1. Nhóm nghiên cứu mạnh
Nhóm nghiên cứu mạnh là tập thể các nhà khoa học được tập hợp theo hướng chuyên môn, hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo đạt hiệu quả tốt, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tiếp cận các tiêu chí của đại học nghiên cứu tiên tiến; làm nòng cột hoặc phối hợp với các nhóm nghiên cứu khác để triển khai các nội dung khoa học của một số hướng nghiên cứu xác định, có tính bền vững gắn với các hoạt động đào tạo của đơn vị.
2. Phương thức tổ chức và hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh
a) Nhóm nghiên cứu là một hình thức tổ chức mở; hoạt động có tính ổn định tương đối nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững của quá trình đầu tư và phát triển. Nhóm nghiên cứu mạnh được hình thành dựa trên các nguồn nhân lực sau đây:
- Các cán bộ khoa học của một phòng thí nghiệm, bộ môn, khoa, trung tâm nghiên cứu và sự tham gia của các cán bộ khoa học ở các đơn vị khác (trong và ngoài ĐHQGHN) có cùng chuyên môn;
- Cán bộ khoa học có cùng một hướng nghiên cứu từ các đơn vị khác nhau được tập hợp do một nhà khoa học có uy tín đứng đầu để phát triển một hướng nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu liên ngành.
- Khuyến khích nhóm nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế xuất sắc (có công bố quốc tế hoặc ấn phẩm khoa học cùng hướng nghiên cứu) theo hình thức cộng tác viên hoặc hình thức hợp tác phù hợp khác.
b) Tùy theo kết quả đã đạt được, mức độ tập hợp và tầm ảnh hưởng, nhóm nghiên cứu mạnh được phân thành 2 cấp: cấp ĐHQG và cấp đơn vị (thành viên và trực thuộc). Cụ thể:
- Nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQG: có khả năng tích hợp, kết nối nhiều đề tài thành Chương trình nghiên cứu lớn, hướng đến sản phẩm KH&CN tiêu biểu quốc gia, quốc tế; tạo được các yếu tố cạnh tranh; có thể đầu tư hướng tới hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc.
- Nhóm nghiên cứu mạnh cấp đơn vị: có khả năng gia tăng số lượng và chất lượng các sản phẩm KH&CN, gia tăng trọng số nghiên cứu và thúc đẩy sự phát triển đơn vị theo định hướng nghiên cứu.
3. Các tiêu chí xét chọn khen thưởng nhóm nghiên cứu KH&CN tiêu biểu ĐHQGHN năm 2014
a) Lãnh đạo nhóm nghiên cứu
Lãnh đạo nhóm là cán bộ khoa học cơ hữu của ĐHQGHN hoặc nhà khoa học khác ở trong và ngoài nước, có học vị tiến sĩ trở lên, có uy tín khoa học, có khả năng quản lý và tập hợp các nhà khoa học. Trong 5 năm gần đây có các thành tích sau trên lĩnh vực trùng với định hướng nghiên cứu chính của nhóm:
- Chủ trì đề tài cấp ĐHQGHN trở lên;
- Là tác giả hoặc chủ biên của ít nhất 01 sách chuyên khảo hoặc tác giả, đồng tác giả của ít nhất 05 công bố ISI hoặc tác giả của ít nhất 01 phát minh, sáng chế; hoặc có các sản phẩm KH&CN có ứng dụng thực tiễn có tác động xã hội lớn, có giá trị lý luận, làm cơ sở tư vấn cho hoạch định chính sách quốc gia hoặc tích hợp một số thành tích đã nêu;
- Đã và đang hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS);
- Sử dụng thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ phổ biến (Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc), trong đó giao tiếp được bằng tiếng Anh;
- Có tầm nhìn, kế hoạch chiến lược dài hạn, có khả năng đánh giá tầm ảnh hưởng và xu hướng phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, có quan điểm phát triển bền vững;
- Có mục tiêu và chiến lược nghiên cứu rõ ràng, phù hợp với các hướng nghiên cứu trọng tâm, mũi nhọn của quốc gia và ĐHQGHN;
- Có khả năng đề xuất các nghiên cứu tích hợp, kết nối thành những chương trình nghiên cứu lớn, hướng đến sản phẩm tầm cỡ quốc gia, quốc tế;
- Có khả năng huy động các nguồn lực đảm bảo điều kiện cho hoạt động của nhóm.
- Đã thực hiện và hoàn thành các chương trình nghiên cứu đúng kế hoạch.
b) Thành viên nhóm nghiên cứu
Thành viên của nhóm nghiên cứu đảm bảo yêu cầu:
- Là các nhà khoa học trong nước (và quốc tế) có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ trở lên; đã có các sản phẩm KH&CN tiêu biểu trong hướng nghiên cứu;
- Đã và đang hướng dẫn học viên cao học và NCS;
c) Điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị
- Đã có cơ sở vật chất và các trang thiết bị cơ bản để triển khai hướng nghiên cứu.
d) Hợp tác nghiên cứu
- Hợp tác quốc tế có các hoạt động và sản phẩm KH&CN chung với đối tác;
- Các nhà khoa học có khả năng tiếp cận và tham gia hợp tác với doanh nghiệp, địa phương.
e) Phát triển bền vững
- Hàng năm gia tăng các số lượng các sản phẩm KH&CN ít nhất 15%;
f) Sản phẩm KHCN
Trong 5 năm gần đây có nhiều sản phẩm KHCN chất lượng cao, thể hiện bằng:
- Sách chuyên khảo;
- Số bài báo công bố quốc tế (ISI/Scopus);
- Số Thạc sỹ, Tiến sỹ đã đào tạo;
- Số sản phẩm KHCN được chuyển giao, thương mại hóa;
- Số bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ về phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích…
g) Các thành tích hoạt động KHCN khác
- Khen thưởng tại các Triển lãm, Hội chợ KHCN;
- Thành tích hướng dẫn sinh viên tham gia nghiên cứu có thành tích cao;
- Tổ chức Hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế…
|