Sau đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Thông báo  >   Sau đại học
Thông tin LATS của NCS Đỗ Thị Thùy Lan
Tên đề tài luận án: Hệ thống Cảng thị trên Sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII

1. Họ và tên nghiên cứu sinh: ĐỖ THỊ THÙY LAN

2. Giới tính: Nữ

3. Ngày sinh: 14/12/1981                                                          

4. Nơi sinh: Hà Nội

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 264/SĐH ngày 05/11/2003 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

6. Các hình thức thay đổi trong quá trình đào tạo: Văn bản gia hạn số 667/QĐ-KH&SĐH ngày 10/12/2008 và Văn bản thông báo thời hạn học tập số 769a/SĐH ngày 27/7/2010 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

7. Tên đề tài luận án: Hệ thống Cảng thị trên Sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII

8. Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại               

9. Mã số: 60.22.54.01

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS Vũ Văn Quân

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

Dựa vào các nguồn sử liệu khác nhau, với cách tiếp cận địa - lịch sử/văn hóa, Luận án có các nhận định chính sau đây:

Thứ nhất, Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII đã chứng kiến sự hình thành của một hệ thống gồm ba cảng thị Thăng Long - Phố Hiến - Domea trên tuyến sông trọng yếu nhất của Bắc Đại Việt: Sông Đàng Ngoài. “Sông Đàng Ngoài” (Tonkin River) là thuật ngữ người phương Tây sử dụng để nói về phức hợp sông Hồng, sông Luộc và các chi hạ lưu sông Thái Bình kết nối Thăng Long - Kẻ Chợ với Biển Đông. Tuyến sông này trở thành một huyết mạch quan trọng liên kết các cảng thị, không gian kinh tế - văn hóa khác nhau ở Bắc Bộ và là đường dẫn chính đưa Đàng Ngoài hội nhập với hải ngoại, với trào lưu chung của Kỷ nguyên Thương mại Châu Á thế kỷ XVI-XVIII. Sự hình thành của hệ thống cảng thị trên Sông Đàng Ngoài là hệ quả của nhiều yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội và những đặc điểm địa lý tự nhiên của đồng bằng Bắc Bộ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Trong bối cảnh và không gian đó, hệ thống cảng thị Sông Đàng Ngoài được hình thành và phát triển từ giữa thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII.

Thứ hai, dù ba cảng thị Thăng Long, Phố Hiến, Domea dọc Sông Đàng Ngoài có quy mô, vai trò và chức năng khác nhau, nhưng chúng có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó, bổ sung cho nhau và tạo thành một hệ thống cảng thị. Trong hệ thống này, Thăng Long - Kẻ Chợ là một trung tâm thương mại (commercial centre) chính của Đàng Ngoài và Đại Việt đương thời. Còn Phố Hiến chỉ phát huy vai trò thương mại hàng hải từ nửa sau thế kỷ XVII dưới tác động của chính sách ngoại kiều của Nhà nước Lê - Trịnh. Đây có thể coi là cảng thị trung gian (intermediate port) giữa Kẻ Chợ và Domea cả về khoảng cách không gian lẫn sự chuyển vận thương nhân và hàng hóa, nhưng trên hết Phố Hiến có chức năng kiểm soát đặc biệt đối với ngoại thương và ngoại kiều. Trong khi đó, Domea (Tiên Lãng, Hải Phòng) là nơi tàu thuyền đỗ đậu (anchoring place). Đặt trong huyết mạch Sông Đàng Ngoài, nó là một cảng cửa khẩu, địa điểm quan trọng đầu tiên để kiểm soát tàu, người và hàng hóa từ Biển Đông vào lục địa Đàng Ngoài. Như vậy, nếu Phố Hiến là điểm kiểm soát vòng trong, thì Domea là trạm kiểm tra vòng ngoài, tạo thành các tầng bậc, cấp độ khác nhau của hệ thống kiểm soát ngoại thương, ngoại kiều từ biển vào trung tâm Thăng Long.

Thứ ba, sự hình thành, hưng thịnh và suy tàn của hệ thống Sông Đàng Ngoài, do vậy cần được nhìn nhận và lý giải dưới góc độ địa - lịch sử/văn hóa. Sông Đàng Ngoài cũng cần được đặt trong sự vận động, thành tạo của tam giác châu châu thổ Bắc Bộ cũng như những đặc điểm địa chất khác biệt của các vùng cửa biển. Các lý thuyết về “Mạng lưới trao đổi ven sông” (Riverine Exchange Network), “Quy hoạch theo dòng sông” (River Planning), hay hệ thống thương mại trên sông (Commercial System) nhấn mạnh mối quan hệ biển - lục địa, vì thế có thể sử dụng để giải thích trường hợp Bắc Việt Nam song cần chú ý đến một số nét tương đồng và dị biệt. Sự khác biệt không làm cho Bắc Đại Việt trở thành một góc cá biệt, biệt lập của Đông Nam Á thời kỳ hải thương quốc tế như Anthony Reid đã nhận định, mà nó tạo cho Đàng Ngoài cách thức riêng, độc đáo để hội nhập vào trào lưu thương mại chung của khu vực. Nói cách khác, mối quan hệ biển - lục địa thông qua hệ thống sông ở Bắc Việt Nam như được trình bày trong luận án cho thấy phần lãnh thổ phía Bắc Đại Việt không hoàn toàn đứng ngoài các biến động chính trị - kinh tế hải ngoại.

Xem thông tin chi tiết.

 VNU Media - Ban Đào tạo
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :