Thông tin hoạt động
Trang chủ   >  Chuyên trang chào mừng 20 năm Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội  >   Thông tin hoạt động  >  
Khai mạc hội nghị Ngọc học Quốc tế lần thứ 33 tại Việt Nam
Hội nghị khoa học Ngọc học Quốc tế (International Gemmological Conference – IGC) lần thứ 33 do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đồng tổ chức chính thức khai mạc sáng nay (13/10) tại Khách sạn Lake Side, Quận Ba Đình, Hà Nội và được diễn ra đến hết ngày 16/10/2013.

Hội nghị Ngọc học nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN: 1993 - 2013.
Tham dự phiên khai mạc có ông Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phan Xuân Dũng – Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Ông Châu Văn Minh – Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hiệu – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ông Nguyễn Minh Ngọc – Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Phùng Xuân Nhạ – Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành TW Đảng, Giám đốc ĐHQGHN, đồng trưởng ban chỉ đạo Hội nghị; ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn đá quý DOJI - đồng trưởng ban chỉ đạo Hội nghị; các thành viên của Ban chấp hành IGC cùng lãnh đạo các Hiệp hội vàng bạc, mỹ nghệ, kim hoàn, đá quý, lãnh đạo các Viện nghiên cứu, Phòng giám định vàng bạc đá quý, các nhà khoa học đến từ Việt Nam và từ hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị Ngọc học Quốc tế, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết Việt Nam là một đất nước có tài nguyên đá quý rất phong phú, đa dạng. Những địa danh như Trúc Lâm – Lục Yên hay Quỳ Châu, Quỳ Hợp – Nghệ An đã được ghi danh trên bản đồ đá quý quốc tế. Những sản phẩm trang sức và thủ công mỹ nghệ được tạo từ bàn tay người thợ Việt Nam tài hoa đã được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều nơi trên thế giới.
Ngành công nghiệp vàng bạc đá quý và trang sức trong nước cũng đang có những tiềm năng phát triển to lớn để hội nhập với quốc tế và khu vực. Do đó, hội nghị Ngọc học lần này thực sự là cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế gặp gỡ, trao đổi và thảo luận các chủ đề lớn, các công trình nghiên cứu giá trị về Ngọc học – một ngành khoa học lớn và lâu đời. Hội nghị sẽ góp những thông tin quý báu giúp các cơ quan quản lý của Việt Nam có được những định hướng, chính sách đúng đắn và các đề án, kế hoạch phát triển ngành khoáng sản đá quý nước nhà, góp phần đưa việc khai thác, giám định, chế tác và sản xuất đá qúy của Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp vững mạnh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ tin rằng, sự hiện diện của hơn 100 đại biểu đến từ hơn 30 quốc gia tại Hội nghị này là một minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành khoáng sản đá quý trên toàn thế giới đồng thời thể hiện mối quan tâm sâu sắc của cộng đồng các nhà khoa học quốc tế đối với tiềm năng phát triển của ngành đá quý Việt Nam. Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về khai thác, giám định, chế tác và sản xuất đá quý cũng như thảo luận các vấn đề liên quan khác trong lĩnh vực Ngọc học. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tốt cho các nhà khoa học và những người quan tâm đến đá quý ở Việt Nam gặp gỡ và học hỏi các kinh nghiệm của thế giới trong việc thúc đẩy nghiên cứu Ngọc học cũng như khai thác tối đa các tiềm năng của Việt Nam – một đất nước có tài nguyên đá quý phong phú và đa dạng nhưng ngành đá quý còn khiêm tốn. Giám đốc ĐHQGHN mong rằng Hội nghị này sẽ giúp Việt Nam thiết lập được mạng lưới giữa các nhà khoa học và các chuyên gia trong và ngoài nước.
Trong buổi họp báo trước đó, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ cho biết, ĐHQGHN mà cụ thể là Khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN với lịch sử lâu đời và đội ngũ các nhà khoa học nổi tiếng chuyên về đá quý đã và đang hợp tác chặt chẽ với Viện Ngọc học và Trang sức DOJI trong lĩnh vực nghiên cứu Ngọc học. Đây là một mô hình điển hình, gắn kết giữa một đại học lớn và một tập đoàn lớn, giữa nghiên cứu và thực tiễn, giữa tư duy và giải pháp, tạo ra được sức mạnh cộng hưởng để kết nối khoa học với đời sống sản xuất kinh doanh cũng như kết nối cộng đồng các nhà khoa học và giới doanh nhân trong và ngoài nước. ĐHQGHN không ngừng đẩy mạnh kết nối này để tạo ra những hiệu quả thiết thực và tối ưu nhất cho hai bên và cho cộng đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji Đỗ Minh Phú cho biết, những nghiên cứu về Ngọc học cho thấy Việt Nam có tiềm năng lớn về nhiều loại đá quý, được tìm thấy ở nhiều khu vực khác nhau, đặc biệt là các mỏ Ruby và Saphir. Miền Bắc Việt Nam, Corindon được tìm thấy trong sa khoáng và trong những mỏ nguyên sinh tại khu vực Lục Yên, Yên Bái và Quỳ Châu, Nghệ An. Trong các mỏ thứ sinh, Ruby và Saphir được tìm thấy cùng với Spinel. Miền Nam Việt Nam, Saphir có giá trị về kinh tế thường liên quan tới bazan kiềm. Saphir cũng được tìm thấy cùng zircon và peridot trong sa khoáng. Ruby, saphia và ngọc trai là nguồn trao đổi thương mại quan trọng của thị trường đá quý Việt Nam với nhiều nước trên thế giới. Trong khoảng 20 năm qua, cùng với việc phát hiện và khai thác nhiều mỏ đá quý trên lãnh thổ Việt Nam, hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ về đá quý cũng được quan tâm thích đáng, bao gồm các nghiên cứu về địa chất, thăm dò và khai thác đá quý, công nghệ xử lý và gia công chế tác đá quý. Trong số các công trình nghiên cứu đã được công bố, đáng kể nhất là các nghiên cứu về địa chất đá quý của các nhà khoa học thuộc ĐHQGHN, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Vật lý, và gần 40 công trình của các nhà chuyên môn của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI về phương pháp xử lý nhiệt ruby, saphir Việt Nam, về phương pháp cắt mài chế tác ruby sao…
Trong những ngày diễn ra Hội nghị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế sẽ báo cáo và thảo luận 63 báo cáo, trong đó phía Việt Nam có 5 báo cáo, xoay quanh các chủ đề lớn như: phân biệt và nhận biết đá quý tự nhiên và nhân tạo, cập nhật thông tin về các phương pháp xử lý, nâng cấp chất lượng đá quý, đánh giá chất lượng đá quý và định giá, khai thác đá quý…
Một số hoạt động chính đáng chú ý như: tiếp kiến Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại Phủ Chủ tịch của các nhà khoa học tham dự Hội nghị cùng đại diện lãnh đạo hai đơn vị đồng tổ chức; hoạt động tham quan vùng mỏ Lục Yên, Yên Bái, quê hương của nhiều loại đá quý nổi tiếng và là địa danh có mỏ đá quý do Tập đoàn DOJI trực tiếp khai thác. Ngoài ra Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI còn tổ chức buổi Giới thiệu và đấu giá đá quý vào ngày 14/10/2013 tại tầng 5 Ruby Plaza; Hội thảo chuyên đề “Những đá quý phổ biến trên thị trường Việt Nam: cách nhận biết đá tự nhiên, đá tổng hợp và đá xử lý” vào ngày 16/10/2013 tại khách sạn Lake Side, Hà Nội. Các hoạt động này góp phần đem tới một cái nhìn toàn diện về đá quý Việt Nam trong mắt các nhà khoa học quốc tế và cung cấp nhiều thông tin bổ ích, những vấn đề thời sự về các loại đá quý phổ biến nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay như kim cương, ngọc jade, ngọc trai…; đồng thời mở rộng sự kết nối gữa giới khoa học và các doanh nghiệp vàng bạc đá quý trong nước với cộng đồng các nhà Ngọc học quốc tế.
Hội nghị Ngọc học quốc tế (IGC) là Hội nghị uy tín và lâu đời nhất trong lĩnh vực Ngọc học. IGC lấy nền tảng là Ngọc học cho mọi chủ đề của Hội nghị với mục đích là trao đổi các kiến thức và kinh nghiệm. Mục tiêu lâu dài của IGC hướng tới  thúc đẩy sự phát triển của ngành Ngọc học tại các quốc gia khác nhau, thông qua các cơ sở đào tạo và các Viện Ngọc học quốc gia.
Hội nghị Ngọc học quốc tế IGC được tổ chức định kỳ 2 đến 3 năm một lần, mỗi lần đăng cai tại một châu lục, quy tụ các nhà Ngọc học và các nhà chuyên môn của hầu hết các quốc gia có ngành đá quý phát triển trên thế giới.
>>> Bản tin Video

 Một số hình ảnh của hội thảo:
>>> Thông tin liên quan trên báo chí:
 
 

 Sinh Vũ / Ảnh: Bùi Tuấn
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: