1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Chu Thị Ngọc
2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 15/8/1975
4. Nơi sinh: Thanh Hóa
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 2661/QĐ-SĐH, ngày 09 tháng 9 năm 2011 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Công văn cho phép bảo vệ luận án tiến sĩ số 1843/ĐHQGHN-ĐT ngày 30/6/2016 của Giám đốc ĐHQGHN
7. Tên đề tài luận án: “Tòa án trong việc đảm bảo thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay”
8. Chuyên ngành: Lí luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật
9. Mã số: 62 38 01 01
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS.TSKH Đào Trí Úc
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
Việc nghiên cứu về bảo đảm quyền con người của Tòa án góp phần triển khai, thực hiện những quy định mới và có ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người và quyền tư pháp. Nghiên cứu có những đóng góp cụ thể như sau:
Thứ nhất, luận án kế thừa, tổng hợp các công trình đi trước và bổ sung vào hệ thống lý luận các lý thuyết liên quan đến tổ chức và hoạt động của quyền lực nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người; các đặc trưng quyền con người trong hoạt động xét xử của Tòa án, đặc biệt minh chứng trên các phương diện lý luận về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, nội dung, cách thức bảo đảm quyền con người của Tòa án; các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả bảo đảm quyền con người của Tòa án.
Thứ hai, luận án bổ sung các tiêu chí đánh giá hiệu quả bảo đảm quyền con người của Tòa án. Đó là những chỉ số đo lường mức độ bảo đảm quyền con người của Tòa án ở một quốc gia. Luận án cũng chỉ ra các chỉ số này có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan và chủ quan khác. Hiệu quả bảo đảm quyền con người của Tòa án cao hay thấp phụ thuộc vào các chỉ số này.
Thứ ba, bên cạnh những kết quả đạt được, luận án đã chỉ ra những vấn đề còn chưa hiệu quả trong việc bảo đảm quyền con người của Tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay, từ đó xây dựng các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quyền con người của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay.
12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
Các kết quả nghiên cứu trên đây có thể ứng dụng trong thực tiễn của hoạt động pháp luật. Cụ thể, kết quả nghiên cứu của luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong quá trình cải cách tư pháp, cải cách bộ máy nhà nước ta hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền con người, đồng thời, kết quả nghiên cứu của luận án cũng là tài liệu tham khảo bổ ích cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học pháp lý.
13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:
Tiếp tục nghiên cứu cơ chế bảo đảm tính độc lập của Tòa án và Thẩm phán, các cơ chế buộc Thẩm phán phải chịu trách nhiệm về hành động của mình; Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế bảo đảm việc tranh tụng thực chất hơn ở tất cả các giai đoạn tố tụng; Tiếp tục nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng cơ chế bảo hiến ở Việt Nam hiện nay, tiến tới thành lập Tòa án Hiến pháp hoặc giao cho Tòa án thẩm quyền kiểm hiến, xét xử hành vi vi hiến; nghiên cứu xây dựng chế định tố tụng hiến pháp.
14. Các công trình đã công bố có liên quan:
1. Phân quyền trong nhà nước pháp quyền, Tạp chí Khoa học Luật học, Tập 26, số 01/2010.
2. Tòa án Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền (tham gia viết mục 2.1 và 2.2. chương 3), GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (chủ biên), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012.
3. Nhận diện văn hóa pháp đình trong văn hóa pháp luật Việt Nam, bài viết đăng trong sách Văn hóa pháp Luật – Những vấn đề lý luận cơ bản và ứng dụng chuyên ngành, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế và TS. Ngô Huy Cương (chủ biên), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012.
4. Hiến pháp – Cơ sở pháp lý cơ bản của việc bảo đảm quyền con người, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 9 (294)/2016.
5. Vai trò của Tòa án trong việc bảo đảm quyền con người, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 10 (41)/2016.
6. Chu Thị Ngọc (2017), "Quyền tiếp cận công lý - một yêu cầu trong việc bảo đảm quyền con người của Tòa án", Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội - Luật học, Tập 33, (01), tr.25-30.
|