Tới dự có đại diện Viện Tâm lý học, Hội Tâm lý học Việt Nam, Viện Nghiên cứu con người, các bệnh viện và trung tâm tư vấn là đối tác của khoa. Về phía nhà trường có PGS. TS. Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng nhà trường, đại diện các phòng, ban chức năng, các khoa, bộ môn trường cùng đông đảo các thầy cô giáo và sinh viên, học viên sau đại học của Khoa.
TS. Đặng Xuân Kháng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ công bố quyết định của Hiệu trưởng Nhà trường bổ nhiệm PGS. TS. Nguyễn Hữu Thụ giữ chức vụ Chủ nhiệm khoa Tâm lý học, TS. Hoàng Mộc Lan và TS. Trương Thị Khánh Hà giữ chức vụ Phó chủ nhiệm khoa nhiệm kỳ 2006-2011. PGS. TS. Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Nhà trường đã trao quyết định bổ nhiệm và chúc mừng Ban Chủ nhiệm mới.
PGS. TS. Nguyễn Văn Khánh phát biểu khẳng định những đóng góp tích cực của Ban Chủ nhiệm khoa nhiệm kỳ trước đối với sự phát triển của khoa và Nhà trường. Trong thời gian tới, Ban Chủ nhiệm mới phải có trách nhiệm tạo được khối đoàn kết, nhất trí cao trong đội ngũ cán bộ, thúc đẩy hơn nữa mọi mặt hoạt động để quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh của khoa trong giới Tâm lý học Việt Nam. Hiện Khoa đang triển khai đào tạo song ngữ Việt - Pháp bậc cử nhân và thạc sỹ ngành Tâm lý học lâm sàng với sự hợp tác của AUF (Cơ quan đại học Pháp ngữ). Đây là cơ hội thuận lợi để khoa có thể nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến mục tiêu quốc tế hoá chương trình đào tạo Tâm lý học.
Thay mặt Ban Chủ nhiệm mới, PGS. TS. Nguyễn Hữu Thụ - Chủ nhiệm khoa phát biểu điểm lại chặng đường phát triển của khoa từ khi thành lập và một số định hướng hoạt động chính trong nhiệm kỳ tới:
- Nhằm tăng cường tính ứng dụng trong nghiên cứu và đào tạo, Khoa sẽ xây dựng thêm tổ bộ môn Tâm lý quản lý - kinh doanh và một số tổ bộ môn mang tính ứng dụng khác.
- Phấn đấu đến năm 2011 có 20 biên chế, trong đó có 01 GS, 06 PGS, 12 TS, 5ThS.
- Chuyển đổi chương trình đào tạo từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ cho tất cả các hệ đào tạo.
- Phối hợp với AUF để triển khai đào tạo chương trình đào tạo thạc sỹ quốc tế Pháp - Việt "Tâm lý học xã hội, lao động và sức khoẻ".
- Triển khai các đề tài nhà nước, trọng điểm cấp ĐHQGHN mang tính chất liên ngành nhằm giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra.
- Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học với các trường đại học lớn trên thế giới. Tổ chức 02 hội thảo quốc tế "Hậu quả tâm lý - xã hội sau chiến tranh Việt Nam và giải pháp cho sự phát triển cộng đồng" và "Tâm lý học đường và công tác giáo dục trong nhà trường".
- Xây dựng các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ phục vụ nhu cầu xã hội: "Kỹ năng tư vấn và thực hành tâm lý", "Kỹ năng tìm kiếm việc làm", "Kỹ năng giao tiếp công sở"...
|