Ngày 31/3/2021, ĐHQGHN ban hành quyết định số 818/QĐ-ĐHQGHN hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 ở ĐHQGHN. Theo đó, các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 ở ĐHQGHN như sau: 1. Ban Chỉ đạo tuyển sinh của ĐHQGHN 1.1. Giám đốc ĐHQGHN quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tuyển sinh 1.2. Thành phần Ban Chỉ đạo tuyển sinh a) Trưởng ban: Đại diện Ban Giám đốc; b) Phó Trưởng ban: Trưởng ban Đào tạo; c) Các uỷ viên: Đại diện lãnh đạo Ban Đào tạo, Ban Thanh tra và Pháp chế, Văn phòng ĐHQGHN; đại diện lãnh đạo các đơn vị đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN; d) Thư ký: Chuyên viên Ban Đào tạo. Những người có người thân (con, vợ/chồng, anh, chị, em ruột của mình và của chồng/vợ) dự thi hay đăng ký xét tuyển vào ĐHQGHN không được tham gia Ban Chỉ đạo tuyển sinh của ĐHQGHN. 1.3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo tuyển sinh a) Chỉ đạo và tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 của ĐHQGHN; b) Chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 của ĐHQGHN; c) Điều phối các nguồn lực phục vụ công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 đảm bảo sự liên thông, thống nhất trong toàn ĐHQGHN và Bộ GDĐT; d) Phê duyệt Đề án tuyển sinh của các đơn vị đào tạo; e) Quy định tiêu chí và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐHQGHN; f) Phê duyệt điểm trúng tuyển theo ngành/nhóm ngành/chương trình đào tạo (CTĐT) đối với các Khoa trực thuộc ĐHQGHN; g) Giám sát, kiểm tra công tác tổ chức tuyển sinh của các đơn vị đào tạo; h) Công bố thông tin tuyển sinh, quản lý tài khoản, mật khẩu tuyển sinh của các đơn vị trên Cổng thông tin tuyển sinh và Hệ thống tuyển sinh (trang nghiệp vụ) của Bộ GDĐT và của ĐHQGHN. 2. Hội đồng tuyển sinh các đơn vị 2.1. Thủ trưởng đơn vị ra quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh (HĐTS) để điều hành các công việc liên quan đến công tác tuyển sinh và gửi quyết định thành lập HĐTS báo cáo Ban Chỉ đạo tuyển sinh (qua Ban Đào tạo). 2.2. Thành phần của HĐTS gồm có: a) Chủ tịch: Đại diện lãnh đạo đơn vị; b) Phó Chủ tịch: Cấp phó lãnh đạo đơn vị hoặc trưởng phòng Đào tạo; c) Uỷ viên thường trực: Trưởng phòng hoặc phó trưởng phòng Đào tạo; d) Các uỷ viên: Một số trưởng phòng, trưởng khoa, trưởng bộ môn và cán bộ công nghệ thông tin, cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của đơn vị; Những người có người thân (con, vợ/chồng, anh, chị, em ruột của mình và của chồng/vợ) dự thi hay đăng ký xét tuyển vào đơn vị không được tham gia HĐTS và các tiểu ban giúp việc HĐTS của đơn vị. 2.3. Nhiệm vụ và quyền hạn của HĐTS a) Công bố các thông tin tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của đơn vị để thí sinh tra cứu trước khi thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, đăng ký xét tuyển (ĐKXT) gồm: mã trường, tên ngành, mã xét tuyển (ví dụ: ngành Báo chí có mã xét tuyển: QHX01) hoặc mã ngành đào tạo (ví dụ: ngành Luật có mã ngành: 7380101) hoặc mã nhóm ngành xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành theo từng phương thức, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng điểm nhận ĐKXT, quy định chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp (nếu có), các điều kiện/tiêu chí phụ sử dụng trong xét tuyển và các quy định khác không trái với Quy chế tuyển sinh hiện hành. Riêng các CTĐT chất lượng cao trình độ đại học theo đề án, các CTĐT theo đặc thù đơn vị, CTĐT thí điểm phải có ghi chú đầy đủ thông tin. b) Chịu trách nhiệm cập nhật đầy đủ các thông tin về tuyển sinh của đơn vị lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT và Cổng thông tin tuyển sinh của ĐHQGHN trong thời hạn quy định; c) Cử cán bộ am hiểu công nghệ thông tin và có kinh nghiệm tuyển sinh tham gia tập huấn, vận hành Cổng thông tin tuyển sinh chung của Bộ GDĐT và của ĐHQGHN; d) Tổ chức triển khai các hoạt động tư vấn tuyển sinh theo kế hoạch chung của ĐHQGHN và của đơn vị; Hoàn thiện thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2021; Tổ chức triển khai các nội dung trong Đề án tuyển sinh đã công bố; e) Giải quyết thắc mắc và khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác tuyển sinh; f) Thu và sử dụng lệ phí xét tuyển theo quy định; g) Tổng kết công tác tuyển sinh của đơn vị, quyết định khen thưởng, kỷ luật (nếu có) theo quy định hiện hành của ĐHQGHN và của Bộ GDĐT; h) Báo cáo Ban Chỉ đạo tuyển sinh kết quả công tác tuyển sinh theo Quy chế và Hướng dẫn tuyển sinh sau mỗi kỳ tuyển sinh. 2.4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch HĐTS a) Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh của đơn vị; b) Báo cáo Ban Chỉ đạo tuyển sinh, Bộ GDĐT và các cơ quan có trách nhiệm về công tác tuyển sinh của đơn vị; c) Thành lập các tiểu ban giúp việc cho HĐTS để triển khai công tác tuyển sinh. 2.5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Chủ tịch HĐTS: Thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch HĐTS phân công và thay mặt Chủ tịch HĐTS giải quyết công việc khi được uỷ quyền. 2.6. Tiểu ban thư ký HĐTS a) Chủ tịch HĐTS thành lập tiểu ban Thư ký. b) Thành phần tiểu ban thư ký HĐTS gồm có: - Trưởng ban do Uỷ viên thường trực HĐTS đơn vị kiêm nhiệm; - Các thành viên: một số cán bộ phòng Đào tạo/Tuyển sinh/Khảo thí, cán bộ các khoa và cán bộ công nghệ thông tin. c) Nhiệm vụ và quyền hạn của tiểu ban Thư ký - Cập nhật các thông tin liên quan đến điều kiện xét tuyển, hồ sơ, kế hoạch xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT, của ĐHQGHN, trang thông tin điện tử của đơn vị và các phương tiện thông tin đại chúng; - Cập nhật Đề án, thông tin tuyển sinh của đơn vị lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT và của ĐHQGHN; - Dự kiến phương án điểm trúng tuyển, trình HĐTS quyết định; Lập danh sách thí sinh trúng tuyển theo phương án tuyển sinh đã được phê duyệt; - Cập nhật và công bố danh sách thí sinh xác nhận nhập học trên trang thông tin điện tử của đơn vị; Cập nhật danh sách trúng tuyển vào cơ sở dữ liệu lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT và của ĐHQGHN; - In, trình ký và gửi giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển; - Kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng tuyển theo quy định tại Quy chế tuyển sinh; - Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch HĐTS giao. 2.7. Các tiểu ban giúp việc khác (nếu cần thiết) do Chủ tịch HĐTS quy định. 3. Nguyên tắc xây dựng tổ hợp các môn thi để xét tuyển 3.1. Đối với tổ hợp các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), việc thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có ít nhất một trong hai môn thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành. Trường hợp tổ hợp xét tuyển có bài thi/môn thi ngoại ngữ thì không sử dụng nhiều hơn 3 ngoại ngữ khác nhau để xét tuyển vào một ngành/nhóm ngành/CTĐT. Riêng với các CTĐT chất lượng cao trình độ đại học theo đề án phải đảm bảo xét tuyển có điều kiện ngoại ngữ đầu vào: kết quả môn Ngoại ngữ của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt tối thiểu điểm 4.0 trở lên (theo thang điểm 10) hoặc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành. 3.2. Tùy theo yêu cầu của ngành/nhóm ngành/CTĐT, các HĐTS có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển và các điều kiện phụ (nếu có). 4. Nguồn tuyển sinh 4.1. Thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và dự bị đại học xét tuyển theo quy định của Bộ GDĐT và quy định của ĐHQGHN tại Mục 5 của Hướng dẫn này. 4.2. Thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định. 4.3. Thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) học sinh THPT do ĐHQGHN tổ chức năm 2021 đạt tối thiểu 80/150 điểm trở lên. 4.4. Thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK; sau đây gọi tắt là chứng chỉ A-Level): Thí sinh sử dụng chứng chỉ A-Level có kết quả 3 môn thi trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc Ngữ văn theo các tổ hợp quy định của ngành đào tạo tương ứng đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60). 4.5. Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1100/1600 trở lên. Mã đăng ký của ĐHQGHN với tổ chức thi SAT (The College Board) là 7853-Vietnam National University-Hanoi (thí sinh cần khai báo mã đăng ký trên khi đăng ký thi SAT). 4.6. Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT (American College Testing) đạt điểm từ 22/36. 4.7. Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương quy định trong Phụ lục 8 hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác (quy định tại Phụ lục 9) và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm trong kỳ thi THPT năm 2021 (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn). Lưu ý: Các chứng chỉ quốc tế phải còn hạn sử dụng tính đến ngày ĐKXT (thời hạn sử dụng 02 năm kể từ ngày dự thi). Chi tiết hướng dẫn tại đây.
|