Chân dung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Chân dung  >  
Học phí mới năm học 2009-2010: Đẳng cấp trường qua mức tăng học phí
(ANTĐ) -Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định điều chỉnh khung học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2009-2010, các trường đại học đã có kế hoạch áp dụng mức học phí mới ở nhiều mức khác nhau ngay trong tháng 10. Mức học phí tăng kịch trần thường rơi vào những trường ĐH lớn, có thương hiệu mạnh hoặc những ngành được đánh giá “nóng”.

Tăng theo mức độ nổi tiếng?

Theo Quyết định điều chỉnh khung học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2009-2010, bắt đầu từ 1-9-2009, khung học phí điều chỉnh được áp dụng với bậc ĐH sẽ từ 50.000 đến 240.000 đồng/tháng/sinh viên. Đối với đào tạo thạc sĩ, khung học phí được điều chỉnh ở mức từ 75.000 đến 270.000 đồng/tháng/học viên, đào tạo tiến sĩ từ 100.000 đến 330.000 đồng/tháng/nghiên cứu sinh. So với khung học phí áp dụng trước đây, mức trần khung học phí mới được điều chỉnh đã tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 200.000 đồng/tháng đối với CĐ và lên 240.000 đồng/tháng đối với ĐH.

Ông Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, trường sẽ tăng học phí tất cả các ngành ở mức cao nhất mà Chính phủ cho phép là 240.000đ/tháng vì trường ĐH Kinh tế Quốc dân là trường trọng điểm chất lượng cao, trường đầu ngành trong các trường kinh tế. Nhận xét về mức tăng học phí sẽ áp dụng, ông Nam cho rằng, mức thu 240.000 đồng/tháng khá hơn so với mức học phí cũ, nhưng để đảm bảo tăng chất lượng giáo dục các trường mà không cần tăng quy mô thì học phí phải tăng gấp đôi. Hiện tại nếu không có các hệ đào tạo khác thì đào tạo chính quy là lỗ. Trong khi đó, mục tiêu của trường là đào tạo chất lượng cao, chú trọng đến đào tạo sau ĐH.

Theo ông Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, mức học phí cũ quá thấp so với tình hình kinh tế hiện nay nên trường có hai chủ trương tăng học phí. Những ngành hấp dẫn, trường sẽ thu mức cao nhất mà Chính phủ cho phép để bù lại cho những ngành ít người theo học do nhiều lý do khác nhau như khối XH, kinh tế chính trị... Đây là những ngành trường vẫn phải hỗ trợ đào tạo. Cụ thể những ngành hấp dẫn là tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, tài chính kế toán… sẽ tăng mức cao nhất là 240.000đ/tháng/sinh viên. Những ngành ít người theo học như khối xã hội, kinh tế chính trị, triết học, khoa học cơ bản… dự kiến sẽ giữ như các năm trước. Mức học phí cụ thể từng ngành sẽ do hiệu trưởng các trường thành viên quyết định.

Không chỉ có các khối kinh tế, ngân hàng, tài chính, CNTT được xác định là các ngành sẽ tăng kịch trần, nhiều ngành xã hội cũng dự kiến tăng ở mức này. Ông Hoàng Đình Cúc - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, Học viện chắc chắn sẽ tăng ở mức cao nhất mà Chính phủ cho phép, sẽ áp dụng mức học phí này cho tất cả các ngành chứ không phân biệt ngành hấp dẫn hay không hấp dẫn. Ông Nguyễn Đình Luận, Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội cũng khẳng định học phí của trường sẽ tăng ở mức cao nhất, áp dụng cho tất cả các ngành học.

Trường tốp giữa ngại sinh viên bị sốc

Trường ĐH Công đoàn cũng dự kiến tăng học phí nhưng theo lãnh đạo nhà trường mức tăng này rất ít và sẽ không có ngành nào tăng ở mức cao nhất. Theo ông Dương Văn Sao, Hiệu trưởng nhà trường, ĐH Công đoàn không phải là trường có thương hiệu cao, trường ở mức vừa phải, đối tượng học cũng vừa phải nên mức tăng học phí cũng vừa phải. Các ngành sẽ tăng là tài chính - ngân hàng, kế toán. Đối với các ngành mà trường đào tạo phải mất nhiều chi phí, thậm chí còn lỗ là ngành công tác xã hội, công nghệ thông tin. Tuy nhiên, các ngành này trường cũng sẽ tăng nhưng không cao.

Trường ĐH Thương mại đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ về mức học phí. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bách Khoa, Hiệu trưởng nhà trường thì trường đã xây dựng Đề án tài chính cụ thể với nguyên tắc cân nhắc để đảm bảo việc tăng học phí cho từng đối tượng khác nhau, phải đảm bảo không gây sốc với sinh viên. Học phí sẽ được thu theo đơn giá tín chỉ. Đối với một số ngành yêu cầu về thực hành cao hơn như thương mại điện tử, du lịch... thì sẽ tăng học phí ở mức cao.

Cùng với việc khẳng định sẽ tăng học phí, các trường cũng tính đến việc thu hút sinh viên giỏi bằng cách miễn học phí. Ông Mai Trọng Nhuận cho biết, cùng với việc tăng học phí, ĐHQGHN sẽ áp dụng chế độ sinh viên giỏi sẽ được miễn học phí và tặng học bổng. Tương tự, ông Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế-ĐHQGHN cho biết, những sinh viên học giỏi nhưng nghèo không có điều kiện trả học phí cao nhà trường sẽ liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ học bổng.

 Duy Anh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :