Kỳ thi năm nay được giao cho Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN đăng cai tổ chức với 10 môn thi, bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo kỳ thi, có 622 thí sinh dự thi trên tổng số 770 thí sinh đăng ký, đạt tỉ lệ 80,8%.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Phó Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi cho biết, ĐHQGHN tổ chức kỳ thi này nhằm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, động viên, khuyến khích người dạy và học sinh phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi - học giỏi; tạo cơ hội cọ sát, học hỏi nâng cao chất lượng giảng dạy bậc THPT; đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng và tạo cơ hội cho học sinh giỏi được xét tuyển vào các chương trình đào tạo trình độ đại học của ĐHQGHN.
Về công tác đề thi, ĐHQGHN đã thành lập Hội đồng soạn thảo đề thi với sự tham gia của Ban Đào tạo và một số thành viên ngoài đơn vị tổ chức đào tạo để đảm bảo tính khách quan. Hội đồng soạn thảo đề thi bắt đầu làm việc tại khu cách ly từ ngày 19/3/2022.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng ban chỉ đạo đánh giá, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế và các văn bản quy định của ĐHQGHN. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành, ra đề, coi thi, chấm thi, lên điểm thi, giám sát, thanh tra đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Công tác an ninh, y tế, hậu cần, cơ sở vật chất được thực hiện chu đáo, nghiêm túc. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các điểm thi đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thích ứng linh hoạt với tình hình mới, đảm bảo các điều kiện an toàn cho thí sinh.
Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết thêm, các học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi sẽ được xét tuyển thẳng vào các chương trình đào tạo bậc đại học của các đơn vị đào tạo thành viên và trực thuộc ĐHQGHN theo Đề án tuyển sinh của từng trường/khoa.
ĐHQGHN giao Trường ĐH Ngoại ngữ xây dựng cấu trúc và ra đề thi môn Ngoại ngữ; Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn xây dựng cấu trúc và ra đề thi môn Ngữ văn, Lịch sử; Trường THPT Khoa học Giáo dục xây dựng cấu trúc và ra đề thi môn Địa lý.
Theo đó, môn Ngoại ngữ gồm 02 bài thi: Trắc nghiệm (thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm với 60 câu hỏi trong vòng 45 phút) và Nói (mỗi thí sinh độc thoại với giám khảo theo chủ đề được nhận trong thời gian 8 phút).
Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn gồm 2 câu hỏi (Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học) dạng tự luận với thời gian làm bài 180 phút.
Môn Lịch sử gồm 6 câu hỏi dạng tự luận, bao gồm các kiến thức lịch sử Việt Nam (4 câu) và lịch sử thế giới (2 câu) với thời gian làm bài 180 phút.
Môn Địa lý gồm 7 câu hỏi dạng tư luận trải đều ba mảng kiến thức: Địa lý đại cương (tự nhiên, kinh tế - xã hội); Địa lý tự nhiên Việt Nam; Địa lý kinh tế - xã hội Việt Nam.
Nội dung thi nằm trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và nội dung dạy học các môn chuyên trường THPT chuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn.
Ban tổ chức kỳ thi Olympic VNU năm học 2021 - 2022 cũng công bố thang điểm cho mỗi môn thi. Theo đó, mỗi môn thi Ngoại ngữ được tính theo thang điểm 100, trong đó, phần thi trắc nghiệm 60 điểm và phần thi nói 40 điểm. Các môn thi Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý tính thang điểm 20.
>>> Các tin tức liên quan:
- Lần đầu tiên ĐHQGHN tổ chức kỳ thi Olympic bậc Trung học phổ thông
- ĐHQGHN công bố cấu trúc đề thi Olympic bậc THPT năm học 2021 – 2022
- Quy định tạm thời thi Olympic bậc Trung học phổ thông của ĐHQGHN
|