PV: Chúc mừng em vừa được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao giải thưởng Sao tháng Giêng. Em có cảm nhận gì khi được trao giải thưởng này?
SV Bùi Thị Hoàng Anh: Sau gần 4 năm hoạt động tại Hội sinh viên và Đoàn Thanh niên CSHCM Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, đây là lần đầu tiên em được nhận Giải thưởng Sao tháng Giêng của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam. Đó là một vinh dự lớn đối với bản thân em. Em hy vọng rằng, trong tương lai, Trung ương Hội sinh viên Việt Nam sẽ tạo điều kiện hơn nữa để mỗi trường đại học không chỉ có một “sao” mà nhiều “sao” hơn nữa để tuyên dương các bạn sinh viên có thành tích trong phong trào hoạt động Đoàn, Hội cũng như trong hoạt động học tập. Em cũng rất mong mỏi 172 sinh viên - 172 cán bộ Đoàn, Hội được nhận Giải thưởng Sao tháng Giêng trong năm học 2006-2007 sẽ không chỉ toả sáng trong một tháng Giêng mà còn hơn thế nữa, mong cho các bạn sẽ là ngôi sao của cả một năm 365 ngày.
|
Bùi Thị Hoàng Anh (ngoài cùng, bên trái) tại Lễ trao giải thưởng Sao tháng Giêng năm học 2006-2007. | Một điều em muốn chia sẻ là, Sao tháng Giêng là giải thưởng cao quý dành riêng cho sinh viên nhưng trên thực tế không nhiều sinh viên biết đến giải thưởng này. Phải chăng điều này đã phần nào làm giảm đi ý nghĩa thực sự của giải thưởng, đó là sự ghi nhận thành tích và là sự cổ vũ, khích lệ sinh viên tham gia tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội? Em hy vọng trong tương lai, Giải thưởng Sao tháng Giêng sẽ là một cái đích vươn tới của tất cả sinh viên để đưa phong trào thanh niên của chúng ta lên một tầm cao mới.
Bản thân em khi được nhận giải thưởng này, em thấy mình có trách nhiệm hơn đối với bản thân. Em tự hứa sẽ phải luôn cố gắng để xứng đáng với giải thưởng này.
PV: Em có thể giới thiệu đôi chút về bản thân không?
SV Bùi Thị Hoàng Anh: Nói về bản thân em thì nhiều lắm vì em là một cô gái khá phức tạp. Nhưng mà có thể khái quát về một “Hoàng Anh xinh gái” là: nói nhiều, nói nhanh, dễ cười và dễ khóc, sức làm việc rất lớn và… khá đảm đang (cười).
Những người ở cạnh em nhiều thường bảo rằng em nói nhiều và nói nhanh. Em cũng công nhận là đúng. Em nói rất nhiều, thậm chí nói cả vào ban đêm (Em hay ngủ mơ và nói mê mà. Điều này là mấy người bạn cùng phòng nói cho em biết đấy). Từ năm học lớp 1 đến lớn 9 em thường hay bị thầy cô giáo phê bình là: “Rất hay mất trật tự trong lớp”. Nhưng mà chỉ nói nhiều với bạn bè thân thiết thôi, còn… nếu gặp người lạ hay chưa mới gặp lần đầu, thì “Hoàng Anh hiền và ít nói thế”. Em bị gắn cho cái biệt hiệu là “máy khâu” từ những ngày cuối cấp hai vì cái tật nói nhanh đấy (lại cười).
Em cũng dễ cười và dễ khóc. Hay giận dỗi giống trẻ con nữa, và tất nhiên là giận dỗi với những người thân thiết thôi, nhưng mà rất tự tin và quyết đoán. Có vẻ hơi mâu thuẫn nhưng mà em đưa ra quyết định rất nhanh và đã muốn làm gì phải làm cho bằng được thì thôi.
Hiện nay, ngoài việc học ở lớp, tham gia tích cực các hoạt động Đoàn, Hội của lớp, khoa và Nhà trường, em cũng hay “chạy sô” nữa. Mấy đứa bạn em nói rất phục em vì vừa đi dạy thêm, vừa hoạt động Đoàn, Hội nhưng học hành vẫn “ổn”. Điều này khiến em rất tự hào đấy.
Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ em chắc phải tiểu thư lắm nhưng mà trái lại, em có thể làm được tất cả mọi việc mà một người phụ nữ có thể làm đấy. Nói tóm lại, em là một con người có vẻ mâu thuẫn chị nhỉ? Thế em mới nói mình khá phức tạp mà!
PV: Quê em ở Hải Phòng. Vậy hiện nay em ở đâu? Cuộc sống sinh hoạt, học tập của một sinh viên xa nhà như em có vất vả lắm không?
SV Bùi Thị Hoàng Anh: Em vẫn luôn tự hào mình được sinh ra tại Hải Phòng và là con gái đất cảng dù ai đó vẫn có những ấn tượng không tốt về con gái Hải Phòng. Hiện nay em đang thuê nhà trọ và ở một mình. Thực ra việc sống xa nhà không làm em cảm thấy khó khăn khi thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Nếu có thì chỉ thiếu tình cảm của bố mẹ thôi. Có thể ở em vẫn còn đôi chút của trẻ con, những khi bị ốm em hay ngồi khóc vì nhớ bố mẹ... (Hichic). Bố mẹ em dạy cho em tự lập từ rất sớm nên ngay từ bé em đã có tư tưởng được sống một mình và tự lo cho mình rồi. Là sinh viên sống xa nhà nên nhu cầu sinh hoạt và học tập là khá lớn nhưng em luôn hạn chế xin “viện trợ” từ bố mẹ. Em đi làm thêm từ năm thứ hai và từ cuối năm thứ ba em đã tự chủ được về mặt tài chính. Nói là làm ra nhiều tiền thì không phải, em chỉ đi làm để có thể tự lo cho mình các sinh hoạt thường ngày và học tập thôi. Còn các khoản shopping, vui chơi cũng hạn chế đi nhiều lắm chứ (mặc dù tiếc lắm... Hichic). Nhưng khi đi làm, em mới hiểu giá trị sức lao động của mình và biết cách chi tiêu sao cho phù hợp hơn và cũng thấy hơi “ăn năn” và “xí hổ” vì sao ngày xưa mình hay xin tiền bố mẹ thế!.
PV: Như em vừa nói, em “chạy sô” rất giỏi. Em có thể nói cụ thể hơn được không?
SV Bùi Thị Hoàng Anh: Từ năm thứ hai đại học, em đi làm thêm qua sự giới thiệu của một người bạn cùng khoá. Em làm gia sư cho một em nhỏ của gia đình đó đến nay đã được gần 3 năm rồi. Em rất vui vì học sinh của em từ một em bé tự ti, nhút nhát và rất chậm chạp trong học tập đã trở thành một học sinh giỏi và ngoan ngoãn. Hai cô trò rất quý nhau và luôn “thì thầm to nhỏ” với nhau. Điều này làm em thấy tự hào và yêu nghề dạy học hơn. Em cũng đã làm part-time ở vị trí thư ký cho một công ty xây dựng. Hôm đầu tiên đi làm cũng là hôm bị tai nạn xe máy gãy cả tay (Hichic - hay cười ghê). Nhưng sau đó em thấy công việc này cần nhiều thời gian quá và ảnh hưởng đến học tập nên em đã thôi việc sau khi làm ở đó được khoảng 3 tháng. Rồi một lần đi gia sư cho một em lớp 12, đến buổi dạy cuối cùng (vì em đó sang Ba Lan cùng gia đình), vừa nhận lương xong, thì bị giật túi ngay tại cửa nhà đó. May mà cái xe máy vẫn còn gắn với chủ (nghĩ lại mà thấy thương xót và tiếc của)… Nói tới chuyện làm thêm, em có nhiều kỷ niệm lắm.
Hiện tại, em đang gia sư cho 3 nơi. Dĩ nhiên em luôn sắp xếp thời gian thuận lợi để không ảnh hưởng đến việc học tập.
Việc sinh viên đi làm thêm không phải là hiếm và em ủng hộ việc làm thêm của sinh viên. Vì sao? Vì có đi làm thêm, sinh viên mới có sự cọ xát, va chạm với cuộc sống để tích luỹ vốn sống và kinh nghiệm sau khi ra trường. Có điều, vấn đề ở chỗ là làm việc gì và cách làm như thế nào mới là quan trọng. Mỗi người đều có sự lựa chọn cho riêng mình nhưng các bạn sinh viên nên tìm những việc làm thêm mà công việc đó giúp củng cố kiến thức chuyên môn được học tại giảng đường và hợp pháp.
PV: Kế hoạch trung hạn và dài hạn cho tương lai của em?
SV Bùi Thị Hoàng Anh: Kế hoạch trước mắt của em bây giờ là hoàn thành tốt đợt thực tập sư phạm, bảo vệ xuất sắc khoá luận tốt nghiệp và tốt nghiệp loại giỏi. Còn kế hoạch dài hạn: em sẽ tiếp tục học cao học để nâng cao chuyên môn để trở thành giáo viên. Nếu có điều kiện, em mong sẽ xin được học bổng đi du học tại Pháp. Còn khi nào lấy chồng ư?... Để em xem xét nữa vì… có quá nhiều điều khiến mình phải suy nghĩ thật kỹ mà.
PV: Em có thể chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình cho các bạn không?
|
Bùi Thị Hoàng Anh (ngoài cùng, bên trái) và các bạn tại buổi giao lưu âm nhạc của Khoa NN&VH Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN. | SV Bùi Thị Hoàng Anh: Về học tập, thực ra em không coi mình là một người học giỏi vì em còn thua kém nhiều các bạn lắm (cười). Việc học tập của em luôn được đặt lên hàng đầu và em không bị chi phối nhiều bởi ngoại cảnh. Có lẽ đó là điều khiến em có thể tập trung cao độ vào học tập được.
Kinh nghiệm học tập của em là: Không bao giờ nghỉ học (trừ những trường hợp bất khả kháng) vì nghỉ một buổi là kiến thức sẽ bị hổng ngay. Trên lớp chú ý nghe giảng để hiểu bài ngay và có thể hệ thống lại bài học thành đề cương luôn. Như vậy giúp em vừa nhớ bài lâu vừa đỡ mệt mỏi trong mỗi kỳ thi.
Khi học thi, em thường học nhóm với các bạn trên cơ sở tất cả các thành viên trong nhóm đã làm đề cương riêng của mình. Chúng em so sánh đề cương với nhau để rút ra câu trả lời đúng nhất. Quá trình đối chiếu đề cương đã giúp chúng em học được một lượt các câu hỏi. Em luôn đặt cho mình mục tiêu là hôm nay phải học bao nhiêu phần và cố gắng học hết. Trước khi tiếp tục học phần tiếp theo, em học lại phần kiến thức đã học cho nhớ. Cứ thế học gối kiến thức lên nhau và em nhớ rất lâu. Em luôn quan niệm học để lấy kiến thức sau này ra trường dạy học sinh chứ không phải chỉ học vẹt để đi thi. Em có phải là một cô giáo tương lai tuyệt vời không nhỉ?! (cười rất tươi).
PV: Thế còn thời gian em dành cho các hoạt động Đoàn, Hội thì sao?
SV Bùi Thị Hoàng Anh: Tự bản thân em thấy mình là một người rất nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc. Em luôn đề cao tinh thần làm việc tập thể, bởi “Một cây làm chẳng nên non” mà. Vì thế, mỗi khi tổ chức một hoạt động, em cùng toàn thể các bạn trong Ban chấp hành Hội Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ luôn nỗ lực hết mình và đoàn kết với nhau. Đối với các chương trình lớn như “Nữ sinh thanh lịch”, “Dạ hội chào năm mới”… thì ai cũng tất bật với công việc được giao, ai cũng cố gắng để phần việc mình đảm nhận tốt nhất vì ai cũng hiểu rằng chương trình có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào khâu tổ chức. Nhiều khi có những cuộc họp “bất thường” vào giữa trưa để giải quyết các vấn đề phát sinh, mọi người ai nấy đều mệt nhưng không ai nản chí cả. Có lẽ em sẽ không bao giờ quên cảnh cả một ban chấp hành, hơn 20 con người, tay vừa cầm thìa xúc cơm, mồm vẫn sôi nổi thảo luận, đưa ra các ý tưởng, tay kia thì hí hoáy viết. Hầu như, mọi người trong Ban chấp hành Hội Sinh viên của trường em ai cũng nhiệt tình với công việc, vui tính nên những phút giây cả Ban chấp hành ngồi bên nhau là lúc em cảm thấy ấm áp nhất và cảm thấy mọi người như những anh em ruột thịt của mình. Hoạt động sôi động nhất của Hội sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN chính là hoạt động tình nguyện. Chúng em vẫn luôn tự hào vì phong trào sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Ngoại ngữ là mạnh nhất trong ĐHQGHN và rất có uy tín trong các trường đại học ở Hà Nội. Phong trào sinh viên làm cho chúng em hiểu nhau hơn, gắn bó với nhau hơn, hiểu được giá trị của nhau hơn. Và đó chính là điều em thấy có ý nghĩa nhất. Em thấy mình thật may mắn khi được hoạt động trong một môi trường đoàn kết, gắn bó, đầy sự nhiệt tình và sáng tạo. Em muốn nói lời cảm ơn chân thành nhất đến Chủ tịch Hội sinh viên trường, Bí thư Đoàn trường, đến tất cả các uỷ viên Ban chấp hành Hội sinh viên, Đoàn thanh niên nhà trường - những người đã luôn sát cánh bên em ngay cả những lúc khó khăn nhất, đã đem lại cho em những phút giây quý giá, đã cho em hiểu được giá trị của cuộc sống. Cám ơn mọi người rất nhiều!
PV: Được biết hiện nay Hoàng Anh đang đảm nhiệm cương vị Bí thư chi đoàn K37P1 Khoa NN&VH Pháp, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐHNN, Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn thanh niên CSHCM Trường ĐHNN - ĐHQGHN. Để hoạt động Đoàn, Hội ở trường đại học nói chung và Trường ĐHNN - ĐHQGHN được phát triển tốt hơn và gắn chặt với sinh viên hơn, theo em các tổ chức Đoàn, Hội sinh viên cần có những hình thức hoạt động gì?
SV Bùi Thị Hoàng Anh: Để hoạt động Đoàn, Hội ở trường đại học tốt hơn và gắn chặt với sinh viên hơn, em thiết nghĩ các tổ chức Đoàn, Hội sinh viên có thể tạo ra các diễn đàn trực tuyến cho sinh viên với sự đa dạng của các chủ đề: học tập, tình yêu, việc làm, hoạt động Đoàn, Hội… Từ đó chúng ta sẽ biết sinh viên muốn gì để tổ chức các hoạt động phù hợp với sinh viên. Chúng ta không nên nặng về hình thức về quy mô mà nên chú trọng đến chất lượng của các hoạt động. Điều đó giúp hoạt động Đoàn, Hội tồn tại lâu dài và có chỗ đứng vững chắc trong lòng sinh viên. Là một cán bộ Đoàn, Hội, em rất mong rằng các bạn đoàn viên, thanh niên - sinh viên sẽ tìm thấy ý nghĩa của phong trào thanh niên đối với cuộc sống sinh viên hiện tại và tương lai của bản thân mình.
Để hoạt động Đoàn, Hội ngày càng thu hút được sinh viên hơn, em mong muốn và hy vọng Đoàn, Hội sẽ hợp tác cùng nhau đưa ra các chương trình hoạt động đa dạng phong phú, thường kỳ, thiết thực và đáp ứng được nhu cầu của sinh viên. Là một cán bộ Đoàn, Hội em rất mong lãnh đạo các cấp tạo điều kiện và quan tâm để sinh viên được tổ chức các hoạt động ngoại khoá bởi hoạt động Đoàn, Hội giúp ích rất nhiều cho sinh viên trong học tập và rèn luyện. Đối với Ban chấp hành Đoàn TNCSHCM ĐHQGHN em có một kiến nghị nho nhỏ: Ban chấp hành Đoàn TNCSHCM ĐHQGHN hãy đầu tư kinh phí cho Đoàn, Hội sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ để đa dạng hoá hơn các hoạt động của Đoàn, Hội. Nếu được đầu tư thì chắc chắn phong trào thanh niên của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN sẽ thành công hơn nữa.
PV: Cảm ơn em! Chúc em luôn vui, khỏe và đạt được nhiều thành công hơn nữa trên con đường đã chọn!
ĐÔI NÉT VỀ SV BÙI THỊ HOÀNG ANH
Địa chỉ: Lớp K37P1, Khoa NN&VH Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN
Chức vụ hiện đang đảm nhiệm: Bí thư chi đoàn K37P1 Khoa NN&VH Pháp, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐHNN, Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn thanh niên CSHCM Trường ĐHNN - ĐHQGHN.
Thành tích: Giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ vì thành tích sinh viên xuất sắc năm học 2003-2004, 2004-2005 và thành tích sinh viên ưu tú năm học 2005-2006; Giải 3 Giải thưởng Sinh viên NCKH Trường ĐHNN năm học 2005-2006; Bằng khen của TƯ Đoàn về thành tích xuất sắc trong chiến dịch tình nguyện hè 2005; Bằng khen của TƯ Hội Sinh viên Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên (2006); Bằng khen bí thư chi đoàn giỏi thủ đô của Thành đoàn Hà Nội (2006); Giấy khen của Thành đoàn Hà Nội về thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên (2006); Giấy khen của Thành đoàn Hà Nội về thành tích xuất sắc trong Tháng thanh niên (3/2006); 3 giấy khen của Đoàn TNCSHCM ĐHQGHN (2004, 2005); 2 lần đạt Danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp ĐHQGHN (năm học 2003-2004, 2005-2006); Giải thưởng Sao tháng Giêng năm học 2006-2007 của TƯ Hội Sinh viên Việt Nam. |
|