1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thu Dung
2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 29/08/1982
4. Nơi sinh: Thanh Hóa
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 3076/QĐ-SĐH ngày 28 tháng 12 năm 2009.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Quyết định gửi về cơ quan công tác số 692/QĐ-XHNV ngày 9 tháng 03 năm 2016.
7. Tên đề tài luận án: Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của William Thackeray (tên luận án chính thức đề nghị bảo vệ cấp nhà nước)
8. Chuyên ngành: Văn học Anh
9. Mã số: 62 22 30 10
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS. TS. Lê Huy Bắc
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
- Luận án đã tổng hợp, giới thuyết một số khái niệm nghiên cứu về nghệ thuật châm biếm, là cơ sở nền tảng lí thuyết soi rọi vào tiểu thuyết của William Thackeray, để thấy tầm vóc triết lý, tiếng cười mang ý nghĩa triết học mà nhà văn đã kế thừa và phát huy truyền thống hài hước châm biếm của nền văn học Anh thế kỉ XVIII. Tiếng cười châm biếm của ông không phải ảnh hưởng của tiếng cười dân gian bình dân, mà mang đặc trưng uy mua kiểu trí thức, hàn lâm, uyên bác nên tiếng cười ấy dí dỏm, hóm hỉnh vừa ý nhị, hài hước vừa sâu xa, thâm thúy.
- Nghệ thuật châm biếm của Thackeray không đơn thuần là kĩ thuật ở mặt hình thức mà nó trở thành tư duy nghệ thuật chủ đạo của nhà văn, chi phối mạnh đến cách kiến tạo tiểu thuyết, tạo ra màu sắc châm biếm độc đáo cũng như cách phản ánh hiện thực riêng biệt của tiểu thuyết. So sánh với các nhà văn hiện thực cùng thời làm nổi bật nét khác biệt ở Thackeray: nhà văn của chủ nghĩa hiện thực mang màu sắc châm biếm.
- Sự đổi mới kĩ thuật tiểu thuyết của nhà văn, tạo cho tiểu thuyết của ông một dáng vẻ hiện đại và một tinh thần dân chủ sâu sắc. Thackeray tạo ra một trò chơi trong tiểu thuyết, để có thể tạo ra môi trường giao tiếp chia sẻ, đối thoại giữa tác giả và độc giả. Ông thực hiện trò chơi về thể loại, pha trộn nhiều thể loại, nhiều kiểu tư duy nghệ thuật với nhau và tạo nên một người kể chuyện đối thoại trải nghiệm cùng bạn đọc. Nó phá vỡ thế độc tôn của người kể chuyện, xoá bỏ sự đơn điệu về giọng điệu, điểm nhìn trong tác phẩm, tạo nên tính dân chủ trong cách đối thoại với bạn đọc. Nhà văn trao cho bạn đọc điểm nhìn riêng, khơi gợi tính trí tuệ, óc phê phán, phát huy tầm hiểu biết của họ.
- Cũng qua nghệ thuật châm biếm, Thackeray đã thể hiện một tinh thần giải thiêng đối với thời đại Victoria, vốn yêu cầu con người khắt khe trong cái áo khuôn khổ của nó. Ông đã phá vỡ niềm tin về quy chuẩn đạo đức tâm lí xã hộ, thị hiếu thẩm mĩ của người đọc thời kì Victoria, thay đổi giá trị niềm tin và đạo đức cũ trong lòng xã hội Victoria, xã hội mà người ta mặc nhiên mặc định và đinh ninh là đã định hình các giá trị chuẩn mực cho con người.
12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
Các kết quả của luận án có thể được sử dụng làm tư liệu phục vụ cho việc giảng dạy nghiên cứu văn học Anh và tiểu thuyết của nhà văn William Thackeray thế kỉ XIX ở các trường Đại học hoặc dùng để biên soạn giáo trình về nghệ thuật châm biếm trong văn học Anh.
13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:
- Xây dựng lí thuyết về nghệ thuật hài hước, châm biếm và ứng dụng, so sánh nghệ thuật châm biếm trong nền văn học thế giới.
- Nghiên cứu về sự kế thừa và phát triển của nghệ thuật hài hước, châm biếm trong nền văn học Anh, định hình giá trị humour rất riêng của người Anh.
14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:
1. Nguyễn Thị Thu Dung, (2009), “Người kể chuyện không toàn tri trong tiểu thuyết Hội chợ phù hoa của William Thackeray”, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội (2), tr.110-116.
2. Nguyễn Thị Thu Dung, (2010), “Lời bình luận ngoại đề trong Hội chợ phù hoa của William Thackeray”, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội (5), tr.33-41.
3. Nguyễn Thị Thu Dung, (2017), “Châm biếm - Tư duy nghệ thuật độc đáo của W.Thackeray”, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội (62), tr.36-43.
|