1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Mai Phương
2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 31/12/1980
4. Nơi sinh: Hà Nội
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số 3076/QĐ-SĐH ngày 28/10/2009 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tào: Quyết định thay đổi tên đề tài luận án số 923/QĐ-SĐH ngày 3/10/2011 của Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. Tên đề tài luận án: Chế độ bảo hiểm thất nghiệp ở Trung Quốc (1986- 2010)
8. Chuyên ngành: Trung Quốc học
9. Mã số: 62315001
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Kim Bảo
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
Thứ nhất, Luận án nghiên cứu các lý thuyết của phương Tây và của Trung Quốc về thất nghiệp và chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời, hệ thống hoá quá trình ra đời của chế độ bảo hiểm thất nghiệp ở Trung Quốc. Luận án nhận thấy, Trung Quốc tham khảo và vận dụng sáng tạo những dòng tư tưởng và kinh nghiệm thực tiễn xây dựng bảo hiểm thất nghiệp của phương Tây, từ chuyển biến trong nhận thức của xã hội Trung Quốc về vấn đề thất nghiệp và căn cứ vào lý thuyết xã hội hài hoà, nước này đã hình thành mô hình bảo hiểm thất nghiệp “đặc sắc Trung Quốc”. Đó là mô hình Chính phủ thị trường xã hội với vai trò “thế chân kiềng” đối với bảo hiểm thất nghiệp thuộc về Chính phủ, thị trường (gồm đóng góp của doanh nghiệp, người lao động) và xã hội (thể hiện ở đặc trưng “hài hòa”, “công bằng chính nghĩa” và sự tham gia của các tổ chức làm bảo hiểm các cấp).
Thứ hai, Luận án nhận thấy, bảo hiểm thất nghiệp ở Trung Quốc từ một chế độ bó hẹp trong phạm vi doanh nghiệp nhà nước, do “doanh nghiệp tự bảo đảm”, nay chuyển sang cơ chế “xã hội dự trù kinh phí” với việc tham gia đóng góp của người lao động vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đây là một sự đổi mới quan trọng trong nhận thức của Trung Quốc về vấn đề thất nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp đối với đời sống kinh tế xã hội, thể hiện nguyên tắc kết hợp giữa nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, phù hợp với quy luật phổ biến của chế độ này và thích ứng với sự phát triển của kinh tế thị trường.
Thứ ba, Luận án xâu chuỗi và phân tích những vấn đề nổi bật trong việc vận hành bảo hiểm thất nghiệp ở Trung Quốc trên ba phương diện gồm: tác động của bảo hiểm thất nghiệp đối với đối tượng thụ hưởng và đối với xã hội; vấn đề đầu tư và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp; cơ chế quản lý và vận hành bảo hiểm thất nghiệp. Trên cơ sở phân tích đó, luận án đánh giá những thành công và thất bại, nguyên nhân và xu thế phát triển của chế độ bảo hiểm thất nghiệp ở Trung Quốc. Từ những nghiên cứu và phân tích về thực tiễn chế độ bảo hiểm thất nghiệp của Trung Quốc, so sánh chế độ bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc để tìm ra điểm tương đồng, khác biệt và ưu khuyết điểm của hai chế độ này, cũng như phân tích tình hình kinh tế xã hội và thực trạng thất nghiệp Việt Nam, tác giả nhận thấy những hạn chế nhất định liên quan tới bảo hiểm thất nghiệp của Trung Quốc, những điểm tương đồng về bối cảnh kinh tế xã hội và cơ chế chính sách bảo hiểm thất nghiệp giữa hai nước để thấy rằng chúng ta không thể học tập mọi kinh nghiệm của họ mà phải tham khảo và vận dụng linh hoạt, sáng tạo để phù hợp với điều kiện trong nước. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số gợi mở có tính chất tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách để từng bước thúc đẩy phát triển và hoàn thiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam.
12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
Giúp cho các cơ quan và bộ ngành chức năng có các căn cứ về lý luận và thực tiễn trong việc đề ra phương hướng, chính sách, biện pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp, phát huy tối đa vai trò và chức năng của bảo hiểm thất nghiệp đối với đời sống người lao động nói riêng và đối với xã hội nói chung.
Kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng giảng dạy trong một số trường đại học như Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Lao động và Thương binh xã hội…
13. Những hướng nghiên cứu chính tiếp theo: Một là, tiếp tục nghiên cứu vấn đề hoàn thiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp ở Trung Quốc; hai là, nghiên cứu vấn đề bảo hiểm thất nghiệp ở khu vực nông thôn Trung Quốc; ba là, nghiên cứu vấn đề bảo hiểm thất nghiệp trong cải cách chế độ an sinh xã hội ở Trung Quốc.
14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:
1. Nguyễn Mai Phương (2011), “Đôi nét về chế độ bảo hiểm thất nghiệp của Trung Quốc”, Bảo hiểm xã hội (186), tr.30-34.
2. Nguyễn Mai Phương (2012), “Hệ thống an sinh xã hội ở Trung Quốc”, Bảo hiểm xã hội”, Bảo hiểm xã hội (196), tr.34-38.
3. Nguyễn Mai Phương (2012), “Hệ thống an sinh xã hội ở Trung Quốc”, Bảo hiểm xã hội”, Bảo hiểm xã hội (197), tr.30-33.
4. Nguyễn Mai Phương (2013), “Phân tích tác động của bảo hiểm thất nghiệp trong đời sống xã hội ở Trung Quốc”, Nghiên cứu Trung Quốc (10), tr. 30-43.
5. Nguyễn Mai Phương (2014), “Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của Trung Quốc- những vấn đề đang đặt ra”, Nghiên cứu Trung Quốc (1), tr. 72- 81.
>>>>> Xem thông tin bản tiếng Anh.
|