"Quản trị đại học trước xu thế tự chủ và hội nhập" là chủ đề của tọa đàm số 7 do Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN tổ chức vào ngày 17/7/2020. Buổi tọa đàm với sự tham dự của Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải kiêm Chủ tịch CLB Nhà khoa học ĐHQGHN, Ban điều hành CLB, lãnh đạo văn phòng Ban chức năng, lãnh đạo các đơn vị thành viên trực thuộc ĐHQGHN, các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN. Hai diễn giả của chương trình là TS Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học Trực tuyến FUNiX kiêm Cố vấn Sáng tạo của Tập đoàn FPT, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT; TS. Phạm Hùng Hiệp - Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia. TS. Nguyễn Thanh Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học Trực tuyến FUNiX kiêm Cố vấn Sáng tạo của Tập đoàn FPT chia sẻ tại tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình đại học trực tuyến FUNiX, TS. Nguyễn Thành Nam cho biết, một trong những khác biệt có thể thấy ở trường đại học này đó là sự rèn luyện sức chịu đựng và tính kỷ luật. Đồng thời, học trực tuyến đòi hỏi người học phải có khả năng tự học, chủ động với việc học, quản lý thời gian tốt. Mỗi học viên có thể chủ động tự lựa chọn cách học và tốc độ học phù hợp với mình. Về giảng viên, với môi trường như FUNiX, người học sẽ được hỗ trợ, gỡ khó, dẫn dắt, định hướng bởi một đội ngũ giảng viên gọi là Mentor – là những chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuộc phạm trù môn học. Họ sẽ chia sẻ lại cho sinh viên những kỹ năng mà doanh nghiệp của họ cần, những kiến thức chuyên môn mà chính công việc hiện tại của họ yêu cầu. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông trong hỗ trợ công tác tuyển sinh. Với ĐHQGHN, TS. Nam gợi ý tăng cường mô hình hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp thông qua phát triển các dự án cụ thể, đồng thời chú trọng đầu tư cho khoa học kỹ thuật, công nghệ. Để tăng tính hội nhập thì việc tạo môi trường thu hút sinh viên, học viên quốc tế là cần thiết. Với chủ đề “Thách thức với đại học công truyền thống”, TS. Phạm Hùng Hiệp cho biết, các cơ sở đại học công truyền thống hay đại học nghiên cứu/tinh hoa (elite) gặp một số thách thức như: Chính phủ cắt giảm ngân sách hoặc chuyển dần từ cấp ngân sách thường xuyên sang cấp ngân sách theo hiệu quả; Bộ máy cồng kềnh/văn hóa tổ chức khó thay đổi; Chảy máu chất xám sang nước khác/lĩnh vực khác hoặc không tuyển được sinh viên giỏi nhất; Cạnh tranh từ xu hướng “tinh hoa hóa” hoặc “bán tinh hoa hóa” (semi-elite) từ các ĐH định hướng nghề nghiệp. TS. Phạm Hùng Hiệp chia sẻ với chủ đề “Thách thức với đại học công truyền thống” Để phát triển theo hướng mô hình đại học đẳng cấp quốc tế, có khả năng cạnh tranh, TS. Phạm Hùng Hiệp khuyến nghị, khi các đại học khi xây dựng chiến lược nên chú trọng đến 4 chữ: V (Value – Có giá trị), R (Rare – Hiếm), I (In-Imitable – Khó bắt chước), N (Non-substitutable – Khó thay thế). ĐHQGHN có thể tận dụng những thế mạnh của mình để lựa chọn điểm nhấn phù hợp, từ đó tập trung nhân lực trình độ cao với cơ chế quản trị phù hợp để tạo ra những giá trị độc đáo của mình. Thông tin về hai diễn giả: 1. TS Nguyễn Thành Nam: - Là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT. - Từng nằm giữ các chức vụ: Giám đốc Trung tâm Giải pháp Phần mềm FSS, Tổng giám đốc FPT Software và là Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT giai đoạn từ năm 2009-2011.... - Hiện nay, ông là Hiệu trưởng Trường Đại học trực tuyến FUNiX-Trường đại học đào tạo hoàn toàn theo hình thức trực tuyến đầu tiên tại VN. Ông cũng là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT kiêm Cố vấn Sáng tạo của Tập đoàn FPT. 2. TS. Phạm Hùng Hiệp: - Là Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia; đồng thời cũng là người sáng lập Chương trình Research Coach in Social Sciences - sáng kiến hỗ trợ các nhà khoa học trẻ về khoa học xã hội trong việc tiếp cận nghiên cứu theo các tiêu chuẩn quốc tế. Chủ đề nghiên cứu của anh bao gồm: giáo dục quốc tế và đổi mới giáo dục... - Đã công bố khoảng 20 bài báo/chương sách trên tạp chí/ấn phẩm được ISI/Scopus chỉ mục và hiện là thành viên ban biên tập của 2 tạp chí quốc tế và 2 tạp chí trong nước về lĩnh vực giáo dục; trong đó có 1 tạp chí thuộc danh mục Scopus. |
|