1. Họ và tên nghiên cứu sinh: NGUYỄN THỊ THANH LƯU
2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 22/5/1983
4. Nơi sinh: Vinh, Nghệ An
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số 275/ SĐH ngày 09/11/2005
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Quyết định gia hạn số 760/ QĐ-SĐH ngày 27/7/2010.
7. Tên đề tài luận án: Khảo sát và nghiên cứu truyền thuyết dân gian xứ Nghệ
8. Chuyên ngành: Văn học dân gian
9. Mã số: 62.22.36.01
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS.TS Lê Chí Quế
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
11.1. Truyền thuyết dân gian xứ Nghệ là một bộ phận của kho tàng truyền thuyết dân gian Việt Nam nói chung, góp phần định hình và định tính thể loại truyền thuyết trong dòng chảy văn hóa dân gian Việt Nam. Ngày nay, truyền thuyết xứ Nghệ hầu như chỉ tồn tại trong các văn bản thành văn, rất hiếm truyền thuyết tồn tại ở dạng truyền khẩu nguyên thủy. Một trong những lý do dẫn đến quá trình “hóa thạch” truyền thuyết trong đời sống dân gian Nghệ Tĩnh là sự đứt gãy của vòng tròn lưu truyền và tái tạo đặc trưng của truyền thuyết thông qua hội lễ và di tích văn hóa vật thể.
11.2. Thể loại truyền thuyết trong không gian văn hóa xứ Nghệ đã thể hiện đặc sắc những đặc trưng thể loại. Thứ nhất, không gian trong truyền thuyết xứ Nghệ là không gian kép về cả tính năng lẫn chức năng: không gian cố định - không gian di động; không gian khởi nguyên và không gian thứ phát. Thứ hai, thời gian trong truyền thuyết xứ Nghệ là thời gian ở trạng thái tính chất đa dạng với tính lịch sử - cụ thể và cố định; tính chồng xếp qua quá trình lưu truyền; tính linh hoạt và tính chu kỳ. Thứ ba, cấu trúc truyền thuyết dân gian xứ Nghệ là cấu trúc mở, cấu trúc đa tầng gồm nhiều cấp độ tồn tại khác nhau (từ tình tiết, đến motif cho đến câu chuyện hoàn chỉnh). Thứ tư, nhân vật trong truyền thuyết dân gian xứ Nghệ đã phát huy tối đa vai trò của nó trong việc hỗ trợ truyền thuyết phát triển trong không gian văn hóa vùng bằng cách xuất hiện dưới sự chi phối của quá trình địa phương hóa và hiện tượng nhân vật song hành. Bên cạnh đó, hai xu hướng biến đổi: thiêng hóa và phàm tục hóa cũng là một nét đặc trưng của nhân vật truyền thuyết mà chúng tôi đã khám phá được qua kho tàng truyền thuyết dân gian xứ Nghệ.
11.3. Tất cả những biểu hiện đặc sắc về đặc trưng thể loại của truyền thuyết dân gian xứ Nghệ trên đây đều phát sinh và phát triển dưới ảnh hưởng của đặc trưng văn hóa vùng Nghệ Tĩnh. Văn hóa vùng thẩm thấu vào từng chi tiết, từng motif, từng biểu hiện của truyền thuyết dân gian xứ Nghệ.
11.4. Trong mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội, chúng tôi nhận thấy rằng lễ hội dân gian có xu hướng độc lập hóa với truyền thuyết. Chính xu hướng này đã tạo tiền đề cho sự tái sinh của truyền thuyết trên cơ sở lễ hội và các trò diễn/ nghi lễ dân gian. Một bộ phận truyền thuyết mới ra đời chỉ để giải thích, mô tả các diễn xướng dân gian, các hội lễ dân gian. Tình trạng suy giảm nhanh chóng của các số liệu thống kê về di tích văn hóa vật thể liên quan đến truyền thuyết xứ Nghệ đã phản ánh sự suy giảm chất lượng lưu truyền truyền thuyết bởi mỗi di tích là một điểm lưu trú của truyền thuyết trên hành trình lưu truyền của nó.
Xem thông tin chi tiết.
|