1. Ngày 22/2/2008, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư số 05/2008/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng. Việc điều chỉnh phải tuân thủ nguyên tắc: điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được tính cho khối lượng thi công xây lắp từ năm 2007 chịu ảnh hưởng của biến động giá vật liệu xây dựng làm tăng chi phí xây dựng công trình ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu... Ngoài ra, điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được xác định cho từng hợp đồng thi công xây dựng công trình, từng gói thầu và cho cả dự án. Phần chi phí bổ sung do điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được xác định bằng dự toán chi phí xây dựng bổ sung và là căn cứ để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu, điều chỉnh dự toán công trình và điều chỉnh tổng mức đầu tư.Đối với các gói thầu đã chỉ định thầu và tự thực hiện dự án, đã có kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng chưa ký hợp đồng xây dựng hoặc hợp đồng đang thực hiện (theo giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định) thì chủ đầu tư xác định dự toán chi phí xây dựng bổ sung để làm căn cứ điều chỉnh dự toán xây dựng công trình… Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, trường hợp giá gói thầu sau khi điều chỉnh không vượt giá gói thầu đã được phê duyệt thì chủ đầu tư quyết định phê duyệt. Trường hợp giá gói thầu sau khi điều chỉnh vượt giá gói thầu đã được phê duyệt nhưng không vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư quyết định phê duyệt và gửi kết quả để báo cáo người quyết định đầu tư. Trường hợp giá gói thầu sau khi điều chỉnh làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định.Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Ngày 3/3/2008, Bộ Nội vụ ban hành thông tư số 02/2008/TT-BNV về việc sửa đổi điểm b khoản 1 mục I Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Theo đó, người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển là người đạt yêu cầu, tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch dự tuyển và có kết quả học tập trung bình toàn khoá (được quy đổi theo thang điểm 100) nhân hệ số 2, sau đó được cộng với điểm ưu tiên theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước tính từ người có kết quả cao nhất cho đến hết chỉ tiêu được tuyển dụng. Trường hợp nhiều người có kết quả xét tuyển bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng thì Hội đồng tuyển dụng bổ sung nội dung phỏng vấn để lựa chọn người có kết quả cao nhất trúng tuyển.
3. Ngày 06/3/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 08/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Quy chế quy định: Môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) được công bố chậm nhất vào ngày 31/3 hàng năm. Trong một kỳ thi, mỗi môn thi có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương về yêu cầu và nội dung. Mỗi đề thi có hướng dẫn chấm thi kèm theo. Thí sinh học chương trình THPT phân ban thí điểm được thi theo đề thi riêng. Nội dung đề thi dựa trên mặt bằng kiến thức cơ bản của Ban Khoa học Tự nhiên và Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đề thi gồm hai phần: phần các câu hỏi chung cho tất cả các thí sinh và phần các câu hỏi riêng theo đặc điểm chương trình từng ban. Thí sinh học theo ban nào phải làm phần đề thi riêng của ban đó. Thí sinh làm cả 2 phần đề thi riêng là vi phạm quy chế thi và không được chấm điểm bài làm phần đề thi riêng. Mỗi phòng thi không quá 24 thí sinh, khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2 mét. Hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT lần 2 được phép ghép phòng thi nhưng phải đảm bảo không quá 24 thí sinh trong phòng thi ghép và phải thu bài thi riêng theo từng môn thi. Thí sinh được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan đến việc làm bài thi gồm bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử; Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu. Thí sinh phải có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ quy định, chấp hành hiệu lệnh của Hội đồng coi thi và hướng dẫn của giám thị. Khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài, thí sinh đến muộn sẽ không được dự thi. Khi làm bài, thí sinh tuyệt đối không được trao đổi bàn bạc, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi. Bài thi phải viết rõ ràng, phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo; không được tẩy, xoá bằng bất kỳ cách gì. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
4. Ngày 14/3/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ với 24 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KHCN gồm hoạt động KHCN; phát triển tiềm lực KHCN; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý.Để phát triển tiềm lực KHCN, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện quy hoạch phát triển các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong cả nước, tổ chức dịch vụ KHCN. Bộ cũng tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo đồng bộ xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành và hỗ trợ phát triển các lực lượng hoạt động KHCN và phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính phát triển KHCN và biện pháp thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động KHCN. Thiết lập cơ sở dữ liệu về nhân lực và thành tựu KHCN, đầu tư phát triển các mạng thông tin KHCN tiên tiến kết nối với khu vực và quốc tế cũng là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ KHCN nhằm phát triển tiềm lực KHCN.Bộ KHCN có 18 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm 8 Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, cơ quan đại diện của Bộ tại TP.Hồ Chí Minh, 5 Cục và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng. Có 6 tổ chức sự nghiệp nhà nước thuộc Bộ KHCN.Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
5. Cũng trong ngày 14/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, các tổ chức trong nước và nước ngoài, cá nhân, nếu hội đủ các điều kiện, có thể tham gia cung cấp một số dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN. Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN được đấu thầu khi đáp ứng được các điều kiện nhất định trong đó có điều kiện tổng trị giá của dịch vụ phải từ 500 triệu đồng trở lên. Nhà cung cấp dịch vụ tham gia dự thầu phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành, nghề phù hợp, có chức năng cung ứng các dịch vụ phù hợp với dịch vụ sự nghiệp công tham gia đấu thầu, có tình hình tài chính lành mạnh và không trong quá trình giải thể. Ngoài ra, nhà cung cấp phải nộp tiền bảo lãnh theo yêu cầu của cơ quan tổ chức đấu thầu cũng như đáp ứng yêu cầu nêu trong thông báo mời thầu hoặc thư mời thầu của bên mời thầu. Đối với nhà cung cấp là tổ chức, đơn vị trong nước và nước ngoài, một trong những điều kiện tham gia dự thầu là có tư cách pháp nhân.Thời gian thẩm định trong đấu thầu tối đa là 20 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với những dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN nếu không đủ điều kiện để đấu thầu hoặc chỉ có một nhà cung cấp duy nhất không thể thực hiện đấu thầu; các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được bố trí kinh phí từ NSNN được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đặt hàng.Có 23 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN được thực hiện đấu thầu, đặt hàng như dịch vụ đào tạo cử nhân, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; đào tạo lưu học sinh tại Việt Nam; sáng tác, biên soạn sách báo, tạp chí và các ấn phẩm văn hóa phục vụ nhiệm vụ của Nhà nước; huấn luyện thi đấu thành tích cao do Nhà nước đặt hàng; tổ chức lễ khai mạc, bế mạc phục vụ các ngày lễ lớn của Nhà nước, tổ chức các đại hội thể thao, văn hóa; đo đạc đất đai để phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN chưa đủ điều kiện thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng thì Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công trực thuộc thực hiện theo quy định hiện hành. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
6. Ngày 19/3/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ trình Thủ tướng phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm của toàn ngành; các chiến lược, quy hoạch vùng trọng điểm; các đề án, dự án và chương trình quốc gia về lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Bộ có thẩm quyền ban hành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; chương trình khung đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; khung chương trình, khối lượng kiến thức đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; chỉ đạo việc đổi mới chương trình giáo dục các cấp, bậc học.Tiêu chí phát triển giáo dục; tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; quy định về công nhận đạt phổ cập giáo dục cũng do Bộ ban hành. Ngoài ra, Bộ quy định việc biên soạn, thẩm định, duyệt, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa, giáo trình; chỉ đạo việc xây dựng giáo trình điện tử, thư viện điện tử, cơ sở dữ liệu cấp quốc gia.Ban hành các quy chế thi và tuyển sinh, chế độ cử tuyển; quy định chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục ở từng cấp học và trình độ đào tạo; chỉ đạo kiểm định chất lượng giáo dục cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.Về quản lý đào tạo với nước ngoài, Bộ chịu trách nhiệm ban hành các quy chế quản lý học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài; tổ chức các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ việc liên doanh, liên kết giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo của nước ngoài với các cơ sở của Việt Nam.Nghị định này có hiẹu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
7. Ngày 7/4/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển của một tỉnh không vượt quá 15% chỉ tiêu cử tuyển được giao cho tỉnh đó. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tuyển chọn người học theo chế độ cử tuyển đúng đối tượng, tiêu chuẩn, trình độ đào tạo theo quy định, tổ chức ký hợp đồng đào tạo với các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, bàn giao hồ sơ của người được cử tuyển cho các cơ sở giáo dục quản lý (hồ sơ của người được cử tuyển được lưu giữ tại địa phương 01 bộ và giao cho cơ sở giáo dục 01 bộ)… Khi nộp hồ sơ, người đăng ký học theo chế độ cử tuyển phải xuất trình bản chính các văn bằng, học bạ để đối chiếu, kiểm tra. Cán bộ kiểm tra ghi vào bản sao các giấy tờ nói trên nội dung: "Đã đối chiếu với bản chính", ghi rõ ngày, tháng, năm đối chiếu, ký và ghi rõ họ tên. Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển của tỉnh phải thông báo công khai đến các xã, phường chỉ tiêu cử tuyển, các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, nghĩa vụ chấp hành quy định về phân công công tác sau tốt nghiệp và việc bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người được cử tuyển không chấp hành quy định về cử tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương. Kinh phí thực hiện đào tạo cử tuyển: Trợ cấp tiền ăn, ở, đi lại, mua sách vở, đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế: Mức trợ cấp tối thiểu bằng 50% mức lương tối thiểu chung của Nhà nước. Số tháng được trợ cấp trong năm là 10 tháng. Riêng năm cuối khóa, thời gian được hưởng trợ cấp tính đến khi được công nhận tốt nghiệp, nếu số ngày của tháng cuối khóa lớn hơn ½ tháng thì làm tròn 1 tháng, nếu nhỏ hơn hoặc bằng ½ tháng thì tính ½ tháng. Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
|