![]() |
Khẳng định vai trò của khu vực tư nhân
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS Đào Thanh Trường, nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của chủ đề năm nay trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những cơ hội bứt phá nhưng cũng đối diện nhiều thách thức về tăng trưởng dài hạn.
Chính sách công nghiệp ngày nay không chỉ là công cụ kỹ thuật, mà cần trở thành một chiến lược quốc gia – giúp khơi thông động lực tăng trưởng, định hướng phân bổ nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hình thành các doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh toàn cầu, - PGS.TS Đào Thanh Trường khẳng định.
![]() |
Theo PGS.TS Đào Thanh Trường, khu vực tư nhân hiện đóng góp hơn 50% GDP và hơn 85% số việc làm phi nông nghiệp, vì vậy một chính sách công nghiệp hiện đại và có chiều sâu sẽ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể chuyển đổi số mạnh mẽ, mở rộng thị trường và đóng vai trò chủ lực trong tăng trưởng hai con số – một mục tiêu không viển vông, mà là yêu cầu cấp thiết nếu Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên trên bản đồ kinh tế thế giới.
PGS.TS Đào Thanh Trường cũng bày tỏ sự ghi nhận với chuỗi 17 năm công bố Báo cáo Kinh tế thường niên của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, coi đây là một đóng góp khoa học đáng tự hào, thể hiện vai trò phản biện chính sách và năng lực nghiên cứu – tư vấn chất lượng cao của ĐHQGHN. Phát triển khu vực tư nhân dưới sự dẫn dắt đúng đắn của chính sách công nghiệp hiện đại không chỉ là một giải pháp kinh tế, mà còn là động lực kiến tạo một Việt Nam tự chủ, thịnh vượng và sáng tạo.
Vai trò chiến lược của chính sách công nghiệp trong bối cảnh mới
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê khẳng định vai trò then chốt của chính sách công nghiệp trong việc kiến tạo môi trường tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững cho khu vực tư nhân.
Chính sách công nghiệp không chỉ là công cụ ngành đơn thuần, mà cần được định vị là một động lực chiến lược – hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển nhanh và bền vững, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng hai con số.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng kinh nghiệm từ các quốc gia Đông Á – như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Loan – cho thấy, việc áp dụng chính sách công nghiệp chọn lọc, chủ động, dài hạn đã giúp họ vươn mình trở thành các trung tâm sản xuất công nghệ toàn cầu. Với Việt Nam, việc định vị lại vai trò chính sách công nghiệp trong thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết.
Từ thực tiễn phát triển kinh tế trong nước, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng lưu ý các vấn đề tồn tại như năng suất lao động thấp, mức độ liên kết chuỗi yếu, hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân chưa như kỳ vọng. Báo cáo chỉ ra rằng TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) nhiều năm ở mức thấp hoặc âm, cho thấy mô hình tăng trưởng hiện tại đang chững lại và thiếu bền vững. Từ những bài học và thực tiễn đó, Việt Nam cần xác lập một cách tiếp cận mới – lấy doanh nghiệp tư nhân làm trung tâm chính sách, lấy công nghiệp làm nền tảng và lấy đổi mới sáng tạo làm trục phát triển.
![]() |
Chia sẻ tại hội thảo bà Vanessa Kristina Steinmetz – Giám đốc FNF Việt Nam bày tỏ vinh dự được hợp tác cùng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN trong một chuỗi các hoạt động học thuật, nghiên cứu và tư vấn chính sách: Việt Nam không chỉ đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng, mà còn hướng tới mục tiêu táo bạo là tăng trưởng hai con số – đây là khát vọng đáng khích lệ.
Bà khẳng định khu vực tư nhân đang là “động lực năng động nhất” của nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thể chế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện tiếp cận vốn, công nghệ và kỹ năng – những yếu tố quyết định để doanh nghiệp tư nhân phát triển vững mạnh hơn nữa.
“Chính sách công nghiệp cần không chỉ dẫn dắt, mà phải tiếp thêm sức mạnh cho khu vực tư nhân,” bà nói.
Trong khuôn khổ hội thảo công bố báo cáo, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã có phiên thảo luận xoay quanh các nội dung liên quan đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 và triển vọng giai đoạn 2026 - 2030. Cùng với đó, thảo luận về những khó khăn, thách thức; đề xuất để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030 như mục tiêu đề ra.
![]() |
Theo các chuyên gia tham dự hội thảo đánh giá Báo cáo Thường niên 2025 đã có cái nhìn toàn diện và thực tiễn. Đây là kết quả nghiên cứu công phu, với cấu trúc vừa cập nhật toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2024–2025 và tác động đến Việt Nam; tổng quan kinh tế trong nước về tăng trưởng, lạm phát, chính sách tài chính – tiền tệ, cải cách thể chế; mô hình tăng trưởng Việt Nam qua lăng kính so sánh với các nền kinh tế Đông Á. Đồng thời trong báo cáo các nhà nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN cũng đã phân tích thực trạng chính sách công nghiệp tại Việt Nam và khu vực tư nhân; đề xuất chính sách nhằm nâng cao năng suất, tăng cường liên kết chuỗi, đẩy mạnh chuyển đổi số và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
![]() |
Ngoài ra, trong báo cáo các chuyên gia cũng đã đưa ra được các khuyến nghị chính sách từ Báo cáo 2025. Chính sách ngắn hạn cho tăng trưởng kinh tế từ việc duy trì ổn định vĩ mô, tránh tâm lý “nóng vội” trong điều hành chính sách; Tăng cường cải cách thể chế, giảm chi phí tuân thủ, nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Ưu tiên chính sách công nghiệp chọn lọc, giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận dễ dàng hơn với vốn, công nghệ, đất đai và thị trường; Đẩy mạnh thống kê ngành công nghiệp để theo dõi và điều chỉnh chính sách.
![]() |
Song song với đó các chuyên gia tư vấn kinh tế cũng đã nêu ra được kế hoạch phát triển trung và dài hạn như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ – kỹ thuật – đổi mới sáng tạo; Đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm gắn với chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và tăng trưởng bao trùm; Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tuần hoàn, nâng cao khả năng thích ứng với biến động toàn cầu.
![]() |
Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2025 tiếp tục khẳng định vị thế học thuật, vai trò phản biện chính sách và đóng góp thiết thực của Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN vào sự phát triển kinh tế đất nước. Đây không chỉ là một sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao, mà còn là “kim chỉ nam” chính sách cho giai đoạn phát triển mới của Việt Nam – nơi khu vực tư nhân được trao vai trò trung tâm, và chính sách công nghiệp hiện đại là bệ phóng chiến lược cho tăng trưởng bền vững.
![]() |
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là sản phẩm của Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ấn phẩm đã liên tục được xuất bản và công bố trong 17 năm qua, tập trung phân tích độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển của kinh tế Việt Nam, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô. Đồng thời, thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam.
Đơn vị tổ chức hội thảo: Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN là đơn vị tiên phong về đào tạo, nghiên cứu và tư vấn chính sách trong lĩnh vực kinh tế – quản lý, Trường định hướng trở thành đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế tri thức của đất nước. Trường Đại học Kinh tế đã có nhiều thành tựu nổi bật trong quá trình quốc tế hóa và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Theo đó, lĩnh vực Kế toán – Tài chính lần đầu tiên lọt vào top 301 toàn cầu theo bảng xếp hạng QS Rankings, trong khi ngành Kinh tế – Kinh tế lượng vươn lên top 401 thế giới. Đặc biệt, Nhà trường vừa đón nhận kiểm định chất lượng quốc tế ACBSP – một trong những chứng nhận uy tín nhất trong đào tạo kinh doanh. Trong bối cảnh ĐHQGHN vừa vươn lên nhóm 761–770 thế giới theo bảng xếp hạng QS World University Rankings 2026 (tăng hơn 100 bậc), Trường Đại học Kinh tế được đánh giá là đơn vị đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực Kinh tế – Kinh doanh – Khoa học quản lý – Kế toán – Tài chính. Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF): Tổ chức phi chính phủ của Đức hoạt động tại hơn 60 quốc gia, FNF hướng tới thúc đẩy các giá trị tự do, pháp quyền, kinh tế thị trường và đối thoại chính sách. Tại Việt Nam, FNF là đối tác đồng hành tin cậy trong lĩnh vực học thuật, giáo dục và cải cách. |