1. Họ và tên: Trương Nhật Vinh 2. Giới tính: Nam 3. Ngày sinh: 18/12/1988 4. Nơi sinh: Hà Nội 5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 3684/2015/QĐ –XHNV ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Hiệu trưởng Trường Đai học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN 6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo - Kéo dài thời gian đào tạo 01 năm từ ngày 01.01.2018 đến ngày 31.12.2019 - Điều chỉnh tên đề tài luận án theo yêu cầu của Hội đồng cấp cơ sở ngày 30.12.2019. Tên đề tài luận án ban đầu: “Khảo sát cách thức Hán Việt hóa địa danh làng ở đồng bằng Bắc Bộ”. Tên đề tài luận án sau thay đổi: “Khảo sát hiện tượng Việt – Hán Việt địa danh làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ” 7. Tên đề tài luận án: Khảo sát hiện tượng Việt – Hán Việt địa danh làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ 8. Chuyên ngành: Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam 9. Mã số: 62 22 01 09 10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS.TS Nguyễn Văn Khang; PGS.TS Trần Thị Hồng Hạnh 11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án - Luận án thống kê và xác định được 794 làng xã đồng bằng Bắc Bộ còn lưu giữ được tên gọi Việt và tên gọi Hán Việt tương ứng. Đồng thời, luận án tiến hành xác định nguồn gốc ngôn ngữ của một số địa danh làng xã bằng thao tác so sánh ngữ âm lịch sử. Kết quả cho thấy có những địa danh mang dấu ấn của việc tiếp xúc ngôn ngữ giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ Nam Á (Austroasiatic), Nam Đảo (Austronesian) và Tai – Kadai. Trong đó có những tên gọi có nguồc gốc từ các ngôn ngữ dân tộc thiểu số của Việt Nam. - Về đặc điểm cấu trúc: các tên gọi Việt và tên gọi Hán Việt đều có cấu trúc phức gồm thành tố chung và thành tố riêng. Thành tố chung ở cả 2 loại tên gọi đều có cấu tạo đơn. Thành tố riêng ở tên Việt có cấu tạo đơn trong khi thành tố riêng của tên Hán Việt có cấu tạo ghép. - Về đặc điểm ý nghĩa: Các tên gọi Việt ý nghĩa thường không rõ ràng. Các tên gọi Hán Việt nhìn chung dễ xác định ý nghĩa hơn nhưng cần đặc biệt lưu ý tới tương quan giữa văn tự và ngữ âm của tên gọi. - Về mối quan hệ giữa hai loại tên gọi Việt và Hán Việt: Quan hệ ngữ âm là quan hệ chiếm ưu thế hơn hẳn so với quan hệ ngữ nghĩa. - Từ những mô tả trên, luận án bước đầu đi đến kết luận phương diện ngữ âm là phương diện được đặc biệt chú ý trong quá trình Hán Việt hóa tên Việt làng xã.. Đứng từ phương diện ngữ âm, quá trình Hán Việt hóa các tên Việt địa danh làng xã phản ánh một số nguyên tắc là: Thứ nhất, có 2 phương thức chính được sử dụng trong quá trình Hán Việt hóa tên Việt đó là phương thức bảo lưu hoàn toàn dạng thức ngữ âm và phương thức tương ứng ngữ âm; Thứ hai, với phương thức tương ứng ngữ âm, cả hai âm tiết hay/hoặc một trong hai âm tiết trong tên Hán Việt sẽ phản ánh sự tương ứng này; Thứ ba, các âm tiết Hán Việt và âm tiết Việt thực hiện mối quan hệ về ngữ âm đa phần trùng nhau ở bộ phận phụ âm đầu và tương ứng với nhau ở bộ phận vần của âm tiết. Nhìn chung, sự tương ứng ngữ âm giữa các tên gọi địa danh làng xã Bắc Bộ không chỉ cung cấp những tri thức về quá trình Hán Việt hóa địa danh làng xã nói riêng, địa danh Việt Nam nói chung mà còn là những bằng chứng phản ánh quá trình biến đổi của ngữ âm lịch sử tiếng Việt theo dòng thời gian. 12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn Tư liệu của luận án phục vụ cho các nghiên cứu về ngôn ngữ học lịch sử và tiếp xúc ngôn ngữ văn hóa. 13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo: địa danh học, tiếp xúc ngôn ngữ - văn hóa, ngôn ngữ học so sánh – lịch sử 14. Các công trình khoa học có liên quan đến luận án - Trương Nhật Vinh (2018), “Về một vài cặp tên Nôm và tên Hán Việt của địa danh làng có mối quan hệ về ngữ nghĩa”, Tạp chí Ngôn ngữ & đời sống (2), tr. 69 -75. - Trương Nhật Vinh (2019), “Về một vài cặp tên Nôm – Hán Việt của địa danh làng Bắc Bộ có mối quan hệ về ngữ âm”, Tạp chí Ngôn ngữ & đời sống (3), tr.15 -27.
|