Tin văn bản pháp luật
(Liên quan đến hoạt động của ĐHQGHN do các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành từ ngày 11/4 đến 15/5/2008)
1. Quy định về đạo đức nhà giáo - Theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành ngày 16/4/2008, quy định: Nhà giáo không tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định ; Không sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi; Không trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ việc; không đi muộn về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường. Ngoài ra, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; không gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân; Không gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục; Không trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp; Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác; Không hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, trong trường học và nơi không được phép hoặc khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường… Nhà giáo phải là người tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
2. Ngày 22/4/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 21/2008/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục. Theo đó, hình thức thi đua gồm có thi đua thường xuyên và thi đua theo đợt. Thi đua thường xuyên: là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt nhất công việc hằng ngày, hằng tháng, hằng quý, hằng năm của cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thi đua theo đợt: là hình thức thi đua do cơ sở giáo dục phát động theo chủ đề, chủ điểm, hằng tháng, học kỳ để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học; Phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động thi đua theo đợt, theo chuyên đề, hội thi nhằm thực hiện các chuyên đề, chương trình, đề án, hoặc giải quyết những nhiệm vụ đột xuất của ngành trong một thời gian nhất định.. Thông tư nói trên cũng đã đề cập đến tiêu chuẩn và việc bình xét các danh hieeuk thi đua, thẩm quyền quyết định công nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và tiêu chuẩn khen thưởng, thủ tục, hồ sơ và quy trình đề nghị khen thưởng… Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
3. Ngày 24/4/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2412/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012. Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành giáo dục đã đề cập đến các vấn đề về đối tượng, nội dung, hình thức và các biện pháp tổ chức thực hiện việc tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật của ngành. Văn bản nói trên cúng đã đề cập đến việc các cơ sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện trường đại học xây dựng cơ chế bố trí ngân sách giành riêng cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện theo thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 5/8/2005 của Bộ Tài chính.
4. Ngày 28/4/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 23/2008/TTLT/BGDĐT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, học sinh, sinh viên (HSSV) hệ cử tuyển, đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học; học viên là thương binh, người tàn tật, người khuyết tật... được hưởng mức học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu, kể từ ngày 1/1/2008. Các đối tượng nêu trên được cấp học bổng chính sách đủ 12 tháng/1 năm. Đối với các chương trình đào tạo có thời gian dưới 1 năm hoặc có thời gian học năm cuối không đủ 12 tháng thì học bổng được cấp theo số tháng thực học của năm học đó. Học bổng chính sách được cấp hàng tháng đối với người học nhận học bổng thông qua thẻ ATM. Người học nhận học bổng thông qua cơ sở giáo dục được cấp 2 lần trong năm, vào tháng 10 và tháng 3. Đối với người học nhận học bổng bằng tiền mặt, học bổng được chi trả thông qua gia đình. HSSV đã nhận học bổng chính sách mà tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học thì phải bồi hoàn toàn bộ số tiền học bổng đã nhận từ đầu khóa học đến thời điểm thôi học. Không được nhận học bổng trong thời gian bị đình chỉ học tập, trừ trường hợp dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật hoặc tự thôi học. Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
5. Ngày 28/4/2008, Bộ tài chính ban hành quyết định số 18/2008/QĐ-BTC về việc công bố lãi suất thanh toán Công trái giáo dục phát hành năm 2003. Theo đó, từ ngày 5/5/2008 hệ thống KBNN thực hiện thanh toán Công trái giáo dục phát hành năm 2003 theo mức lãi suất 68%/5năm tại 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
|
6. Ngày 5/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng. Theo đó, nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi (dự án đầu tư) được tham gia đấu thầu lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghiệp cho đến trước ngày 1/4/2009. Trong trường hợp này, bên mời thầu phải cung cấp hồ sơ mời thầu với đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan gồm cả báo cáo nghiên cứu khả thi (dự án đầu tư) và phải bảo đảm đủ thời gian để các nhà thầu có điều kiện như nhau trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Nhà thầu đã lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghệ cho gói thầu không được tham gia đấu thầu xây lắp, cung cấp hàng hóa cho gói thầu đó kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đối với gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp). Để bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, Nghị định nêu rõ các điều kiện về tính độc lập giữa các nhà thầu, giữa nhà thầu với chủ đầu tư. Cụ thể, chủ đầu tư và nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu thuộc cùng một dự án được coi là độc lập với nhau về tổ chức, không cùng một cơ quan quản lý và độc lập với nhau về tài chính khi đáp ứng điều kiện: Không có cổ phần hoặc vốn góp trên 50% của nhau. Chủ đầu tư và nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu thuộc cùng một dự án được coi là độc lập với nhau về tổ chức, không cùng một cơ quan quản lý và độc lập với nhau về tài chính khi đáp ứng điều kiện: Không có cổ phần hoặc vốn góp trên 50% của nhau; Hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 đối với nhà thầu là tổ chức. Quy định này được thực hiện từ ngày 1/4/2009. Các nhà thầu được coi là độc lập với nhau nếu đáp ứng 2 điều kiện: không cùng thuộc một cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ra quyết định thành lập, trừ các nhà thầu là doanh nghiệp đã chuyển đổi và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005; Không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau. Quy định này cũng được thực hiện từ ngày 1/4/2009. Việc xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu cũng được quy định chi tiết, theo đó, mức phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng. Hành vi đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu không căn cứ vào các yêu cầu của hồ sơ mời thầu; các hành vi vi phạm dẫn đến phải tổ chức đấu thầu lại… có mức phạt tiền từ 5 đến 30 triệu đồng. Mức phạt từ 20 đến 50 triệu đồng nếu thực hiện các hành vi sau: dàn xếp, thông đồng giữa tất cả nhà thầu, giữa nhà thầu với chủ đầu tư…; người phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu dẫn đến phải huỷ đấu thầu hoặc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực…; Nhà thầu thực hiện hợp đồng xây lắp, cung cấp hàng hoá thông đồng với nhà thầu tư vấn giám sát, cơ quan, tổ chứ nghiệm thu để xác nhận sai về chất lượng, khối lượng của công trình, hàng hoá… Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|