học ở Việt Nam để cùng chung tay thực hiện ý tưởng. Sự kiện diễn ra thành công ngoài mong đợi, những kỹ năng khởi nghiệp “trần trụi” nhưng táo bạo và hữu ích đến từ những góc nhìn nghiêm túc nhất. Một thái độ tích cực đón nhận thất bại chưa từng có tiền lệ, đúng như tinh thần của người trẻ đam mê khởi nghiệp. Đi thật xa để càng biết trân trọng nguồn cội. Với Linh, đi xa không phải dừng lại quá sớm mà để biết trân trọng hơn nguồn cội. Linh xúc động và biết ơn CNN vì CNN đã biến một cô gái rụt rè, chẳng biết nói gì ngoài câu “Tôi là Khánh Linh, đến từ Thái Nguyên” trở thành một lớp trưởng năng động, một người dẫn chương trình 2 năm liên tiếp cho Hội nghị Hòa bình khu vực; “CNN đã tặng em đôi cánh của ước mơ, đôi chân đi không biết mỏi và đặc biệt là một trái tim nồng nàn tình cảm để từ đó em bay cao hơn, đi xa hơn”. Cội nguồn của Linh chính là gia đình và những ngày tháng học dưới mái trường Chuyên Ngữ. Hình ảnh người bà còng lưng đạp xe, những cuộc điện thoại của bố mẹ khi xa nhà, những lần vấp ngã của em trai đuổi chạy theo chị, những tình cảm ấm áp của thầy cô và bạn bè trong những năm học tại trường Chuyên Ngữ vẫn là lời nhắc nhở Linh rằng: em đã đi một chặng đường rất xa và sẽ còn tiến xa hơn nữa…
|