1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Hồng Chuyên
2.Giới tính: Nam
3. Ngày sinh: 23 /12/ 1979
4. Nơi sinh: Hưng Yên
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh: Theo Quyết định số 3614/QĐ-SĐH ngày 2/10/2009 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: không
7. Tên đề tài luận án: “Nghiên cứu phương pháp phân tích một số dạng As và Se trong một số đối tượng môi trường”
8. Chuyên ngành: Hóa phân tích
9. Mã số: 62 44 01 18
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS Tạ Thị Thảo
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
- Khi dung dịch mẫu có chứa chất khử là L-Cystein 1%, NaHSO3 0,5% hay hệ KI 1%/ascobic 5% đều cho hiệu suất khử dạng As(V) vô cơ về As(III) trên 90%, hiệu suất khử dạng As hữu cơ thấp (nhỏ hơn 80%). Tương tự với dung dịch Se, khi dung dịch mẫu có chứa các chất khử HCl 6M, KBr 1%/HCl 4M, (CS)2NH2 0,5% đều cho kết quả tốt khi khử dạng Se(VI) vô cơ về Se(IV) (≈90%), nhưng các dạng hữu cơ lại cho hiệu suất thấp (<80%). Do đó, không thể xác định chính xác tổng hàm lượng As, Se bằng phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử sử dụng kỹ thuật hiđrua hóa khi mẫu có các dạng hữu cơ, muốn xác định chính xác phải vô cơ hóa mẫu hoặc tách các dạng hữu cơ ra khỏi dạng vô cơ, hoặc dùng phương pháp ghép nối, hoặc kết hợp với các thuật toán hồi quy đa biến.
- Trong môi trường axit có cùng nồng độ, hiệu suất khử của từng dạng As, Se thành hợp chất hiđrua bằng chất khử NaBH4 0,5% là khác nhau. Khi thay đổi nồng độ axit, hiệu suất khử của từng dạng cũng thay đổi và hiệu suất khử của các dạng đều khác nhau. Tín hiệu đo của các dạng có tính chất cộng tính, kết quả thỏa mãn điều kiện để xây dựng mô hình hồi quy đa biến trên cơ sở dữ liệu đo phổ AAS của dung dịch chứa các dạng As, Se ở các điểm đo khác nhau. Lần đầu tiên xây dựng được mô hình hồi quy đa biến tuyến tính trên dữ liệu đo phổ AAS của 40 dung dịch chứa đồng thời 4 dạng As(III), As(V), DMA, MMA hoặc 4 dạng Se(IV), Se(VI), DMDSe, SeMet, ở các môi trường axit khác nhau. Trong các thuật toán hồi quy, thuật toán phân tích cấu tử chính cho mô hình xác định đồng thời các dạng As, Se có sai số nhỏ, nằm trong giới hạn cho phép (<20%).
- Các dạng trong điều kiện bảo quản để trong không khí, có mặt của ion Fe3+ với hàm lượng 150ppb sẽ bị biến đổi rất nhanh sau 40h bảo quản. Cụ thể hàm lượng các dạng DMA, MMA, DMDSe hầu như không thay đổi nhưng hàm lượng các dạng As(III), As(V), Se(IV), Se(VI), SeMet thay đổi rất mạnh. Trong đó hàm lượng As(V), Se(VI) tăng còn As(III), Se(IV), SeMet giảm. Vật liệu bình chứa bằng PE, Teflon không làm giảm nồng độ các dạng nhưng vật liệu bằng thủy tinh làm giảm hàm lượng các dạng. Để hạn chế sự chuyển hóa của các dạng, dung dịch mẫu phân tích cần được bảo quản trong các dụng cụ làm bằng vật liệu PE hoặc Teflon, cho thêm EDTA vào dung dịch với nồng độ 0,2M, các dung dịch tránh cho không khí xâm nhập và bảo quản tối đa 40h ở nhiệt độ 40C
- Với dịch chiết Metanol – nước quá trình chiết As, Se trong mẫu thực vật đạt hiệu suất cao nhất ở tỉ lệ 4:6 cho As, 6:4 cho Se trong thời gian 60-80 phút; với mẫu bùn đất dịch chiết là H3PO4 100mM cho As, 125mM cho Se trong thời gian 6h. Tổng hàm lượng 4 dạng As, Se chiết được gần bằng tổng hàm lượng As, Se trong dịch chiết và tổng hàm lượng As, Se trong mẫu cao hơn tổng hàm lượng As, Se trong dịch chiết nhưng không nhiều. Trong mẫu thực vật hàm lượng các dạng hữu cơ như MMA, DMA, DMDSe, SeMet chiếm phần lớn, ngoài các dạng As(III), As(V), DMA, MMA, Se(IV), Se(VI), DMDSe, SeMet còn có các dạng khác nhưng hàm lượng không nhiều. Với các mẫu đất và nước, hàm lượng Se ở dưới ngưỡng định lượng, hàm lượng các dạng As hữu cơ có nồng độ rất thấp, hàm lượng các dạng As vô cơ chiếm phần lớn. Hàm lượng As trong các mẫu rau nằm trong giới hạn cho phép, nhưng trong cây thủy trúc, cây dương xỉ, mẫu nước ngầm , mẫu đất có hàm lượng As vượt mức cho phép.
12. Khả năng ứng dụng thực tiễn:
Kết quả của luận án được áp dụng để xác định hàm lượng các dạng As(III), As(V), DMA, MMA hoặc Se(IV), Se(VI), DMDSe, SeMet trong các mẫu nước mặt, mẫu bùn đất, mẫu thực vật thân thảo ở mức hàm lượng vết, siêu vết (cỡ ppb) với độ đúng, độ nhạy, độ chụm và độ tin cậy cao.
13. Các hướng nghiên cứu tiếp theo:
- Tiếp tục hoàn thiện các quy trình phân tích các dạng As(III), As(V), DMA, MMA hoặc Se(IV), Se(VI), DMDSe, SeMet trong các đối tượng môi trường khác như trầm tích, mẫu nước thải…
- Mở rộng mô hình hồi quy đa biến để xác định các dạng khác của As, Se.
- Xây dựng các mô hình hồi quy đa biến khác để xác định các dạng của các nguyên tố khác như Sb.
14. Các công trình công bố liên quan đến luận án:
[1] Phạm Hồng Chuyên, Tạ Thị Thảo, Nguyễn Thị Thu Hằng, Chu Xuân Anh (2010), “ Nghiên cứu xác định đồng thời các dạng Asen vô cơ và hữu cơ bằng phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử sử dụng kỹ thuật hiđrua hóa (HVG – AAS) kết hợp với thuật toán hồi quy đa biến (phần 1)”, Tạp chí Phân tích Hóa, Lý và Sinh học T-15 (4), tr. 230 – 237.
[2] Phạm Hồng Chuyên, Tạ Thị Thảo, Nguyễn Thị Thu Hằng (2012), “Nghiên cứu xác định đồng thời các dạng Asen vô cơ và hữu cơ bằng phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử sử dụng kỹ thuật hiđrua hóa (HVG – AAS) kết hợp với thuật toán hồi quy đa biến (phần 2)”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội số 28 (4), tr. 7 – 13.
[3] Phạm Hồng Chuyên, Tạ Thị Thảo (2012), “Nghiên cứu xác định hàm lượng Selen bằng phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử sử dụng kỹ thuật hiđrua hóa (HVG – AAS) và áp dụng phân tích tổng hàm lượng Selen trong một số loại rau”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội số 28 (4), tr. 14 – 21.
[4] Phạm Hồng Chuyên, Tạ Thị Thảo (2012), “Nghiên cứu xác định đồng thời các dạng Selen vô cơ, hữu cơ bằng phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử sử dụng kỹ thuật hiđrua hóa (HVG – AAS) kết hợp với phương pháp hồi quy cấu tử chính (PCR)”, Hội nghị các nhà khoa học trẻ toàn quốc lần thứ 2, Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam 50 (3D), tr. 717 – 724.
[5] Phạm Hồng Chuyên, Tạ Thị Thảo, Phạm Gia Bách (2013), “ Simutaneous determination of dimethyldiselenite, selenomethioline, selenite and selenate in shrimmps and fishes collected in some aquaculture ponds at Phap Van – Thanh Tri – Ha Noi”, Tuyển tập Hội nghị hóa học phân tích Việt Nam lần thứ 3, Hồ Chí Minh, tr. 283 – 288.
[6] Phạm Hồng Chuyên, Tạ Thị Thảo, Nguyễn Thị Thu Hằng (2014), “Nghiên cứu xác định đồng thời các dạng Asen vô cơ và hữu cơ bằng phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử sử dụng kỹ thuật hiđrua hóa (HVG – AAS) kết hợp với thuật toán hồi quy đa biến (phần 3)”, Tạp chí Phân tích Hóa, Lý và Sinh học T-19 (2), tr. 59 – 67.
[7] Tạ Thị Thảo, Phạm Hồng Chuyên (2015), “Nghiên cứu sự chuyển hóa các dạng Asen và Selen trong quá trình bảo quản, xử lý mẫu phân tích dạng bằng phương pháp HVG – AAS kết hợp với Chemometrics”, Tạp chí Phân tích Hóa, Lý và Sinh học, 20, tr. 102 – 108.
>>>>> Xem bản thông tin tiêng Anh.
|