Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hồng Sơn đã dự và phát biểu chỉ đạo.
Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã nhấn mạnh, đào tạo nghiên cứu sinh là đào tạo trình độ cao, có vai trò và ý nghĩa then chốt, hết sức quan trọng trong việc nâng cao xếp hạng và khẳng định đẳng cấp, uy tín của một đại học nghiên cứu hàng đầu như ĐHQGHN. Trong buổi tập huấn, GS Nguyễn Đình Đức đã trình bày những mục tiêu, quan điểm, triết lý của việc xây dựng Quy chế đào tạo tiến sĩ tại ĐHQGHN, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến những điểm mới và những ưu việt của Quy chế của ĐHQGHN so với các Quy chế trước đây.
Theo Quy chế mới, trong quá trình tuyển sinh cũng như học tập, giảng viên hướng dẫn có thể đề nghị có những thay đổi hoặc bổ sung các học phần cung cấp các kiến thức kỹ năng cần thiết cho quá trình làm luận án của NCS. Trong quá trình đào tạo, nghiên cứu sinh phải tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động hỗ trợ đào tạo như trợ giảng, hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên và báo cáo định kỳ trước seminar của bộ môn 6 tháng/lần về những kết quả nghiên cứu, qua đó nâng cao chất lượng cũng như tăng cường gắn kết NCS với bộ môn/phòng thí nghiệm trong quá trình đào tạo cũng như giám sát quá trình học tập của NCS.
Về cán bộ hướng dẫn cơ hữu, phải có tối thiểu 1 cán bộ hướng dẫn là cán bộ cơ hữu của ĐHQGHN. Đồng thời, yêu cầu cán bộ hướng dẫn, thành viên tiểu ban chấm đề cương trong vòng 5 năm phải có công bố quốc tế, thành viên hội đồng và phản biện trong vòng 3 năm phải có công bố quốc tế liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của NCS nhằm nâng cao chất lượng cán bộ hướng dẫn và thành viên hội đồng. Ngoài những yêu cầu trên, hướng dẫn chính NCS phải có học hàm GS, PGS. Nếu là TS phải là tác giả chính của 2 bài bài được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI/năm và liên tục trong 3 năm liền.
Quy chế mới cũng trao quyền và trách nhiệm quyết định về chuyên môn cho bộ môn/PTN và người hướng dẫn luận án. Sau khi NCS hoàn thành chương trình đào tạo và đạt các yêu cầu về chuẩn đầu ra, Báo cáo tổng thế kết quả luận án của NCS trước seminar của bộ môn/PTN với sự tham gia của các chuyên gia trong cùng lĩnh vực nghiên cứu có ý nghĩa hết sức quan trọng để tư vấn cho NCS và giảng viên xem xét hoàn thiện luận án và quyết định trình hay không trình luận án trước hội đồng đánh giá luận án.
Quy chế cũng đặc cách bỏ qua quy trình phản biện kín với các NCS có thành tích nghiên cứu xuất sắc, là tác giả chính của 3 bài báo ISI trong thời gian làm luận án với tổng IF từ 3.0 trở lên. Đồng thời, cán bộ hướng dẫn luận án được hướng dẫn thêm số lượng NCS nếu có thành tích và năng lực nghiên cứu xuất sắc hoặc có nhiều đề tài, hoặc có đề tài lớn có thể hỗ trợ học bổng cho nhiều NCS.
Đặc biệt, Quy chế mới giảm bớt thủ tục hành chính trong việc đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn; tăng cường trao đổi sinh hoạt, đối thoại chuyên môn trong các seminar khoa học. Việc tổ chức đào tạo linh hoạt, cho phép cơ sở đào tạo thành viên, trực thuộc có thể gửi NCS của mình theo học ở các cơ sở đào tạo khác trong ĐHQGHN có học phần tương đương (đảm bảo tính liên thông trong toàn ĐHQGHN) hoặc ngoài ĐHQGHN nếu đó là các học phần cán bộ hướng dẫn xét thấy cần thiết cho NCS. Từ khâu tuyển sinh đến khi tốt nghiệp, các tác nghiệp liên quan đến quản lý NCS được thực hiện online và hồ sơ của NCS của bộ hướng dẫn được cập nhật và quản lý bằng phần mềm đào tạo.
Cũng theo quy chế mới, bằng tiến sĩ của ĐHQGHN sẽ do Giám đốc ĐHQGHN và Thủ trưởng đơn vj đào tạo cùng ký trên văn bằng.
Trong buổi tập huấn, GS. Nguyễn Đình Đức cũng nhấn mạnh sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, đào tạo chất lượng cao và đặc biệt là đào tạo trình độ cao như bậc tiến sĩ không chỉ là hoạt động đào tạo đơn thuần của ngành dọc đào tạo, mà là một trong những hoạt động quan trong nhất, cốt lõi nhất của nhà trường. Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ cũng cần có nguồn lực đầu tư phù hợp với chất lượng và trình độ, cần có sự quan tâm và ủng hộ mãnh mẽ của Nhà nước, của các cấp lãnh đạo, sự chia sẻ và phối hợp, tạo điều kiện và phối hợp của các bộ, ngành, các bộ phận, các ban/phòng trong các hoạt động như hỗ trợ học bổng, hỗ trợ đề tài, kinh phí nghiên cứu, thực hành, thực tập, làm các thí nghiệm; cơ sở vật chất, chỗ làm việc cho NCS cũng như nghiên cứu cải tổ, củng cố và tăng cường vai trò nòng cột về chuyên môn của từng bộ môn/PTN trong thời gian tới. Thực hiện Quy chế đào tạo tiến sĩ mới này là cả một hành trình nâng cao chất lượng và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ của ĐHQGHN. Kể từ khi ban hành, Quy chế đào tạo tiến sĩ của ĐHQGHN đã được xã hội quan tâm, truyền thông quan tâm và được dư luận trong và ngoài nước rất đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.
Tại buổi tập huấn, GS. Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo cũng đã nhấn mạnh những nhiệm vụ, những hoạt động mà các đơn vị, cũng như các khoa, các bộ môn, các giảng viên, các cán bộ hướng dẫn luận án và các NCS phải lưu ý thực hiện theo Quy chế mới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Nguyễn Hồng Sơn đã nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm, những định hướng lớn, những đổi mới quan trọng trong công tác đào tạo ở ĐHQGHN. Phó Giám đốc Nguyễn Hồng Sơn khẳng định đào tạo ở ĐHQGHN hướng đến các kỹ năng mới, ngành nghề mới, chuẩn đầu ra mới và tiếp cận mới. Đào tạo hỗ trợ phát triển tài năng cá nhân đồng thời thúc đẩy được năng lực sáng nghiệp tập thể; tinh thần đổi mới sáng tạo được thể hiện trong cơ cấu ngành nghề đào tạo; cấu trúc của từng chương trình đào tạo, giáo trình, bài giảng và phương thức tổ chức đào tạo.
Phó Giám đốc khẳng định, với triết lý đào tạo khai phóng và học tập suốt đời sẽ giúp cho người học và người dạy phát huy tiềm năng của mình. Trọng tâm đào tạo trong toàn ĐHQGHN theo hướng tư duy và đổi mới, giúp người học có khả năng tự tìm kiếm và khai thác các kiến thức liên ngành, đa ngành, đặc biệt có thể áp dụng những kiến thức đó vào thực tiễn.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về các điểm mới cũng như nội dung, giải pháp để triển khai, đưa các quy định trong Quy chế vào trong thực tế đào tạo tiến sĩ tại ĐHQGHN.
|